"Dự thảo thỏa thuận đã được trao cho cả Hamas lẫn Israel, những trở ngại chính trong các vấn đề gây tranh cãi giữa hai bên đã được giải quyết. Các cuộc thảo luận hiện tại tập trung vào hoàn thiện những chi tiết còn lại. Thỏa thuận đang đến gần chưa từng thấy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari cho biết trong cuộc họp báo ở Doha hôm 14/1.
Qatar, cùng Mỹ và Ai Cập, đã nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas suốt nhiều tháng qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar nói rằng quá trình thực hiện lệnh ngừng bắn sẽ được thực hiện ngay sau khi nó hoàn tất.
"Chúng tôi tin rằng Qatar, thông qua các cuộc đàm phán và đối tác của chúng tôi ở Ai Cập và Mỹ, có thể giảm thiểu rất nhiều bất đồng giữa hai bên", ông Majed al-Ansari nói thêm về khẳ năng ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, ông Majed al-Ansari cũng lưu ý, Qatar tin rằng đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng, nhưng rõ ràng sẽ không có thông báo chính thức nào cho tới khi quyết định cuối cùng được đưa ra. Không nên quá phấn khích về những gì diễn ra lúc này, nhưng vẫn tràn đầy hy vọng.
Trước đó, giới chức Israel cho biết, các quan chức Mỹ đang tích cực thúc đẩy một thỏa thuận giữa hai bên trong những ngày tới, thậm chí trước thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Người dẫn đầu nỗ lực trung gian này là ông Steve Witkoff, đặc phái viên về Trung Đông của chính quyền Trump sắp tới. Ông Witkoff đã tham gia các cuộc đàm phán tại Israel và Qatar nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
Một động thái tích cực đã diễn ra vào ngày 12/1 khi phái đoàn Israel tới Qatar để đàm phán về khả năng đạt được thỏa thuận thả con tin. Theo tờ Jerusalem Post, quyết định cử phái đoàn tới Doha được thúc đẩy bởi những tiến triển trong vòng đàm phán trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá không mấy lạc quan về triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn. Ông Sergey Balmasov, chuyên gia cấp cao Nga tại Viện Trung Đông, ước tính khả năng này chỉ khoảng 10-15%. Theo ông, tình hình hiện tại đang có lợi cho Israel, xét đến sự suy yếu của phong trào Hezbollah - đồng minh của Hamas tại Liban, cũng như ảnh hưởng giảm sút của Iran tại Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.
Chuyên gia Lyudmila Samarskaya, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Nga, cũng đồng quan điểm trên. Chuyên gia Samarskaya chỉ ra rằng mặc dù trước đây đã có nhiều dự đoán lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán thường đổ vỡ vào phút chót do những bất đồng không thể hòa giải giữa các bên.
Đáng chú ý, ông Balmasov nhận định rằng việc cử phái đoàn Israel do Giám đốc Mossad dẫn đầu tới Doha có thể chỉ là động thái nhằm đánh lạc hướng Mỹ và các bên khác. Điều này tạo điều kiện cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tập hợp lực lượng và tăng cường các đợt tấn công tại Gaza.
Với những diễn biến phức tạp hiện nay, triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas trước thời điểm ông Trump nhậm chức vẫn còn chưa chắc chắn. Dù các bên đang nỗ lực đàm phán, nhưng những khác biệt sâu sắc và tính toán chiến lược của mỗi bên có thể là rào cản lớn cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần.