+Aa-
    Zalo

    Phiên chợ chiều 5.000 đồng cùng người Cơ Tu “bước ra ánh sáng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chợ không hề có tiếng mặc cả, mọi thứ đều được bán đồng giá 5.000 đồng. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là nơi để đồng bào dân tộc Cơ Tu

    Chợ không hề có tiếng mặc cả, mọi thứ đều được bán đồng giá 5.000 đồng. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là nơi để đồng bào dân tộc Cơ Tu “bước ra ánh sáng”, xóa bỏ cách sống khép kín. Đồng thời, đó còn là nơi để các đôi trẻ tìm hiểu nhau...

    Chợ phiên của người Cơ Tu trên dải Trường Sơn. Ảnh: vovworld.vn

    Chợ chiều 5.000 đồng

    Vượt hơn 100km đường đèo từ TP.Đà Nẵng chúng tôi lên huyện Tây Giang (Quảng Nam). Những dốc đèo ngoằn ngoèo sương phủ khiến người cầm lái phải rất tỉnh táo vì chỉ cần một phút sơ sểnh là có thể bán mạng cho vực thẳm sâu. Trưa cùng ngày, chúng tôi đến thị trấn huyện. Sau bữa cơm trưa, thấy đoàn khách lạ, người dân phấn khởi bảo chúng tôi: “Các anh chị nên đến phiên chợ Chiều 5.000 đồng. Ở đó, cái gì cũng có”.

    Thấy lạ với tên chợ 5.000 đồng, theo lời chỉ của dân địa phương chúng tôi đến chợ họp ở con đường nhỏ của thôn Agrồng, xã A Tiêng. Chợ rộng khoảng 100m2, nền lát xi măng, lợp mái tôn với bảng hiệu “Chợ chiều năm ngàn”. Khi đến, do còn sớm, chợ chỉ mới vài bà con người dân tộc bày biện hàng.

    Anh Bríu Nhờ (35 tuổi) thừa nhận: “Tôi không nói sõi tiếng Kinh lắm!”. Giọng bập bẹ, anh kể, ở đây, hơn 90% là người dân tộc Cơ Tu. Từ trước đến nay, đồng bào chỉ biết gắn liền với nương rẫy. Sáng sớm họ lên rẫy đến tối mịt mới về. Họ nuôi, trồng được gì thì ăn nấy, không biết đến chợ búa, trao đổi.

    Cách đây chừng 2 năm, ở khu vực trường mầm non của xã A Tiêng vào mỗi chiều, phụ huynh, chủ yếu là người Kinh, làm cán bộ tại địa phương đến đón con. Thấy đồng bào mang mớ rau, con cá đi ngang họ hỏi mua. Lúc đầu, đồng bào không bán mà cho không. Nhận biếu hoài thấy cũng không tiện nên các phụ huynh trả tiền cho người biếu. Qua một vài lần như thế, các cán bộ cũng là phụ huynh đề nghị: “Chiều mai có gì thì mang đến đây bán cho tôi”.

    Những mớ rau, bắp chuối, cây mía... cứ thế được mang đến trước cổng trường để trao đổi vào lúc 3h chiều. Trưởng phòng Công Thương huyện Tây Giang A Lăng Tối cho biết: Cán bộ ở huyện biết đến chợ tự phát nên đã đưa ra ý tưởng thành lập chợ để bà con đồng bào có thể tụ tập buôn bán.

    Tuy nhiên, điều khiến mọi người băn khoăn là từ trước đến nay, đồng bào không hề biết buôn bán, liệu rằng, việc mở chợ có khả thi? Sau nhiều lần xem xét, UBND huyện trích 200 triệu đồng từ nguồn xúc tiến thương mại, du lịch để đầu tư làm chợ này.

    Chợ được xây dựng từ cuối năm 2017 nhưng lúc đầu không có người đến bán. Cán bộ tại địa phương tiến hành “dân vận”, đề nghị phụ huynh tại trường mẫu giáo thỏ thẻ với đồng bào nên dịch chuyển đến chợ bán. Đồng thời, cán bộ vận động phụ huynh không nên mua hàng trước trường mẫu giáo...

    Chỉ sau vài tháng, chợ Chiều 5.000 đồng bắt đầu đông người mua, kẻ bán. “Bà con ở đây bất kể bán cái gì cũng 5.000 đồng. Do đó, vừa để dễ nhớ, tạo sự tin tưởng lẫn gợi sự tò mò cho người lạ, nên tên chợ chiều 5.000 đồng được đặt cho chợ này”, anh Tối chia sẻ.

    Đến chợ chỉ để gặp người

    Càng về chiều, số lượng người đến bán tại chợ càng đông. Và, tất cả người bán đều là bà con dân tộc Cơ Tu. Thỉnh thoảng, một vài người bày cơm, xôi ra ăn.

    Tại phiên chợ hôm ấy, chúng tôi thật sự ấn tượng với cụ bà Hôih Thị Gưm vì những nếp nhăn co rúm với hàm răng đã rụng hết. Cụ không biết nói tiếng Kinh. Thông qua anh A Lăng Tối phiên dịch, chúng tôi được biết, năm nay, cụ đã 81 tuổi, sống ở thôn Agrồng, xã A Tiêng. Nhà cụ cách chợ không xa. Cứ 12h mỗi ngày, cụ lại chống gậy ra phiên chợ mang theo vài bó sả, vài củ sắn, nải chuối được người thân mang về từ rẫy.

    Cụ kể, trước đây, khi còn sức khỏe cụ thường vào rừng, lên rẫy, nhưng vài năm trở lại, sức khỏe yếu, suốt ngày cụ chỉ luẩn quẩn trong nhà. Từ ngày có phiên chợ này, cụ mang hàng ra bán. “Nói là bán hàng nhưng thực chất chỉ là ra đây để gặp người. Có người nói chuyện là vui rồi”, cụ nói.

    Cũng theo cụ, từ ngày có phiên chợ này, người đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang dạn dĩ hơn. Trước đây, họ sống co cụm, không muốn tiếp xúc với người ngoài. Từ ngày có chợ, không chỉ người dân mang hàng ra bán mà ngay cả thanh niên cũng ra đây tìm bạn bè, thậm chí tìm người yêu. Ngay cháu của cụ, nhờ phiên chợ này cũng vừa tìm được chồng, là người ở xã Tr’Hy.

    Qua trao đổi, nhiều người cho biết, khi thanh niên lên rẫy bứt mây, hái lá dong, lá đót để kiếm tiền chuẩn bị Tết thì phụ nữ và người lớn tuổi mang nông sản ra chợ bán. Chợ đồng giá nên không có chuyện mặc cả. Ngày nào đông khách, họ kiếm được một ít tiền để sắm hàng Tết, mua thêm ít mắm muối, mì chính... để dự phòng cho mùa giáp hạt. Họ thừa nhận, lúc đầu ngồi bán thì ai cũng ngại, nhưng rồi quen dần và thích ra chợ vì đông vui.

    Ông Bhling Mia, Chủ tịch huyện Tây Giang, chia sẻ, người đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang trước đây sống khép kín. Từ ngày có chợ này, họ mở lòng để tiếp xúc với mọi người hơn. Đây là một phần thành công của chợ.

    Bên cạnh đó, chợ giúp cho đồng bào có thể bán những sản vật mình làm ra để kiếm tiền, mua những thứ khác, giúp tăng chất lượng cuộc sống. Mỗi ngày, một người dân đến chợ kiếm cũng được từ vài chục đến trăm nghìn đồng. Khách của họ là người địa phương hoặc cán bộ từ miền xuôi lên công tác mang về đồng bằng. Do nông sản sạch nên được nhiều người ưa chuộng.

    Cũng nhờ phiên chợ này, đồng bào Cơ Tu kiếm được tiền, góp thêm cái Tết đủ đầy hơn.

    Huy Cường

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 13

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phien-cho-chieu-5000-dong-cung-nguoi-co-tu-buoc-ra-anh-sang-a260697.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan