Sau nhiều lần bộ Y tế liên tục khẳng định lô thuốc H-Capita của công ty VN Pharma không phải thuốc giả mà chỉ là thuốc kém chất lượng, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra để phản bác nhận định này. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quỹ chống hàng giả Việt Nam (ACF) thẳng thắn nêu quan điểm: “H-Capita là thuốc giả, bộ Y tế đang bao che cho VN Pharma”.
Ông Phạm Ngọc Hùng khẳng định H-Capita là thuốc giả. |
PV: Ông nghĩ sao về việc bộ Y tế khẳng định lô thuốc H-Capita của công ty VN Pharma là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Theo dõi thông tin từ phiên tòa xử án vụ VN Pharma, tôi không đồng tình với cách trả lời vòng vo của Bộ Y tế. Lô thuốc H-Capita của công ty VN Pharma là hàng giả chứ không thể nói hàng không rõ nguồn gốc. Tôi đưa ra nhận định như vậy là do, từ nhãn hiệu, nhà sản xuất, bao bì cho đến hồ sơ giấy tờ đều là giả. Thế nên, Bộ Y tế không thể đánh tráo khái niệm hàng giả với hàng kém chất lượng.
PV: Nhưng thưa ông, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã thông tin tới báo chí về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ này trong việc xử lý thuốc nhập khẩu của VN Pharma và khẳng định không “ưu ái” trong cấp phép?
Ông Phạm Ngọc Hùng: VN Pharma đã ngụy tạo hồ sơ, từ đầu đến cuối, từ hồ sơ, giấy tờ đều là giả thì làm sao có thể nói nó là thuốc kém chất lượng? Việc thẩm định cấp phép rất chặt chẽ nhưng VN Pharma lại dễ dàng “lọt cửa” cục Quản lý Dược. Rõ ràng, việc thẩm định cấp phép của bộ Y tế có vấn đề.
Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị TAND TP.HCM xử 12 năm tù về tội Buôn lậu. |
Ngay như câu chuyện Bộ trưởng bộ Y tế không dám “đối diện sự thật” có người nhà làm tại công ty VN Pharma đã tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận về việc nhập khẩu thuốc của công ty này. Cách trả lời quanh co của đại diện bộ Y tế, theo tôi là có chủ đích nhằm bao che cho VN Pharma và nhóm lợi ích(!?).
PV: VN Pharma đã nại ra tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Xem ra, cách lý giải của bộ Y tế đang cố tình “gỡ tội” cho VN Pharma, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Đây không chỉ là “gỡ tội” cho VN Pharma mà là có sự che giấu nhằm trục lợi cho nhóm lợi ích trên nỗi khổ của bệnh nhân và người tiêu dùng. Buôn bán thuốc giả là một tội ác, việc đó gây ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng con người, bộ Y tế trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm.
PV: Nói như vậy, theo ông, liên quan đến vụ VN Pharma cơ quan quản lý cần “gọi đúng tên, xử đúng tội”?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của bộ Y tế cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita. Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo rốt ráo đó, mọi vi phạm, góc khuất sẽ được làm rõ.
Chỉ khi chúng ta xác định và nhận diện chính xác như vậy thì mới xử lý nghiêm có tác dụng răn đe, tránh cho rất nhiều “hiện tượng VN Pharma” trong tương lai. Theo quan điểm của tôi, các bị cáo trong vụ VN Pharma bị đưa ra xét xử với tội danh Buôn lậu là không đúng bản chất sự việc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
H-Capita là hàng giả và đây là tội ác? Trả lời báo chí, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho rằng: “Ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e, khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với tổ thẩm định của cục Quản lý Dược (bộ Y tế), gồm 10 chuyên gia giỏi, chia thành hai nhóm kiểm tra, đánh giá trước khi xét duyệt, tôi không rõ quá trình thẩm định nguồn gốc, xuất xứ số thuốc này được thực hiện theo cách thức, quy trình nào. Các mã vạch ở vỏ hộp thuốc cũng có thể là nguồn tra cứu trực tiếp, đơn giản và hữu dụng. Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác”. | ||
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Nguyên giảng viên ĐH Y dược TP. HCM): Nếu Bộ khẳng định thuốc H-Capita không phải thuốc giả, ai còn dám sản xuất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả". Với định nghĩa của WHO, tôi cho rằng thuốc H-Capita là thuốc giả. Thuốc không có nguồn gốc, không biết sản xuất ở đâu làm sao có thể gọi là thuốc? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải xem xét lại. Về chuyên môn tôi biết, tôi khẳng định đây là thuốc giả! Từ định nghĩa WHO, thuốc giả có thể chia thành 6 loại có liên quan đến hình thức và mức độ giả mạo: Sản phẩm không có hoạt chất chữa bệnh, sản phẩm có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có lượng hoạt chất chữa bệnh đúng nhưng có bao bì giả nhái lại sản phẩm nguyên bản (mạo danh nhà sản xuất/nước sản xuất, xuất xứ thuốc thật bị làm giả), sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết, sản phẩm nhiễm bẩn chứa độc chất đến mức nguy hiểm. Bộ dựa vào kết quả kiểm nghiệm về % hoạt chất để bảo lưu quan điểm thuốc H-Capita là kém chất lượng, về mặt dược chất có thể là thật nhưng về mặt pháp lý thì đây là thuốc giả bởi hồ sơ, tên công ty sản xuất tất cả đều là giả, không hề có thực. Đặc biệt, Hội đồng giám định đã kết luận thuốc H-Capita sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng và không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Điều đó cho thấy các chứng từ xác nhận nguồn gốc thuốc là giả thì lấy gì để nói đó là thuốc thật, kém chất lượng? Tôi lấy ví dụ như một sản phẩm thuốc đang bị làm giả nhiều trên thị trường là viagra. Nó có thể vẫn có tác dụng với người sử dụng nhưng vẫn là thuốc giả. Nếu bảo thuốc VN Pharma không phải thuốc giả tức là thật thì công ty nào dám sản xuất, nghiên cứu thuốc nữa. | ||
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư Hà Nội: Buôn thuốc giả sao xử tội buôn lậu? Hành vi của các bị cáo trong vụ VN Pharma trước hết có dấu hiệu của tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy định tại Điều 157, BLHS. Tuy nhiên, vụ việc này cũng có dấu hiệu của tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 153, BLHS với đặc trưng là “đưa hàng hóa trái phép qua biên giới”. Khi một hành vi có dấu hiệu của nhiều tội, thì theo nguyên tắc áp dụng luật hình sự là phải chọn hành vi nào phản ánh đúng bản chất và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nhiều hơn. Với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có mức hình phạt cao nhất là tử hình (với điều kiện hành vi phạm tội phải gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 4, Điều 157, BLHS), trong khi đó, BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã loại hình phạt tử hình ra khỏi tội Buôn lậu. Vì vậy, xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi (buôn thuốc giả- PV) thì tội theo Điều 157 sẽ được ưu tiên áp dụng. |
Hương Lan - Đỗ Thơm