(ĐSPL) - Vụ phi công, tiếp viên của hãng Vietnam Airlines vừa bị bắt vì vận chuyển vàng trái phép vào Hàn Quốc không phải trường hợp "dính chàm" đầu tiên của những người làm công việc được coi là danh giá. Đại diện Vietnam Airlines thừa nhận tiếp viên, phi công của hãng buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu gần đây có giảm nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để.
Đua nhau “dính chàm”
Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, phi công, tiếp viên hàng không vốn được xem là một công việc danh giá, không phải “ước là được” nên năm 2009 khi một phi công của hãng Vietnam Airlines bị bắt ở Nhật Bản vì mua hàng ăn cắp và “tuồn” về Việt Nam theo đường hàng không, dư luận hết sức bất ngờ và choáng váng. Viên phi công này sau đó bị phạt 30 tháng tù treo.
Những tưởng đây là “gương tày liếp”, nào ngờ, chưa đầy 01 năm sau tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia lại công bố bắt giữ 7 tiếp viên của Vietnam Airlines để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và iPad từ nước này về Việt Nam.
Năm sau (2011), tiếp viên Thái Anh Tiến của hãng hàng không này lại bị khởi tố cùng người mẫu Vĩnh Thụy do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM.
Cũng trong năm 2011, Hải quan sân bay Incheon - Seoul (Hàn Quốc) phát hiện 20 lượng vàng trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên Vietnam Airlines chuẩn bị xuất về Việt Nam.
“Ngựa quen đường cũ”, năm 2013, hiện tượng phi công, tiếp viên hãng hàng không Quốc gia buôn lậu trên các chuyến bay quốc tế tiếp tục nở rộ. Đỉnh điểm là vụ việc tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị công an Hà Nội bắt tạm giam để điều tra về hành vi buôn lậu. Trên chuyến bay từ Paris về Nội Bài, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn mang theo 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không làm thủ tục khai báo. Toàn bộ số điện thoại iPhone 5S kể trên đều còn nguyên hộp, chưa qua sử dụng.
Tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen trên chiếc xe buýt. |
Tháng 9/2013, tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc cũng bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen trên chiếc xe buýt chở phi hành đoàn từ một khách sạn ở Osaka đến sân bay quốc tế Kansai. Nữ tiếp viên này bị cáo buộc theo yêu cầu của một phụ nữ người Việt 30 tuổi ở Nhật, đã bị truy tố vì mua hàng ăn cắp.
Ngày 24/3/2014, cảnh sát Nhật Bản bắt giữ nữ tiếp viên này và cáo buộc cô xách lô hàng lậu trị giá 3 triệu Yen lên máy bay và nhận tiền công vận chuyển từ tháng 6/2013. Sự việc đã khiến văn phòng của Vietnam Airlines ở Tokyo bị lục soát và 5 nhân viên khác cũng phải đến sở cảnh sát trình diện.
Cuối tháng 2/2014, một nữ tiếp viên nữa của Vietnam Airlines bị cáo buộc tương tự khi bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật.
Mới đây nhất, ngày 10/3/2015, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan), một cơ trưởng và một tiếp viên VNA đã bị phát hiện giấu 6kg (mỗi thỏi vàng là 1kg) dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay.
Như vậy, chỉ tính những thông tin được báo chí công bố rộng rãi thì từ năm 2009 tới nay, đã để xảy ra tới 8 vụ bê bối liên quan tới đội ngũ phi công và tiếp viên hàng không.
Video: Phi công, tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Hàn Quốc vì giầu 6 kg vàng dưới đế giày.
Kỷ luật rất nặng nhưng vẫn không sợ!
Thông tin trên báo Người lao động, đại diện VNA thừa nhận việc tiếp viên, phi công của hãng buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu gần đây có giảm nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ngoài những quy định về nghiệp vụ và đạo đức đã ban hành, VNA còn yêu cầu 100\% phi công, tiếp viên ký cam kết không buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu; mức độ kỷ luật đối với cá nhân vi phạm cũng rất nặng (cho nghỉ việc hoặc đình bay cả năm, thiệt hại cả tỉ đồng thu nhập).
Hình ảnh vụ cơ trưởng và tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu vàng được đăng tải trên báo Hàn Quốc. |
Đặc biệt, trong ngành hàng không có 2 văn bản bị nhiều phi công, tiếp viên “ném đá”, cho rằng vi phạm nhân quyền và Bộ Luật Lao động, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, đó là thông tư của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu sa thải nhân viên lợi dụng vị trí công tác để buôn lậu và chỉ thị của tổng giám đốc VNA về việc cấm phi hành đoàn mang vali to trên các đường bay quốc tế tầm ngắn, tầm trung (để hạn chế “phương tiện” chứa hàng lậu).
Một đại diện VNA cho biết có tiếp viên bị kỷ luật còn đòi thuê luật sư kiện ngược VNA. Đó là trường hợp tiếp viên trưởng H. xách 38 cây thuốc lá không hóa đơn từ Hàn Quốc về sân bay Nội Bài hồi cuối năm 2014. Không đồng tình với hình thức kỷ luật cắt bay, điều chuyển xuống làm nhiệm vụ mặt đất, H. cho rằng mình chỉ mua thuốc lá do “anh em nhờ” để làm quà, không buôn lậu nên dọa thuê luật sư kiện người ký quyết định kỷ luật.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh cho biết hiện tượng buôn lậu vẫn đang tái diễn, đòi hỏi cơ quan quản lý và hãng hàng không phải tiếp tục có biện pháp giám sát hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Người lao động về việc phi công, tiếp viên hàng không buôn lậu có ảnh hưởng đến uy tín quốc gia hay không, ông Lại Xuân Thanh cho biết rõ ràng là có ảnh hưởng, vì nhà chức trách hàng không các nước sẽ không chỉ có ấn tượng xấu với riêng hãng có nhân viên vi phạm mà áp dụng chung đối với tất cả các hãng hàng không của quốc gia đó. Hơn nữa, khó tránh khỏi việc các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam bị soi kỹ hơn để ngăn ngừa buôn lậu.
Ngọc Anh(Tổng hợp)