Nga mới đây tuyên bố sẽ không gia hạn thêm thỏa thuận quốc tế "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" vì cho rằng các điều khoản trong thỏa thuận đã không được thực hiện một cách đầy đủ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này đã gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ngũ cốc và phân bón ra thị trường thế giới, bởi các tàu vận chuyển của Nga đã gặp nhiều hạn chế trong công tác thanh toán, bảo hiểm và hậu cần.
“Moscow không thấy lý do để tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, nhưng vẫn sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu thấy những cam kết chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Phản ứng của các bên
Liên minh châu Phi (AU) "lấy làm tiếc" về quyết định của Moscow. Trong một bài đăng trên tài khoản Twitter, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat viết: "Tôi lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” mà AU đã ủng hộ ngay từ đầu. Tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi".
Tại cuộc gặp gỡ báo chí tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Nga rút khỏi "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen". Liên hợp quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực để thỏa thuận được nối lại càng sớm càng tốt.
"Tôi vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Liên bang Nga chấm dứt việc thực hiện "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen", bao gồm cả việc rút lại các đảm bảo an ninh của Nga đối với hoạt động đi lại ở phía Tây Bắc Biển Đen", ông Guterres nói.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nêu rõ trong bối cảnh sản xuất lương thực trên thế giới bị gián đoạn bởi xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, các thỏa thuận như "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3/2022.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Ankara đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc cho đến tận giây phút cuối cùng. Ông Erdogan cũng đã lên kế hoạch điện đàm hay thậm chí là gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về thỏa thuận vào tháng 8 tới.
“Hàng trăm triệu người phải đối mặt với nạn đói và người tiêu dùng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu”, ông Guterres nói, đồng thời lưu ý thêm rằng giá lúa mì đã tăng vọt ngay sau khi Nga công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Về phía Mỹ, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Washington sẽ thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra nước ngoài không bị gián đoạn. Ông Kirby lưu ý rằng Washington sẽ không dùng tới các thiết bị quân sự để hỗ trợ nỗ lực này.
Khả năng gia hạn thỏa thuận mong manh
"Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine một cách an toàn.
Thỏa thuận sẽ cho phép các con tàu đi lại an toàn từ các cảng Yuzhny, Odessa và Chornomorsk của Ukraine đến eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị tấn công.
Thỏa thuận từng 3 lần được gia hạn, bao gồm vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày), vào tháng 3/2023 (thêm 60 ngày) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7.
Đi kèm là một thỏa thuận riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga. Tuy nhiên, từ lâu Moscow đã phàn nàn rằng các phần của thỏa thuận này không được thực hiện.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc rằng, Moscow phản đối việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Điện Kremlin khẳng định sẽ quay trở lại với thỏa thuận ngay lập tức nếu nhu cầu cải thiện xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước Nga được đáp ứng.
Phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen của Nga, đồng thời tuyên bố Kiev sẵn sàng tiếp tục hoạt động xuất khẩu.
"Ngay cả khi không có Nga, mọi thứ vẫn được thực hiện để chúng tôi có thể sử dụng hành lang Biển Đen…Chúng tôi không lo sợ. Chúng tôi đã được các công ty sở hữu tàu tiếp cận. Họ nói rằng họ sẵn sàng tiếp tục vận chuyển", ông Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 17/7.
Mộc Miên (T/h)