+Aa-
    Zalo

    Phim "Thương nhớ ở ai": Tranh cãi vì những cảnh áo yếm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thương nhớ ở ai là một bộ phim nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, cách xây dựng bối cảnh, diễn xuất...

    Thương nhớ ở ai là một bộ phim nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, cách xây dựng bối cảnh, diễn xuất... Tuy nhiên, nhiều người tranh cãi về việc các diễn viên nữ không mặc nội y, để lộ hình dáng khuôn ngực sau lớp yếm mỏng. Vấn đề đặt ra là làm sao để trang phục vừa thỏa mãn tính chân thật, lịch sử mà không gây phản cảm...

    Lộ hay không lộ

    Thương nhớ ở ai là bộ phim truyền hình dài 34 tập, phát sóng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần từ ngày 4/11 trên sóng quốc gia, tạo được cơn địa chấn nhỏ trong khán giả Việt thời gian gần đây. Mới lên sóng bốn tập, nhưng cần thừa nhận, đây là một trong những bộ phim hay, đáng xem và khác biệt so với những phim truyền hình thời gian qua.

    Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Đây là câu chuyện về thân phận phụ nữ thời hậu chiến ở làng quê Bắc Bộ trong thời kỳ những năm 1954-1975. Hai cuộc chiến trôi qua, làng chỉ còn lại những người phụ nữ góa bụa hàng ngày tụ tập tại bến nước đầu làng.

    Những nhân vật như Nhân, Hơn, Hạnh là những người không chỉ phải chịu nỗi mất mát chiến tranh mang lại mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hà khắc. Họ phải đè nén những khao khát về hạnh phúc cá nhân...

    Bên cạnh nội dung hay, điều khiến nhiều khán giả bất ngờ là trang phục của nhân vật nữ. Nhiều phân cảnh, nhân vật nữ không mặc nội y hay dùng miếng dán ngực, để hình dáng khuôn ngực lộ sau lớp áo yếm mỏng.

    Trong đó, phân cảnh gây tranh cãi nhất là lúc nhân vật Hơn, con dâu nhà địa chủ chỉ mặc áo yếm, để lộ phần lưng trần gợi cảm. Bà cán bộ xã ganh ghét với sự trẻ trung của Hơn nên yêu cầu cần mặc kín đáo hơn vì có ông xã đội ở cùng. Bà cán bộ xã bảo: “Để cái ngực thây nẩy như đi trêu tức người ta”.

    Một phân cảnh khác là nhân vật bà cán bộ xã Tí Hin mặc chiếc áo yếm có áo tứ thân khoác bên ngoài đi qua đi lại để lộ phần nhạy cảm. Hay cảnh Tí Hin sỗ sàng cởi áo tứ thân bên ngoài, chỉ mặc yếm mỏng trong bữa cơm để ve vãn Vạn - một cựu chiến binh lực lưỡng.

    Nhiều độc giả cho rằng, phim truyền hình, đối tượng người xem có cả trẻ em, những cảnh như thế là lộ liễu, phản cảm. Một số khác nhận định, không mặc nội y trên sóng truyền hình là cách câu rating, tạo sự chú ý của ê-kíp phim...

    Trong khi đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định, việc nhân vật mặc áo yếm trong bộ phim này là rất bình thường, đúng bối cảnh, tạo sự chân thật, không có bất kỳ dụng ý nào khác. Theo ông, ngày ấy, phụ nữ ở các vùng nông thôn Bắc Bộ không mặc áo lót. Khi ở nhà họ thường mặc áo yếm. Khi ra đường, họ khoác thêm một chiếc áo bên ngoài. Bộ phim chỉ muốn đạt đến độ chân thật nên ê-kíp đã yêu cầu các diễn viên mặc như thế.

    Đồng đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho rằng, nhận định việc diễn viên nữ trong phim này mặc áo yếm phản cảm là chưa đúng. Ê-kíp phim đã rất tôn trọng truyền thống, cổ truyền. Nếu giả thuyết, nhân vật nữ vừa mặc áo yếm, vừa mặc áo lót bên trong thì khó có thể chấp nhận. Theo ông, khi lên sóng, mọi việc đều được kiểm duyệt chặt chẽ. Mỗi hình ảnh được đưa lên truyền hình phải đẹp nhất, chân thật nhất.

    Diễn viên Trần Vân Anh, vai Thủy Thị Màu chia sẻ: “Đúng là có những vai nữ chỉ mặc áo yếm khi lên hình nhưng không phải là toàn bộ. Thương nhớ ở ai có ba giai đoạn, trải dài từ năm 1945 đến năm 1975. Ở giai đoạn sau, những vai nữ thời kỳ mới vẫn mặc áo ngực. Đạo diễn chỉ yêu cầu những nhân vật nữ trong giai đoạn đầu, thời kỳ cũ không mặc nội y, để mang đến được cái chân thật nhất về những người phụ nữ ở làng quê Bắc Bộ thời bấy giờ. Tuy nhiên, những cảnh quay đều được chọn lọc rất kỹ càng và tiết chế, để tránh đi nhiều nhất sự phản cảm và vẫn đảm bảo giá trị văn hóa nghệ thuật cho phim”.

    Ranh giới mong manh

    Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho biết, chiếc áo yếm được người phụ nữ xưa sử dụng nhằm giữ bầu ngực mỗi khi khoác thêm áo bên ngoài. Điều này thể hiện sự kín đáo. Về sau, khi chiếc áo ngực của người phương Tây du nhập thì phụ nữ trong nước mới sử dụng. Do đó, đối với các bộ phim, vở kịch... thể hiện trang phục xưa, nhân vật là phụ nữ chỉ mặc áo yếm không có thêm “phụ tùng” bên trong là điều dễ hiểu.

    Theo anh, do khán giả không hiểu rõ trang phục từng thời kỳ lịch sử nên mới có những nhận định khắt khe như thế. Cũng có thể, do góc máy, ánh sáng... khiến nhiều người xem cảm thấy phản cảm. Tuy nhiên, anh cũng đồng tình với quan điểm, có thể vừa mặc áo yếm, vừa mặc thêm áo ngực hay miếng dán.

    Trong khi đó, nhà thiết kế Thuận Trương cho rằng, áo yếm được người phụ nữ Bắc Bộ sử dụng ngày xưa. Khi đưa áo yếm lên phim cần sự tinh tế chứ không thể sự thật thế nào là bê nguyên như thế. Điều này cũng giống như cảnh nude, không thể thể hiện một cách trần trụi mà cần có cảnh quay nghệ thuật, cắt lát...

    Quan điểm của anh, tôn trọng sự chân thật thời đại, bối cảnh phim của ê-kíp là rất đáng trân trọng. Cũng vì thế mà Thương nhớ ở ai đã có những thước phim rất đẹp, được người xem tán thưởng. Tuy nhiên, phải chi, ê-kíp xử lý tinh tế hơn một chút về chiếc áo yếm thì bộ phim sẽ tròn vẹn hơn. Bởi, ranh giới giữa tinh tế và phản cảm là rất mong manh.

    Xem bộ phim này, chắc chắn, sẽ có nhiều người không đồng quan điểm với ê-kíp phim khi để nhân vật nữ mặc áo yếm như thế. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số khán giả đồng quan điểm với ê-kíp. Theo anh, phim truyền hình có nhiều đối tượng xem khác nhau, trong đó có cả trẻ em, trẻ vị thành niên đang độ dậy thì. Do đó, trường hợp chiếc áo yếm, nếu đội ngũ thiết kế trang phục của bộ phim cho diễn viên sử dụng miếng dán ngực để che đi phần nhạy cảm thì vẫn giữ được sự chân thật và chắc chắn không gây ra những ý kiến trái chiều.

    Xem lại những bộ phim nổi tiếng trước đây như Bến không chồng (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Đến hẹn lại lên (đạo diễn Trần Vũ), Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu (cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa) chiếc áo yếm cũng được sử dụng nhưng khá tinh tế. Các nữ nhân vật mặc áo yếm luôn được khoác bên ngoài một chiếc áo cánh. Trong đó, chỉ có nhân vật Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy có một vài phân cảnh chỉ mặc áo yếm trong lúc bưng bát cháo hành cho Chí Phèo. Tuy nhiên, cảnh quay được cân nhắc, không gây sự khó chịu, phản cảm đối với người xem.

    Các phim không có bất kỳ cảnh người phụ nữ nào mặc áo yếm lưng trần đi lại trước mặt đàn ông. Những bộ phim này cũng khắc họa được sự chân thật ngay trong trang phục của nhân vật. Từ trước đến nay, các bộ phim về thời xưa vẫn thường gây tranh cãi về trang phục. Có những phim, trang phục được đầu tư cầu kỳ, đẹp mắt nhưng không đúng với thời đại. Một số khác được cách tân quá nhiều khiến người xem cảm thấy khó chịu.

    Một bộ phim, luôn có hai phần, là phần câu chuyện và phần thị giác. Phần câu chuyện có lúc, khán giả phải xem hết phim mới có thể cảm nhận. Riêng trang phục, chính là thị giác, đập ngay vào mắt người xem. Như vậy, trang phục là điều rất quan trọng góp phần vào sự thành công của một bộ phim. Do đó, điều được đặt ra là các ê-kíp phim Việt cần đầu tư hơn nữa, để có thể vừa mang đến một bộ phim hay về nội dung nhưng cũng thỏa mãn về phần nhìn để tránh gây ra những tranh cãi đáng tiếc, không nên có. Đây là điều khán giả rất cần và mong muốn.

    Huy Cường

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 137

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phim-thuong-nho-o-ai-tranh-cai-vi-nhung-canh-ao-yem-a209914.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan