+Aa-
    Zalo

    Phạt nguội vi phạm giao thông gặp khó với xe thuê, mượn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh, hay còn gọi là “phạt nguội”.

    Gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh, hay còn gọi là “phạt nguội”.

    Đây là xu hướng phát triển rất văn minh. Tuy nhiên, thực tế triển khai “phạt nguội” vi phạm giao thông ở Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập.

    phat nguoi giao thong van con nhieu bat cap hinh 1

    Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu Phòng CSGT Hà Nội.

    Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hệ thống camera được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 64, Luật giao thông đường bộ. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
    Tuy nhiên hiện nay, việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, theo trình tự, khi phát hiện lỗi vi phạm, CSGT gửi hình ảnh về địa chỉ người vi phạm để xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể xác định được người vi phạm do thay đổi địa chỉ hoặc đi vắng dài ngày, nên khi người vi phạm nhận được thông báo thì thời gian đã quá lâu, khó xử lý phạt hành chính.
    Nhiều trường hợp người vi phạm là lái xe thuê, hay phương tiên vi phạm là xe cho người khác mượn, xe thuê tự lái nên việc xử lý sẽ như thế nào cũng là một trong những khó khăn cho việc xử lý vi phạm bằng hình ảnh.Anh Trần Tuấn, chủ một doanh nghiệp vận tải băn khoăn: “Nếu phạt bình thường trực tiếp thì lái xe phải chịu, còn phạt nguội khi lái xe bỏ việc rồi thì chúng tôi phải chịu như thế là rất bất công”.
    Một nguyên nhân khác cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả xử lý vi phạm bằng hình ảnh, đó là hệ thống thanh toán cá nhân ở nước ta chưa phát triển nên nhiều người vi phạm chậm nộp phạt. Bên cạnh đó, việc cưỡng chế xử lý vi phạm gặp khó khăn, do cảnh sát giao thông không đủ người thực hiện. Chính từ nguyên nhân này đã dẫn đến chuyện đăng kiểm phải làm việc thay cảnh sát giao thông cưỡng chế xử lý vi phạm. Trên thực tế, thời hạn đăng kiểm của xe ô tô thời gian khá dài, từ nửa năm đến vài ba năm, nên nhiều trường hợp khi người vi phạm đến đăng kiểm mới biết là mình bị xử phạt. Thử hỏi, trong thời gian đó, nếu chiếc xe được mua bán, sang tên đổi chủ cho người khác thì ai phải chịu nộp phạt?
    Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bằng hình ảnh ở các quốc gia phát triển được thực hiện từ khá lâu, tỷ lệ thường đạt đến 90% so với trực tiếp. Qua đó công tác quản lý nhà nước được nâng cao, ý thức người tham gia giao thông ngày một tốt lên, đồng thời tránh được tình trạng xin xỏ, hay tiêu cực của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Trung tá Phạm Quang Minh, Phó Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Đơn vị chỉ xử phạt đối với những trường hợp vi phạm rõ ràng, khi có hình ảnh chính xác. Hàng tháng, đơn vị xử lý gần 600 trường hợp vi phạm Luật giao thông qua hình ảnh. Gần đây, ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ rệt.
    Trung tá Phạm Quang Minh nói: “Việc xử lý phạt nguội bản chất là giống bình thường, nhưng ở đây chúng ta cung cấp thêm hình ảnh để người vi phạm biết. Hệ thống xử lý này hoạt động 24/24g giúp cho người tham gia giao thông hiểu lúc nào cũng có hệ thống giám sát để nâng cao ý thức được người tham gia giao thông”.
    phat nguoi giao thong van con nhieu bat cap hinh 2

    Khi việc phạt nguội đi vào cuộc sống thì sẽ nâng cao ý thức người tham gia giao thông kể cả lúc vắng người như thế này.

    Để việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh đạt hiệu quả, các cơ quan pháp luật sớm điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về pháp luật sẽ là cơ sở pháp lý để lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện tốt nhiệm vụ.
    Thạc sỹ luật Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia tư vấn pháp lý cho biết: “Hiện nay, việc mua bán nhưng chưa sang tên chính chủ cũng là khó khăn khi xử lý. Thanh toán ở nước ta vẫn dùng tiền mặt cũng gây khó khăn khi xử phạt. Trong tương lai khi thực hiện căn cước cá nhân với thanh toán điện tử sẽ góp phần thực hiện tốt xử lý phạt nguội và nâng cao ý thức người tham gia giao thông”.
    Mạnh Phương


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-nguoi-vi-pham-giao-thong-gap-kho-voi-xe-thue-muon-a209394.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan