Anh Robert, một ông bố ở Manhattan (New York, Mỹ) không tiếc tiền để giúp con trai đạt được thành tích nổi trội trong học tập cũng như xã hội, dù đó là giành được chỗ ngồi ở một buổi biểu diễn tại Broadway, chi tiền vào các lớp học taewondo để củng cố kỹ năng võ thuật hay phần thưởng là bữa tối với trứng cá muối nhằm khuyến thích thành tích học tập của con.
Năm 2021, khi nhận ra con trai 12 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 1,34m, được xem là thấp hơn so với độ tuổi, người đàn ông rất muốn cải thiện chiều cao cho con. Theo New York Post, anh Robet và vợ đã đưa con trai đến gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa. Trải qua nhiều cuộc kiểm tra khác nhau, bác sĩ kết luận vóc dáng thấp bé của cậu bé không phải do bất cứ vấn đề sức khỏe nào.
Sau nhiều cân nhắc, vợ chồng anh Robert quyết định cho con trai sử dụng hormon tăng trưởng, với chi phí khoảng 3.000 USD (gần 80 triệu đồng). Đây là chi phí trước khi được bảo hiểm hỗ trợ. “Chúng tôi quyết định làm như vậy vì các vấn đề xã hội. Vợ chồng tôi muốn giúp con trai phát triển và kết quả đạt được đáng với rủi ro phải đối mặt”, anh Robert nói.
Các cha mẹ giàu có, luôn muốn giúp con có mọi lợi thế đang yêu cầu cho con sử dụng hormone tăng trưởng. Một bác sĩ nhi khoa gọi xu hướng này là “nội tiết thẩm mỹ”.
Được biết, một ông bố bà mẹ lựa chọn tiêm hormon tăng trưởng cho con vì lý do y tế, mặc dù phần lớn những đứa trẻ được coi là thấp hơn so với lứa tuổi không gặp tình trạng bệnh lý nào cản trở sự phát triển.
Với nhiều cha mẹ, việc tăng chiều cao cho con nhằm mục đích ngăn việc bị bắt nạt hoặc đặt nền tảng cho sự nghiệp thể thao, người mẫu.
Theo nhận định của Tiến sĩ Eric Ascher – bác sĩ ở Bệnh viện Lenox Hill tại Upper East Side (New York), có vô số lý do khiến các cha mẹ chọn tiêm hormone tăng trưởng cho con, tuy nhiên, phần lớn đến từ mục đích ngoại hình hơn là điều trị bệnh.
Tiến sĩ Eric Ascher nói: “Người ta nghĩ: ‘Nếu con tôi sử dụng hormon tăng trưởng thì chúng có thể trở thành siêu sao bóng đá hoặc có nhiều cơ bắp để trông hấp dẫn hơn”.
Vị chuyên gia lưu ý, thực tế này ngày càng trở nên phổ biến kể từ năm 2003, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc sử dụng hormon tăng trưởng để điều trị cho những đứa trẻ thấp bé không rõ nguyên nhân.
Ông đã cảnh báo một số hạn chế của việc tiêm hormon tăng trưởng. “Việc đó có thể khiến đứa trẻ nhận được thông điệp xã hội tiêu cực ngay từ khi còn nhỏ”, Tiến sĩ Eric Ascher nói, đồng thời cho biết thêm các tác dụng phụ có thể bao gồm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch về sau.
Dù vậy, anh Robert không hề hối hận. Chiều cao của con trai anh đã tăng lên 1,4m trong 14 tháng và cậu bé dường như trở nên tự tin hơn. “Thằng bé phát triển với tốc độ rất tốt, có lẽ nhờ loại thuốc đó”, anh Robert nói.
Một bà nội trợ hơn 40 tuổi sống ở vùng ngoại ô cách Manhattan 30 phút di chuyển về phía Bắc hy vọng cậu con trai Tim (10 tuổi) của mình có thể đạt được những kết quả tương tự.
Những đứa trẻ ở trường thường trêu ghẹo con trai chị và gọi cậu bé là “Tim nhỏ bé”, vì thế gần đây chị bắt đầu cho con sử dụng hormone tăng trưởng, sau khi kế quả chụp X-quang hai bàn tay và cổ tay cho thấy dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng.
Người phụ nữ tâm sự: “Tôi nói với con trai: ‘Hãy cảm thấy may mắn vì mẹ có thể cho con sử dụng thứ này. Bố và mẹ sẽ không để con phải chịu khổ đâu’. Hiện giờ, con trai tôi được dự đoán sẽ cao 1,62m nhưng nếu có thể giúp con cao hơn nữa thì tôi sẵn sàng làm”.
Đinh Kim(Theo NY Post)