Xảy ra mâu thuẫn nợ nần, Đào gọi bạn trai tới hành hung, dùng hương đang cháy châm vào thái dương con nợ để ép trả tiền.
Báo VOV đăng tải thông tin, ngày 4/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã tiến hành khởi tố bị can Nguyễn Thị Đào (tức “Hằng”, SN 1981, trú phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, bạn trai Đào) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Đối tượng Tuấn Anh và Đào tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo An ninh thủ đô |
Theo báo An ninh thủ đô, trước đó vào tháng 12/2016, bà T. (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) vay của Đào 18 triệu đồng, thông qua hình thức “bốc họ”.
Sau đó, T. cắt lại 3 triệu đồng tiền lãi và đưa cho bà Đào 15 triệu đồng. Cuối tháng 4/2017, do bà T. đóng tiền chậm 1 tuần nên Đào cùng bạn trai là Nguyễn Tuấn Anh đến nhà tìm, đòi tiền nhưng không gặp. Đào và Tuấn Anh liền gọi điện, nhắn tin chửi, đe dọa.
Đến ngày 24/5, bà T. còn nợ lại Đào 2,5 triệu đồng nên đã nhắn tin xin khất thì bị Đào tuyên bố, nếu đóng chậm sẽ bị phạt thêm 1 triệu đồng nên ngày 30/5, bà T. đã gặp Đào trả nợ. Đào yêu cầu bà T. phải trả đủ 3,5 triệu đồng
Do bà T. không đủ tiền để trả, Đào gọi điện cho bạn trai đến đánh, dùng que hương đang cháy châm vào thái dương bà T.
Nhận được tin báo, công an quận Hai Bà Trưng nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đưa các đối tượng liên quan về trụ sở công an đấu tranh làm rõ.
Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)