+Aa-
    Zalo

    Phó Ban Nội chính TƯ: Có "tiền lệ" hối lộ tình dục ở Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Cách đây hơn chục năm, có vụ ở Phú Thọ đã dùng tình hối lộ một số vị có chức quyền để ký séc khống nhưng do luật chưa quy định nên không thể xử lý".

    (ĐSPL)-"Cách đây hơn chục năm, có vụ ở Phú Thọ đã dùng tình hối lộ một số vị có chức quyền để ký séc khống nhưng do luật chưa quy định nên không thể xử lý", Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói về sự cần thiết đưa nội dung "hối lộ tình dục" vào luật hình sự.

    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Khánh cho rằng, ở Việt Nam, nếu đưa hối lộ tình dục vào luật, thì việc tìm bằng chứng cho việc này cũng không hề dễ dàng, tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ có nghiệp vụ làm việc đó.

    Hối lộ tình dục ở Việt Nam: Làm sao để lấy được bằng chứng?

    Ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, tìm bằng chứng việc hối lộ tình dục không hề dễ dàng.

    Mới đây, ông đã có kiến nghị nên nghiên cứu và đưa vấn đề hối lộ tình dục vào dự thảo Bộ luật Hình sự sẽ sửa đổi trong thời gian sắp tới. Vậy, hối lộ tình dục có phải là một khái niệm mới ở Việt Nam không, thưa ông?

    Trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của họ từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định về việc này nên cũng có thể coi đây là một vấn đề mới.

    Thực ra, từ trước đến nay, chúng ta vẫn chỉ luôn quan niệm rằng tài sản đưa hối lộ là tài sản vật chất chứ không hề đề cập gì đến những lợi ích hối lộ phi vật chất.

    Trong cuộc Hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999”, nhiều chuyên gia quốc tế cũng tư vấn cho chúng ta việc nên mở rộng thêm quan niệm về tài sản hối lộ, không chỉ là tài sản vật chất mà bao gồm cả lợi ích về tinh thần. 

    Bởi xét về bản chất, kể cả hứa hẹn đưa cá nhân vào các hội, các tổ chức danh tiếng, hay cả việc liên quan đến việc thi đua khen thưởng, phong tặng danh hiệu… cũng được coi thuộc lợi ích phi vật chất, trở thành đối tượng của hối lộ.

    Xuất phát từ đâu mà ông đưa ra đề xuất đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự sửa đổi?

    Công ước quốc tế đã quy định hối lộ tình dục thuộc phạm trù hối lộ phi vật chất.

    Trong cuộc Hội thảo được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia của quốc tế và các tổ chức quốc tế đều cho rằng, những quy định về hối lộ tình dục trong hệ thống luật pháp quốc tế nên được nghiên cứu theo hướng nội hóa vào luật pháp Việt Nam để đảm bảo chống tham nhũng triệt để.

    Lĩnh hội tinh thần và ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh việc này nên tôi thấy việc kiến nghị đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự là cần thiết.

    Trước đây, ông đã từng ghi nhận trường hợp nào đã từng đề xuất về việc đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự chưa?

    Theo tôi biết, thì từ trước đến nay chưa ai từng đề xuất hay kiến nghị về việc này cả. Chúng ta mới chỉ coi của hối lộ là vật chất, chứ  lợi ích phi vật chất thì chưa có.

    Trước khi đưa ra đề xuất về việc này, ông có nghĩ đến những cái khó của nó hay không?

    Tất nhiên là có. Khi đưa ra đề xuất này, chắc chẳn phải khẳng định rằng việc xác định hối lộ bằng tình dục khó hơn rất nhiều việc xác định hối lộ bằng vật chất, là những thứ nhìn được, nhận diện được, bản thân nó lại chính là tang vật của vụ án. Còn đối với hối lộ tình dục thì lại là một vấn đề vô cùng nhạy cảm.

    Vậy nếu muốn xác định tội danh hối lộ tình dục thì làm cách nào để có thể lấy được bằng chứng về việc này, thưa ông?

    Khó chứ không có nghĩa là không làm được. Việc tìm bằng chứng thì thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, chắc chắn các cơ quan điều tra sẽ có biện pháp nghiệp vụ làm được việc đó.

    Theo ông, ở Việt Nam đã từng có “tiền lệ” nào về việc hối lộ tình dục hay chưa?

    Có rồi chứ! Còn nhớ cách đây hơn chục năm, có vụ ở Phú Thọ đã dùng tình hối lộ một số vị có chức quyền để ký séc khống, sau này khi phát hành ra thì nó vượt qua hạn mức tài chính của các đơn vị rất lớn nên sự việc được đưa ra cơ quan điều tra.

    Vì ngày đó chưa từng có quy định về việc hối lộ tình dục trong quy định của luật pháp Việt Nam, chưa có quy định về việc dùng tình dục làm món quà hối lộ nên hồi đó, cơ quan chức năng chỉ xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chứ đúng ra, vụ đó phải xử về tội hối lộ.

    Bên cạnh đó, chắc chắn còn nhiều sự việc nữa, nhưng vì luật pháp chưa quy định nên không công khai ra thôi.

    Vừa qua, có nhiều báo chí cũng hỏi tôi về việc tôi và Ban Nội chính Trung ương đã từng nhận được thông tin hay báo cáo nào về thực trạng hối lộ bằng tình dục hay chưa, tôi thấy hơi vô lý. Bởi đương nhiên, hối lộ tình dục đã được đưa vào luật đâu mà chúng tôi nhận được tin báo về việc này, có chăng chỉ là qua văn học và báo chí phản ánh mà thôi.

    Ở các nước trên thế giới, luật pháp rất rạch ròi giữa quà biếu và hối lộ, cả về mặt giá trị và hình thức. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có sự rạch ròi đó. Bởi vậy mà theo tôi, trong thời gian tới, những điều này cần phải được nghiên cứu đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-ban-noi-chinh-tu-co-tien-le-hoi-lo-tinh-duc-o-viet-nam-a66562.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan