Bài điều tra của Washington Post phối hợp với 16 tờ báo lớn như the Guardian, Le Monde... thực hiện, được đăng tải sáng 19/7 theo giờ Việt Nam, cho biết nhiều chính phủ trên thế giới đã sử dụng phần mềm Pegasus của NSO Group - công ty giám sát an ninh mạng quy mô lớn tại Israel - để theo dõi hàng ngàn số điện thoại cá nhân.
Theo đó, có khoảng 50.000 số điện thoại của các cá nhân ở 50 quốc gia từ Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ đến Rwanda, Saudi Arabia, Mỹ… đã được khách hàng của NSO đề nghị tiếp cận từ năm 2016.
Trong đố các số điện thoại này có các nhà báo công tác tại các hãng truyền thông lớn hàng đầu thế giới như AFP, France 24 (Pháp), CNN, The New York Times, AP, VOA, Bloomberg (Mỹ), Reuters, The Guardian (Anh), Al Jazeera (Qatar)…
Bên cạnh đó còn có các số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty.
Ứng dụng Pegasus của NSO cho phép người theo dõi có thể tiếp cận ổ cứng của điện thoại, xem ảnh, video, thư điện tử, tin nhắn...
Phần mềm này còn được dùng để ghi âm các cuộc hội thoại được thực hiện trên chính chiếc điện thoại bị xâm nhập và định vị nơi chủ nhân điện thoại lui tới.
Trong phản ứng của mình, NSO cho rằng các thông tin trên là "vô căn cứ và bị thổi phồng". Công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố, đồng thời tuyên bố sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.
Trước đó, trung tâm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) đã từng phanh phui việc phần mềm Pegasus được sử dụng để xâm nhập vào điện thoại di động của các phóng viên Al-Jazeera và một nhà báo Maroc.
Mộc Miên (T/h)