Ngày 25/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra một phán quyết mang tính lịch sử khi lật ngược quyết định được đưa ra trong vụ Roe kiện Wade (Roe v. Wade) năm 1973, qua đó kết thúc quyền phá thai theo Hiến pháp.
Phán quyết này mở đường cho việc nhiều bang ở Mỹ sẽ thông qua đạo luật cấm nạo phá thai, qua đó tước đi quyền lợi của nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ thiểu số ít được giáo dục hay tiếp cận với những biện pháp ngừa thai cần thiết và những nạn nhân của bạo lực tình dục.
Ít nhất 26 bang được cho là chắc chắn hoặc có khả năng thông qua luật cấm phá thai, sau động thái của Tòa án Tối cao. Mississippi nằm trong số 13 tiểu bang đã có một luật yêu cầu kích hoạt luật cấm phá thai nếu phán quyết trong vụ Roe kiện Wade bị đảo ngược.
Tổng thống Joe Biden đã ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng với phán quyết trên của Tòa án. "Đây là một ngày buồn cho Tòa án Tối cao và cho đất nước của chúng ta. Tòa án Tối cao đã làm một việc chưa từng có tiền lệ: Tước bỏ một quyền hiến định cơ bản đối với rất nhiều người Mỹ", ông Biden tuyên bố.
Chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội thông qua luật bảo vệ quyền phá thai, một đề xuất được cho là khó khả thi do sự chia rẽ đảng phái.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng lên án quyết định này, nói rằng “Tòa án Tối cao do đảng Cộng hòa kiểm soát” đã đạt được “mục tiêu đen tối và cực đoan là tước bỏ quyền của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định về sức khỏe sinh sản”.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phản ứng mạnh với phán quyết này, coi đây là cuộc tấn công "vào các quyền tự do thiết yếu".
"Hôm nay, Tòa án Tối cao không chỉ đảo ngược gần 50 năm tiền lệ, nó còn tấn công vào các quyền tự do thiết yếu của hàng triệu người Mỹ", ông Obama viết trên Twitter ngày 24/6.
Phán quyết của Toà án tối cao Mỹ đi ngược lại xu hướng quốc tế về nới lỏng luật phá thai, trong đó có các nước Ireland, Argentina, Mexico và Colombia, nơi Công giáo vẫn có vai trò lớn.
Bà Michelle Bachelet, quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền của Liên Hợp Quốc, gọi quyết định của Mỹ là “đòn giáng mạnh vào quyền của phụ nữ và bình đẳng giới”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng quyết định của Mỹ là “một bước lùi lớn”, sẽ có “tác động rộng khắp lên suy nghĩ của mọi người trên khắp thế giới”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng, cho rằng đây là thách thức lớn đối với các quyền tự do của phụ nữ.
"Hiếm khi nào tôi lại tự hảo vì là một phần của Tòa án Tối cao Mexico như hôm nay", Chánh án Tòa án Tối cao Mexico Arturo Zaldivar chia sẻ trên Twitter hôm 24/6 - rõ ràng ám chỉ tới phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.
“Quyền lợi là dành cho tất cả khi bình đẳng và nhân phẩm trở thành thông lệ", ông Zaldivar nhấn mạnh.
Theo Washington Post, hơn 100 tổ chức chăm sóc sức khỏe toàn cầu ngày 24/6 cho biết Mỹ đã "đi ngược với các cam kết toàn cầu về thúc đẩy quyền con người".
Mộc Miên (T/h)