ĐS&PL:Trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh vừa qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với công tác phòng chống dịch Covid-19?
TS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Thời gian vừa qua, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đội ngũ phóng viên gồm phóng viên chiến trường, xung phong vào các điểm nóng của dịch bệnh và cả các phóng viên tác nghiệp tại hậu phương chuyển tải các thông tin của dịch bệnh, các quy định, phòng chống bệnh dịch của các cơ quan chức năng đã đóng góp lớn vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Rất nhiều bài viết, phóng sự, hình ảnh mô tả được chân thực công tác phòng chống dịch được đưa tới người dân. Thậm chí, nhiều phóng viên đã không quản hiểm nguy đi vào sâu trong khu vực dân cư có dịch Covid-19, đi vào buồng bệnh để phỏng vấn người bệnh, ghi hình quá trình tác nghiệp của cán bộ y tế ở ngay tại các buồng bệnh. Những thông tin nóng hổi, kịp thời này được chuyển tải tới người dân, giúp người dân nắm bắt được thông tin chính xác, không hoang mang trước dịch bệnh.
Đồng thời, những thông tin này cũng phản ánh chân thực nhưng nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cổ vũ khích lệ người thầy thuốc vượt qua khó khăn trong công tác phòng chống dịch.
ĐS&PL:Ông có thể kể ra một số dấu mốc của diễn biến dịch Covid-19. Báo chí đã xuất hiện trong những thời gian cam go đó như thế nào?
TS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2020, một số phóng viên khi tham gia vào công tác chống dịch cùng các y bác sĩ cũng đã bị nhiễm Covid-19. Các phóng viên bị nhiễm bệnh này chưa được tiêm vắc-xin bởi thời điểm đó chưa có vắc-xin Covid-19. Qua đây, chúng ta càng thấy được sự hy sinh, tinh thần hăng hái tham gia của các phóng viên, nhà báo.
Tôi nhớ hồi ở Xuân Lôi - Lập Thạch - Vĩnh Phúc, có những nhà báo, phóng viên vào tận trong xã Xuân Lôi mà khi ấy xã Xuân Lôi đang đỉnh dịch và bị phong toả. Anh chị ấy đã vào bên trong khu vực để ghi hình, thực hiện các cuộc phỏng vấn, đưa thông tin về dịch bệnh tại địa bàn xã. Đặc biệt là có các phóng viên nữ cũng tham gia với một lượng lớn. Như khu vực tỉnh Hải Dương, Sơn Lôi, Tp.HCM có các bạn phóng viên là nữ xung phong đi vào vùng dịch ghi hình. Hay Đà Nẵng, cũng có một số phóng viên nữ của một số đài, báo. Khu vực Tp.HCM, Bộ Y tế cũng cử nhóm phóng viên khá hùng hậu vào tham gia công tác phòng chống dịch và ghi lại những mốc lịch sử cũng như các hoạt động phòng chống dịch của Thành phố và bộ phận thường trực của Bộ Y tế.
ĐS&PL:Trong thời gian tới, dự báo nhiều dịch bệnh sẽ có khả năng tiếp tục diễn ra. Vậy, bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác hợp tác với báo chí phòng chống dịch bệnh như thế nào thưa ông?
TS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Việc đưa tin, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác là hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Những thông tin này sẽ giúp người dân tránh được hoang mang, tiếp nhận được những khuyến cáo chính xác của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong quá trình chống dịch Covid-19 vừa qua, tôi cũng rút ra được bài học kinh nghiệm. Muốn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới có hiệu quả, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa phóng viên với các nhà chuyên môn y tế để vừa đưa tin, vừa truyền tải thông điệp để mà hướng dẫn cho người dân trong quá trình phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, người dân có thể tham gia trong quá trình phòng chống dịch, hợp tác với cơ quan y tế, cơ quan chỉ đạo phòng chống dịch ở các cấp để thực hiện thành công công tác chống dịch.
Trong tương lai, chúng ta khó tránh khỏi được sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh khác, nhiệm vụ về công tác thông tin, truyền thông trong phòng chống dịch luôn là mảng công việc hết sức quan trọng. Bên cạnh công việc chuyên môn thì công tác truyền thông của các cơ quan Báo chí luôn được Bộ Y tế đánh giá là mảng mũi nhọn của công cuộc phòng chống dịch.
ĐS&PL:Xin cảm ơn ông!
Thanh Loan
Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam