+Aa-
    Zalo

    Ông Chấn có quyền làm đơn tạm ứng tiền bồi thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Nguyễn Thanh Chấn có quyền làm đơn yêu cầu xin tạm ứng tiền bồi thường.

    (ĐSPL) - Để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Nguyễn Thanh Chấn có quyền làm đơn yêu cầu xin tạm ứng tiền bồi thường.

    Luật không quy định nhưng vẫn có thể linh động

    Luật sư Bùi Văn Thấm, Trưởng văn phòng luật sư Thủy Nguyên, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho biết, trong luật không quy định việc tạm ứng tiền bồi thường, tuy nhiên cơ quan tiến hành tố tụng có thể tạm chi phí. Còn việc bồi thường toàn bộ phải có quy định cụ chể, chặt chẽ (theo hồ sơ bồi thường-PV) và được trích từ ngân sách theo đúng luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

    Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa làm xong thủ tục bồi thường thì cơ quan tố tụng có thể tạm ứng một khoản để hỗ trợ khó khăn, bồi dưỡng sức khoẻ... cho người bị thiệt hại.

    Ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn đang mòn mỏi chờ tiền bồi thường.

    Theo đúng quy trình, thủ tục, cơ quan tố tụng tạm ứng tiền cho người bị thiệt hại thì về nguyên tắc họ phải có đơn xin tạm ứng tiền bồi thường. Bị hại có quyền đề nghị tạm ứng tiền bồi thường để khắc phục khó khăn.

    "Từ vụ án oan của 7 thanh niên ở Sóc Trăng liên hệ đến vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, theo tôi để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Chấn có quyền làm đơn yêu cầu xin tạm ứng tiền bồi thường. Còn trên thực tế, cơ quan tố tụng chỉ tiến hành chi trả tiền bồi thường một lần duy nhất theo đúng quy trình và hồ sơ bồi thường", Luật sư Bùi Văn Thấm gợi ý.

    Mặt khác, theo luật sư này, kinh phí dùng để chi trả cho người bị thiệt hại nếu do người thi hành công vụ của cơ quan ở Trung ương gây ra thì lấy từ ngân sách Trung ương, ở địa phương thì lấy ngân sách địa phương. Sau đó, căn cứ vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ, cơ quan có thẩm quyền ấn định một khoản tiền nhất định để người này hoàn trả. Trường hợp việc gây thiệt hại do nhiều người thi hành công vụ gây ra thì những người này có trách nhiệm liên đới trong việc hoàn trả. Việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê chi tiết cho thấy những khoản tiền được người thi hành công vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước. Việc người dân đòi hỏi công khai, minh bạch vấn đề này là hoàn toàn chính đáng.

    Việc chi trả tiền bồi thường phải đảm bảo tính kịp thời

    Liên quan đến tạm ứng tiền bồi thường, Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm nêu ý kiến: Xét về nghĩa vụ bồi thường, khi chưa được xác định bằng một bản án thì không ai biết phải bồi thường bằng gì và bồi thường bao nhiêu. Luật cũng không có quy định về tạm ứng vì khi chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật làm sao biết số tiền phải bồi thường cụ thể ra sao. Tuy nhiên, việc tạm ứng ở đây thể hiện thiện chí của người tương lai được bồi thường, người thi hành công vụ đã nhìn thấy trước việc làm sai, muốn khắc phục hậu quả.

    Luật sư Phạm Văn Phất.

    Ông nói: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó là thiện chí cần được biểu dương. Chưa cần toà án giải quyết, cơ quan làm sai cũng nhận thấy tương lai sẽ giải quyết chưa cần biết số tiền bao nhiêu nhưng đã thu xếp tạm ứng để giải quyết một phần số tiền đáng lẽ sẽ phải bồi thường. Đây là thiện chí của đơn vị, cơ quan làm sai tự nguyện chi trả bớt một phần khắc phục khó khăn. Đó là hành vi đơn phương của người sẽ có nghĩa vụ phải bồi thường. Nó thể hiện thiện chí và cả yếu tố đạo đức, tình người trong việc giải quyết các vụ oan sai.

    Nếu như trong luật quy định thì những cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải thực hiện. Nhưng vấn đề đang bàn ở đây là cơ quan tố tụng đã linh hoạt thu xếp nguồn tiền để khắc phục hậu quả cho bị hại. Dân gian ví "đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn" cũng có lý. Đây không chỉ xét ở khía cạnh pháp luật mà còn đặt ra vấn đề tình người của những người thực thi công vụ. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp đã có bản án nhưng lại chậm bồi thường, trong khi bị hại gặp hoàn cảnh khó khăn mà nhận được động thái tích cực từ cơ quan tố tụng sẽ tốt cho quá trình đàm phán kết quả bồi thường sau này."

    Theo nguyên tắc, việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại phải đảm bảo tính kịp thời, để giảm bớt cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, một mặt hạn chế thiệt hại phát sinh cho ngân sách Nhà nước.

    Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP (Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp) đã quy định rõ, cơ quan Nhà nước được dùng dự toán chi trả ngay cho doanh nghiệp, người dân, trong trường hợp thiếu kinh phí hoạt động do đã chi trả tiền bồi thường thì báo cáo cơ quan cấp trên cấp bù kinh phí.

    Cụ thể, khi phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo bản án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động rút dự toán chi quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao (nếu còn) để ứng chi trả cho người bị thiệt hại. Trên cơ sở kinh phí đã chi trả cho người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí bồi thường để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-chan-co-quyen-lam-don-tam-ung-tien-boi-thuong-a83483.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan