“Vụ án hoa hậu Phương Nga không có gì phức tạp cả. Thẩm phán cấp sơ thẩm cũng có thể xử được vụ này" - Phó Chánh án TAND tối cao – ông Lê Hồng Quang nhận định vụ án hoa hậu Phương Nga.
Chiều nay (12/9), tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Họp báo thông báo kết quả Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ-TW của Bộ Chính trị.
Theo thông tin trên báo Dân trí, tại buổi họp báo, Phó Chánh án TAND tối cao – ông Lê Hồng Quang nhận định: “Vụ án hoa hậu Phương Nga không có gì phức tạp cả. Thẩm phán cấp sơ thẩm cũng có thể xử được vụ này".
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao, hoa hậu Phương Nga là người nổi tiếng, được dư luận, báo chí quan tâm nhưng công lý không nghiêng về phía người nổi tiếng, không nghiêng về phía người có đẳng cấp, bất kể người nào cũng được đối xử công bằng.
Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ |
Ông Quang chia sẻ, trong vụ án hoa hậu Phương Nga có một số nguyên tắc trong tố tụng đã được áp dụng như nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nguyên tắc đảm bảo quyền im lặng của bị cáo.
“Trước đây mà bị cáo im lặng tại toà thì bị coi là chai lì, bất hợp tác với cơ quan tố tụng nhưng giờ “quyền im lặng” đã trở thành một nguyên tắc căn bản trong tố tụng. Bị cáo có quyền giữ im lặng, còn nhiệm vụ của cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Cụ thể, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có trách nhiệm chứng minh bị cáo có tội hoặc không có tội, nếu không cơ quan tố tụng không chứng minh được tội trạng, Toà sẽ tuyên bị cáo vô tội và ngược lại” - ông Lê Hồng Quang nói.
14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử
Theo thông tin trên báo An ninh Thủ đô, tại Hội nghị sơ kết 3 năm, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong việc thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu Tòa án các cấp trong cả nước tiếp tục triển khai 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án;
Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án;
Tăng cường công tác kiểm tra, Giám đốc việc xét xử; Nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng…
Cũng tại hội nghị, nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, Chánh Tòa án nhân dân tối cao quyết định ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân và Quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Theo báo Công lý, tại cuộc họp báo, thông báo về kết quả Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Chánh văn phòng TANDTC cho biết, Báo cáo 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 3 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ. |
(Tổng hợp)