+Aa-
    Zalo

    Ông Kim Jong-un năm 2018: Những bước đi ngoạn mục làm chính trường thế giới bất ngờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ việc thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp, trong năm 2018, ông Kim Jong-un đã chuyển sang khám phá các cơ hội ngoại giao với vị thế của một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế.

    Từ việc thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp trước đó, trong năm 2018, ông Kim Jong-un đã chuyển sang khám phá các cơ hội ngoại giao với vị thế của một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế.

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mở đầu năm 2018 trong một bộ đồ Tây. Ông mặc suit xám, xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên và đọc lời phát biểu năm mới với thiện chí kêu gọi giảm căng thẳng. Đó là phát biểu có phần kỳ lạ, sau một năm 2017 mà Bình Nhưỡng đã phóng 23 tên lửa ở 16 vụ thử, chưa kể 1 lần thử hạt nhân hồi tháng 9/2017.

    Trong một bài viết trên báo Channel News Asia, tác giả Scott Snyder chỉ ra rằng, chủ trương thay đổi của lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu ngay từ tháng 1. Từ việc thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp, ông chuyển sang khám phá các cơ hội ngoại giao với vị thế của một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế đứng đầu một quốc gia nắm trong tay vũ khí hạt nhân.

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim-Jong-un. Ảnh: CNN

    Động thái này dẫn đến việc em gái Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là cô Kim Yo-jong dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên dự Olympic. Với gương mặt luôn mỉm cười, cô Kim hiện lên như một người dễ gần và gây được nhiều thiện cảm với người Hàn Quốc.

    Trong suốt 6 năm cầm quyền, ông Kim Jong-un chưa bao giờ rời khỏi đất nước và cũng không gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài nào. Mối quan hệ giữa Triều Tiên với đồng minh duy nhất Trung Quốc cũng nguội lạnh vì Bắc Kinh đã ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng, do bực bội trước các vụ thử vũ khí liên tiếp.

    Tất cả những điều này thay đổi vào tháng 3, khi ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo Triều Tiên thể hiện sự khiêm tốn với việc chăm chú lắng nghe và ghi chép khi ông Tập phát biểu. Hình ảnh này có phần lạ lẫm vì trong các bức ảnh của truyền thông Triều Tiên, ông Kim thường được bao quanh bởi các tướng và quan chức cấp cao, những người ghi chép lời chỉ đạo tại chỗ của ông trong các chuyến thị sát.

    Giới chuyên gia đánh giá đây là động thái sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế, đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đồng thời, ông Tập cũng không muốn ngồi ngoài lề các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Ông Kim Jong-un sau đó còn gặp ông Tập thêm hai lần vào tháng 5 và tháng 6.

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un(phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 3 lần trong năm 2018. Ảnh: Reuters.

    Ngay tiếp sau đó, thông báo chuyển hướng từ phát triển hạt nhân song song với kinh tế sang trọng tâm duy nhất là phát triển kinh tế tại một hội nghị của đảng cầm quyền tháng 4, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhanh chóng dốc sức theo đuổi một môi trường quốc tế hòa bình có lợi cho phát triển kinh tế.

    Những chuyến đi thăm viện nghiên cứu vũ khí và cơ sở hạt nhân chuyển thành những cuộc thị sát cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    Thông qua một chuỗi hoạt động ngoại giao, ông Kim Jong-un đã bước ra thế giới với hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy tự tin. Ông nhanh chóng xây dựng quan hệ hữu hảo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và hai người đã khiến nhiều dân chúng hai miền xúc động khi họ bắt tay rồi cùng bước qua lằn ranh phân chia hai nước, phát đi thông điệp rằng thông qua hợp tác, họ có thể tìm ra cách để kết thúc sự ngăn cách liên Triều.

    "Một trang sử mới bắt đầu ngay bây giờ, tại điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình", ông Kim Jong-un viết trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình. Hai bên tuyên bố sẽ hướng tới chấm dứt chiến tranh và phi hạt nhân hóa bán đảo. 

    Tổng thống hai nước Hàn-Triều sau đó có cuộc gặp lần hai vào ngày 26/5 tại DMZ để tạo điều kiện cho thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch, sau khi ông Trump dọa hủy sự kiện. Tháng 9, Tổng thống Hàn bay tới Bình Nhưỡng và có hội nghị thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa đang bế tắc.

    Tổng thống Hàn ca ngợi ông Kim Jong-un là "người lịch sự và chân thành, luôn cư xử với tôi một cách rất tôn trọng".

    Lãnh đạo Hàn - Triều bắt tay nhau trước khi bước qua ranh giới ngăn cách hai bên. Ảnh: CNA

    Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào ngày 12/6 là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau nhiều năm. Đó chắc chắn là một trong những thành tựu ngoại giao nổi bật nhất của Triều Tiên trong năm 2018. 

    Hai lãnh đạo nhất trí chấm dứt tình trạng đối đầu và hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể. Tuy Tổng thống Mỹ ca ngợi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng giới quan sát tỏ ra hoài nghi về tác động thực tiễn, nghi ngờ rằng Triều Tiên chỉ đang "câu giờ" để cứu vãn nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt.

    Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa.

    Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa. Triều Tiên trong tháng 12 đã cảnh báo các cuộc đàm phán có thể đổ bể và căng thẳng sẽ quay lại như hồi năm 2017.


    Cú bắt tay 12 giây lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

    "Chúng ta đang thấy chiến lược ngoại giao được Triều Tiên xây dựng cẩn thận", Jean Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, Washington đánh giá. "Ông Kim Jong-un cảm thấy đã giải quyết được câu hỏi liệu ông có thể bảo vệ người dân như một lãnh đạo quân sự hay không. Bây giờ, ông ấy chuyển sự chú ý sang việc thể hiện cho thế giới thấy ông ấy có thể đóng vai trò của chính khách quốc tế".

    Trong vài tháng tới, ông Kim Jong-un có thể tổ chức thêm cuộc gặp với ông Moon Jae-in. "Chúng ta sẽ thấy liệu Kim có thực sự muốn một tương lai không hạt nhân, trong đó Triều Tiên là một thành viên hội nhập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế, hay chiến dịch tấn công quyến rũ hiện tại chỉ nhằm mục đích được nới lỏng trừng phạt để thúc đẩy phát triển kinh tế", cây bút Steven Borowiec viết trên CNA.

    Theo hãng thông tấn CNA, các bước đi quyết đoán của ông Kim Jong-un đã mang lại cho ông và Triều Tiên sự ổn định. Nhưng so với thời ông Kim Jong-il, đất nước Triều Tiên vẫn còn nghèo, nên để trụ vững, ông Kim Jong-un sẽ phải nâng cao mức sống cho người dân.

    Để làm được điều đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phải thuyết phục được thế giới, rằng ông chân thành hướng tới phi hạt nhân hóa, nhưng vẫn chừa chỗ trống cho mình để dễ dàng giũ bỏ cam kết trong trường hợp không đạt được nhượng bộ. Và ông Kim Jong-un giờ đây đang đối mặt với thách thức phải tìm ra con đường cải thiện nền kinh tế, bất kể cấm vận có được nới lỏng hay không.

    Theo Scott Snyder thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nếu năm 2017 là năm thử nghiệm vũ khí và năm 2018 là năm của các cuộc gặp thượng đỉnh, thì có lẽ chỉ Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới biết rõ năm 2019 sẽ mang lại cho ông và Triều Tiên những gì.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-kim-jong-un-nam-2018-nhung-buoc-di-ngoan-muc-lam-chinh-truong-the-gioi-bat-ngo-a256460.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan