+Aa-
    Zalo

    Phân biệt tôm bơm tạp chất và tôm sạch

    (ĐS&PL) - Tôm bơm tạp chất ngày càng phổ biến khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng và an toàn thực phẩm. Vậy làm sao để phân biệt tôm bơm tạp chất và tôm sạch?

    Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

    Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc bơm tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt nguy hiểm khi các chất này không nằm trong danh mục phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng, hoặc không được sản xuất cho mục đích thực phẩm.

    Tác hại của tôm bơm tạp chất:

    Ngắn hạn: Gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

    Dài hạn: Tích tụ chất độc hại trong cơ thể, dẫn đến các bệnh mãn tính về gan, thận, thậm chí ung thư.

    Tôm ít calo nhưng giàu chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa

     Tôm ít calo nhưng giàu chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa

    Tôm bị bơm tạp chất đa phần là tôm sú. Tạp chất được sử dụng thường là bột rau câu, tinh bột… hoặc tôm nhỏ, giá trị thấp được xay nhuyễn rồi pha với nước thành dung dịch sền sệt để bơm vào tôm.

    Nếu mua tôm không còn sống hoặc tôm đông lạnh, bạn có thể phân biệt tôm bị bơm tạp chất dựa vào những dấu hiệu sau: tôm cứng, thẳng đơ, không có độ cong tự nhiên như tôm bình thường. Phần mang cứng, phồng căng, trong khi mang tôm thường mềm, phẳng. Thân tôm mập, căng bất thường, các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân tôm nhanh chóng rời nhau. Khi nấu chín, tôm ra nhiều nước, thịt teo lại, bở, vị nhạt hơn so với bình thường và dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người tiêu dùng nên mua tôm tươi sống còn nhảy tanh tách, thậm chí đang bơi để tránh mua phải tôm bơm tạp chất. Trong trường hợp mua tôm không còn sống hoặc tôm đông lạnh, cần quan sát thật kỹ các đặc điểm để nhận biết tôm có bị bơm tạp chất hay không.

    Để chọn tôm tươi ngon, bạn nên ưu tiên những con có vỏ đậm màu, sáng bóng, thân mềm, gắn chặt với phần đầu, đuôi xếp đều và cụp xuống. Đảm bảo tôm còn đầy đủ râu, càng, gai và các chân.

    Nếu phải mua tôm đông lạnh hoặc đã chế biến sẵn, hãy kiểm tra bằng cách nhẹ nhàng kéo thẳng đầu và thân tôm. Nếu các khớp nối trên vỏ tôm khít nhau là tôm tươi sạch. Ngược lại, nếu các khớp này lỏng lẻo và đầu dễ dàng rời ra, đó có thể là tôm cũ hoặc đã bị bơm tạp chất.

    Cách chọn tôm tươi an toàn, không bị bơm hóa chất

    - Thân tôm: Tôm tươi có thân hơi cong tự nhiên, căng thịt nhưng không mập mạp bất thường. Vỏ tôm trong suốt, có màu sắc tươi sáng đặc trưng của từng loại. Tránh mua tôm có thân thẳng đơ, mập bất thường, vỏ nhợt nhạt, có dấu hiệu bị giãn ra.

    - Đầu tôm: Đầu tôm phải dính chặt vào thân, không bị rơi ra.

    - Chân tôm: Chân tôm phải còn nguyên vẹn, dính chặt vào thân, không bị gãy rụng.

    - Vỏ tôm: Vỏ tôm tươi cứng, trong suốt, dính sát vào thịt tôm.

    - Mắt tôm: Mắt tôm tươi sáng, long lanh, không bị đục hay lồi ra ngoài.

    - Độ đàn hồi: Ấn nhẹ vào thân tôm, nếu thấy thịt tôm săn chắc, có độ đàn hồi tốt là tôm tươi. Tôm bị bơm hóa chất thường cứng, không có độ đàn hồi.

    - Độ nhớt: Tôm tươi không có nhớt, không bị dính tay. Nếu thấy tôm nhớt, dính vào nhau thì không nên mua.

    - Mùi tanh tự nhiên: Tôm tươi có mùi tanh nhẹ đặc trưng của hải sản. Nếu ngửi thấy mùi lạ như mùi khai, mùi chlorine thì không nên mua.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phan-biet-tom-bom-tap-chat-va-tom-sach-a473490.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan