(ĐSPL) - Nếu có lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Đó là nội dung được đề cập tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Mức phạt 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác; Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời…
Hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị xử phạt theo quy định nào?
Đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị xử phạt theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định?
Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.
Đối với hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ?
Người có hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 48 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Đối với hành vi đổ rác, xả nước thải ra đường phố không đúng nơi quy định?
Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi trên.
Hành vi gây ồn ào hoặc tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh tại các khu dân cư?
Điều 10 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi gây ồn ào hoặc tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh tại các khu dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau.
Đối với người có hành vi bán hàng rong trên lòng đường, hè phố?
Người có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo quy định tại Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đối với hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác…trên đường bộ?
Người có hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác…trên đường bộ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư?
Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư.
Mức phạt tiền trên đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Còn xuất hiện tình trạng trẻ em lang thang, xin ăn biến tướng, vậy việc xử phạt theo quy định nào?
Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định:
- Đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền với mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống bị phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi bị phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]MCyMGBrXzM[/mecloud]