+Aa-
    Zalo

    Phim điện ảnh: Muốn phát triển phải thay đổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhìn bao quát, phim điện ảnh Việt Nam lâu nay tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Mới nhất là lùm xùm “vụ” cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

    Nhìn bao quát, phim điện ảnh Việt Nam lâu nay tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Mới nhất là lùm xùm “vụ” cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. 

    “Trứng” được giao cho một công ty không liên quan đến văn hóa và công ty chiếm cổ phần lớn này thông báo, 1 năm chỉ sản xuất 2 phim trong đó có 1 phim điện ảnh. Như vậy, hàng loạt nghệ sĩ sẽ ngồi chơi “xơi” đồng lương ít ỏi vì “không làm việc”. Nhưng hơn cả, nền điện ảnh Việt sẽ mất đi sự phong phú, đa dạng bởi các nghệ sĩ phía Bắc có kiểu làm phim riêng, khác với các hãng phía Nam.

    Những năm trước, việc nhập phim nước ngoài còn bị hạn chế bởi hạn ngạch thì nay hạn ngạch không còn, phim nước ngoài được nhập tràn lan vào Việt Nam. Hàng rào duy nhất để các phim này được hay không được phát hành ở Việt Nam là Hội đồng kiểm duyệt quốc gia. Nếu bộ phim đó không quá bạo lực, không quá sex, không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt thì không có lý gì Hội đồng lại không cấp phép.

    Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

    Đây là khó khăn, là sức ép lớn nhất đối với các nhà sản xuất phim trong nước khi phần lớn số phim nhập là phim Mỹ. Không những thế, một số công ty trong nước còn làm đại lý cho các nhà phát hành Mỹ nên phim mới được phát hành cùng thời điểm với thị trường Bắc Mỹ. Thậm chí, một số phim còn được chiếu ở thị trường Việt Nam trước.

    Không chỉ thế, họ lại biết cách làm truyền thông, liên tục tung ra thông tin từ lúc còn là dự án đến khi phim hoàn thành với nhiều chiêu trò tinh vi, gây sự tò mò và chú ý với ngay cả những người ít quan tâm đến điện ảnh. Khi các phim bom tấn của Mỹ phát hành tại Việt Nam thì phim Việt dù đã có kế hoạch ra rạp trước đó đành phải “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, điều đó đã làm lỡ thời điểm phát hành mà các nhà sản xuất trong nước cho là tốt nhất. Anh chàng phim Việt như võ sĩ còi cọc phải đấu với gã võ sĩ to lớn, khỏe mạnh.

    Nếu trước kia khán giả không có nhiều sự lựa chọn món ăn tinh thần cho mình nên phim điện ảnh có lợi thế. Nhưng, hôm nay, họ có quá nhiều sự lựa chọn, hầu như ngày nào trên sóng truyền hình quốc gia, địa phương cũng có các chương trình giải trí, từ ca nhạc, trò chơi đến phim truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ... lại có cả hàng nghìn trò giải trí hấp dẫn trên mạng. Vì thế, đến rạp xem phim chỉ là một lựa chọn, và nếu phim Việt không có gì quá đặc biệt sẽ dễ dàng bị họ bỏ qua.

    Tuy nhiên, chẳng bàn tay nào che lấp được mặt trời, phim Hollywood không thể lấy hết khán giả, vì thế vẫn có cửa cho các nhà sản xuất phim trong nước.

    Năm 2015, số đầu phim Việt sản xuất lên đến con số 40, điều mà trước đó không ai dám nghĩ tới. Năm 2016 đã tăng lên con số 50, dự kiến năm 2017 cũng sẽ trên 50 phim, đó là sự cố gắng lớn của các nhà sản xuất. Phim vắng khán giả sẽ là thất bại về doanh thu, không có doanh thu đồng nghĩa với mất tiền bạc, sẽ không có kinh phí để đầu tư những phim tiếp theo. Vì thế, các nhà sản xuất phim trong nước buộc phải chạy theo thị hiếu khán giả.

    Hầu hết các hãng phim trong nước “nhỏ như con thỏ” chọn giải pháp an toàn là làm phim thị trường với thể loại: Hài tình cảm, hành động pha hài hay kinh dị. Những Hoàng tử và Lọ lem, Hello cô Ba, Cưới ngay kẻo lỡ, Săn đàn ông, Tèo em, Quả tim máu, Chung cư, Đoạt hồn, Quả tim máu 2... ra đời trong thời gian ngắn.

    Làm phim thị trường cũng chẳng sao, 99% phim Mỹ là phim thị trường và nó được làm một cách nghệ thuật. Song phần lớn phim thị trường Việt lại chưa đạt được điều đó. Kịch bản chắp vá, nhân vật thoại nhiều hơn hành động, gây cười chủ yếu bằng lời thoại và để tiết kiệm kinh phí sản xuất nên tác giả kịch bản rất ít thay đổi bối cảnh. Phim thì sống sít, không có ngôn ngữ, thiếu cảnh toàn, lúc nào cũng chỉ trung cảnh và cận cảnh. Diễn viên mang tiếng là “sao” song diễn xuất như diễn trên sân khấu, tự nhiên chủ nghĩa. Nhiều phim không thể gọi là phim điện ảnh, chỉ đáng là phim truyền hình một tập. Trong âm nhạc có khái niệm “rác âm nhạc” thì những loại phim như vậy cũng có thể gọi là “rác điện ảnh”. Thế nhưng không hiểu sao nó vẫn được Hội đồng duyệt cấp phép phát hành?

    Tất nhiên không phải hãng nào cũng làm phim theo kiểu ăn xổi. Có hãng thu hút khán giả bằng các phim “tử tế” và thành công, ví dụ như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (liên kết giữa Nhà nước và tư nhân). Tuy nhiên, số phim “tử tế” là rất ít ỏi.

    Chất lượng phim như vậy sao vẫn có khán giả và doanh thu nhiều phim cao ngất? Theo khảo sát thực hiện năm 2016 của trung tâm Chiếu phim Quốc gia, khán giả của phim điện ảnh chủ yếu là giới trẻ tập trung ở 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Tỷ lệ người trung và cao tuổi đến rạp bằng 0. Vì giá vào rạp không hề rẻ và đi xem phim ngày nay khác xa so với cách đây chục năm.

    Bây giờ đến rạp không chỉ là xem phim mà còn là cuộc trình diễn thời trang, để trưng bạn trai, khoe bạn gái mới quen, phải uống nước và tóp tép bỏng ngô. Chi phí 2 người cho một buổi xem phim ngót nghét nửa triệu đồng. Thế nên, phim chiếu rạp chủ yếu dành cho khán giả trẻ có điều kiện. Khán giả yêu điện ảnh đến mấy mà rỗng túi chỉ còn cách đứng ngoài ngắm áp phích.

    Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc trung tâm Chiếu phim quốc gia, người ngày nào cũng va chạm khán giả nhận định: Khán giả ngày nay không đỏng đảnh nhưng khó đoán định, có phim Việt chất lượng tốt nhưng họ không xem, có phim chất lượng thấp song phòng chiếu lại chật ních. Thói quen đi xem phim là xem đào kép mình thích chứ không phải xem vì phim đó có giá trị nghệ thuật, vẫn còn ở không ít khán giả.

    Nhà phê bình phim Ngô Ngọc Ngũ Long đã phải thốt lên: “Bó tay với khán giả thời nay” trong một cuộc hội thảo về chất lượng phim. Khi thị trường tràn lan những phim chiều theo khán giả thì thị hiếu thẩm mỹ sẽ không được cải thiện và dần sẽ mất hết khán giả lý tưởng. Họ sẽ bỏ điện ảnh nước nhà để chạy sang xem phim nước ngoài. Hãng phim nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển nhưng cách để tồn tại như hiện nay là thiếu tầm nhìn. Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng muốn tồn tại và phát triển bền vững phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo. Nếu cứ như hiện nay thì...

    Nguyễn Ngọc Tiến

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 39

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phim-dien-anh-muon-phat-trien-phai-thay-doi-a204345.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan