(ĐSPL) - Hơn 30 năm nay, anh Dũng đã tự tay vớt hơn 500 xác chết dưới sông Hồng và mang về một ngôi miếu trong làng mai táng, hương khói.
Hễ giật mình là phải ra vớt xác
Đã bao năm nay, anh Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn hàng ngày lặng lẽ với việc trồng và chăm sóc vườn đào. Thế nhưng, ngoài công việc ấy anh Dũng dành thời gian không ít cho việc tìm kiếm và vớt xác dưới sông Hồng.
Hơn 30 năm trời gắn với cái duyên, cái nghiệp vớt xác dưới sông đã làm anh trở thành “anh hùng dưới dòng sông”. Hơn 500 xác chết được anh vớt lên cũng là hơn 500 lần anh ngậm ngùi tiếc thương cho những số phận hẩm hiu.
Anh Dũng đã có hơn 30 năm trời "bén duyên" với nghiệp vớt xác. |
Từ năm 13 tuổi, anh Dũng đã cùng cha mình vớt những thi thể xấu số dưới sông lên và tự tay an táng cũng như hương khói cho những người vô danh ấy.
Nhớ về kỷ niệm những lần đầu vớt xác, anh Dũng kể: “Năm ấy tôi cùng cha mình vớt được người chết đuối, khi đó xác người đã nổi lên rồi. Lần đầu thấy người chết đuối, tôi cũng sợ lắm, thậm chí không dám nhìn nữa. Nhưng tôi được cha mình trấn an nên cũng đỡ hơn”.
Sau cái lần “định mệnh” ấy, chẳng hiểu sao cái duyên, cái nghiệp lại vận vào người thật khó hiểu. Cứ thế từ năm này qua năm khác, anh Dũng đã tự tay vớt lên hàng trăm xác chết dưới dòng sông cuộn đỏ phù sa kia.
“Ngày ấy gia đình còn nghèo, mỗi lần vớt xác lên là tôi nhờ người đi mua một manh chiếu rồi cuộn xác lại đem chôn. Mặc dù mỗi lần chôn xác người ta xuống bãi ven sông tôi có đánh dấu nhưng mấy chục năm rồi, bây giờ cũng không thể nhớ hết được” - anh Dũng nói.
Ở giữa vườn đào xanh mướt làng Nhật Tân có một ngôi miếu, người dân làng thường gọi là miếu Cô Trôi – nơi chôn cất bà chúa sông, chúa ngòi. Vì vậy, sau này mỗi lần anh Dũng vớt được xác dưới sông lại cùng người dân làng mua quan tài, tiểu sành lên đây để chôn cất.
Miếu Cô Trôi – nơi chôn cất bà chúa sông, chúa ngòi. |
Chia sẻ về điều này anh Dũng cho biết: “Tôi không nhớ chính xác mình đã chôn bao nhiêu xác ở đây nữa nhưng hiện tại chỉ còn 66 ngôi mộ ở đó. Sở dĩ số mộ còn ít như vậy là do thân nhân những xác chết kia đến nhận về”.
Nhiều gia đình sau khi nhận xác, thi thể anh Dũng vớt lên đều cảm ơn anh từ vài triệu đến vài chục triệu nhưng anh không nhận đồng nào của bất kỳ ai. Bởi theo anh Dũng, đã làm việc thiện, việc nghĩa thì công cán, tiền nong không quan trọng.
“Hễ thấy trong người bất thường hoặc đêm ngủ bỗng nhiên giật mình là kiểu gì ngoài sông cũng có chuyện, lúc đó những xác chết đang chờ tôi vớt lên và tôi lại đi ra sông tìm kiếm” - anh Dũng cho hay.
Bỏ gần 200 triệu dựng “Trụ sở thường trực vớt xác sông Hồng”
Hơn 30 năm nay, cùng với việc vớt lên hơn 500 xác người dưới sông, anh Dũng cũng đã tự tay cứu rất nhiều người suýt bị “hà bá” nuốt gọn. Có lần một cặp đôi còn trẻ, chỉ khoảng mười chín đôi mươi rủ nhau ra sông Hồng tự tử. Thấy người dân hô hoán, anh Dũng vội vàng bơi ra túm tóc hai người lôi vào bờ.
Lại một lần khác đang đi chơi tại khu vực cầu Long Biên thấy người nhảy xuống tự tử, anh Dũng bèn vứt xe máy rồi xuống lôi người ta lên và mắng cho một trận trước khi bỏ về.
Nhưng đau lòng nhất với anh đó là vụ tham gia vớt xác kỷ lục, anh phải lôi gần 40 xác chết dưới sông do một vụ đắm tàu năm 1994.
Còn hàng trăm vụ vớt xác khác, mỗi lần vớt xác đều khiến anh ám ảnh không nguôi. “Có những xác chết đang trong quá trình phân hủy, thân thể mỗi nơi một ít, thịt xương đã rã rời. Để vớt được toàn bộ thi thể, tôi buộc phải nhìn theo dòng nước chảy rồi lặn tìm từng phần lại”.
Năm 2012, nhận thấy việc vớt xác, tìm kiếm xác cũng như cứu người dân khỏi chết đuối là một việc mà bản thân anh cần làm, phải làm nên anh đã bỏ gần 200 triệu để mua 2 chiếc thuyền. Chiếc thuyền lớn nhất (đủ một gia đình sống trên đó) và chở được khoảng 30 người và một chiếc ca nô máy.
Điều đặc biệt nhất là trên chiếc thuyền lớn anh cho in tấm bạt mang dòng chữ “Trụ sở thường trực vớt xác sông Hồng” và số điện thoại của mình. “Trụ sở” của anh Dũng luôn trong tình trạng sẵn sàng tác chiến khi có yêu cầu hoặc khi anh phát hiện trong người điều gì đó bất thường.
“Trụ sở” của anh Dũng luôn trong tình trạng sẵn sàng tác chiến. |
Chia tay người đàn ông hiền lành, nhân hậu và suốt ngày quanh quẩn với vườn đào, với sông nước, với những xác chết, chúng tôi không khỏi cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp của người nông dân giữa chốn thị thành này.
Trang Nguyên
Xem thêm clip có một người thầy tàn nhưng không phế: