+Aa-
    Zalo

    Phim bị quay lén khi vừa ra rạp: Chưa có tiền lệ xử lý người vi phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều bộ phim vừa ra rạp bị khán giả “hồn nhiên” quay lén, đưa lên mạng. Hành động này có thể đẩy nhà sản xuất vào con đường phá sản, giết chết một bộ phim...

    Nhiều bộ phim vừa ra rạp bị khán giả “hồn nhiên” quay lén, đưa lên mạng. Hành động này có thể đẩy nhà sản xuất vào con đường phá sản, giết chết một bộ phim, làm ảnh hưởng đến nền điện ảnh nước nhà. Vấn đề đặt ra ở đây, ai là người chịu trách nhiệm về những hành động này? Bằng cách nào để ngăn chặn, giảm bớt? Đây là những câu hỏi cần có lời đáp...

    Bị phát hiện vẫn lách luật

    Em chưa 18 đang là bộ phim làm mưa làm gió tại các rạp chiếu. Chỉ sau một tuần, bộ phim đã đạt doanh thu 86 tỷ đồng và “xô đổ” hàng loạt kỷ lục của phim Việt. Thế nhưng, ê-kíp làm phim không khỏi lo lắng khi liên tục phát hiện khán giả đến rạp quay lén, livestream (quay video phát trực tiếp trên facebook – PV).

    Em chưa 18 là nạn nhân mới nhất của quay lén khi phim vừa công chiếu.

    Đại diện một hãng phát hành cho biết, hơn 35% phim Việt khi vừa ra mắt đã bị sao chép, phát tán trái pháp luật. Danh sách phim bị quay trộm cứ nối dài như Yêu, Cánh đồng bất tận, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể, Lô Tô... và chưa có dấu hiệu dừng lại. Từng là nạn nhân của quay lén, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, phim vừa ra mắt đã bị phát tán trên mạng là “cơn ác mộng” của tất cả các ê-kíp làm phim. Phim càng nổi tiếng thì tình trạng này càng nhiều.

    Ở Việt Nam, doanh thu tại rạp đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của một bộ phim. Phim bị phát tán trái phép lên mạng, đồng nghĩa gây tổn hại doanh thu, có thể đẩy một bộ phim lẫn ê-kíp vào đường khốn cùng, thậm chí phá sản. Ngoài ra, bản quay lén luôn có chất lượng thấp nên có thể giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim. Diễn viên Trương Ngọc Ánh bức xúc: “Xâm phạm bản quyền chẳng khác gì ăn cướp trắng trợn thành quả lao động của người khác. Hành động này cần bị lên án mạnh mẽ”.

    Ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc phát hành CGV) cho biết, tình trạng xâm phạm bản quyền phim là do phần lớn mọi người không nhận thức được sự ảnh hưởng của hành động này. Nhiều người nghĩ đơn giản, quay lén để cho bạn bè, người thân xem hoặc câu view (lượt xem – PV).

    “Hành động xâm phạm bản quyền phim ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Một số trường hợp bị phát hiện, không chịu xóa trên mạng xã hội mà chuyển sang chế độ xem nhóm, là một cách lách luật rất khó xử lý”, ông Hải cho biết.

    Lỗi tại ai?

    Bà Bùi Huệ Chi (công ty BHD) cho biết, mỗi cụm rạp đều có camera giấu kín giám sát người xem. Đây là một trong những cách phát hiện khán giả quay lén thông dụng. Thế nhưng, tình trạng quay lén phim khi đang công chiếu vẫn là bài toán đau đầu. Bà thừa nhận, hầu hết những trường hợp bị phát hiện đều xử lý bằng cách yêu cầu xóa video mà không thể áp dụng hình phạt nào khác hay giao cho công an.

    Theo bà, muốn đẩy lùi tình trạng này cần có sự chung tay của nhà sản xuất, nhà phát hành lẫn truyền thông với mỗi sự việc xảy ra. Cần có chế tài mạnh hơn, cho phép rạp trực tiếp xử lý vi phạm hoặc bàn giao cho công an xử lý. “Cần có một văn bản luật xử lý về vấn nạn xâm phạm bản quyền phim khi đang công chiếu”, bà Huệ Chi chia sẻ.

    Theo ông Lý Minh Thắng (Giám đốc sản xuất phim Lô Tô), bên cạnh khán giả, nhà phát hành cũng phải chịu trách nhiệm trong việc phim bị quay lén. Bởi, phía phát hành thuê phim của nhà sản xuất nên phải có trách nhiệm giữ bản quyền.

    Thế nhưng, hiếm khi nghe nhắc đến trách nhiệm của các rạp chiếu trong những vụ việc quay lén phim. Cách xử lý, phát hiện trường hợp nào thì yêu cầu xóa video là chưa triệt để, cần có chế tài mạnh hơn.

    Hiện nay, tình trạng livestream lên mạng xã hội khá quen thuộc nên các cơ quan liên quan cần phối hợp với quản lý facebook để xử lý các trường hợp vi phạm.

    Về vấn đề này, luật sư Trương Thị Thu Hà (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Nếu sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại có thể bị phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Trong trường hợp phạm tội nhiều lần có thể bi phạt từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm rất khó vì họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không mang tính tổ chức, chuyên nghiệp hay lợi nhuận. Nếu nhận thấy hành vi xâm phạm nặng, đơn vị sản xuất có thể khởi kiện, yêu cầu đền bù. Tuy nhiên, việc khởi kiện hay xử lý vi phạm không đơn giản về mặt thủ tục cũng như tố tụng.

    Huy Cường

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phim-bi-quay-len-khi-vua-ra-rap-chua-co-tien-le-xu-ly-nguoi-vi-pham-a189621.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan