+Aa-
    Zalo

    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ dồi dào với những mỏ than đá, đất hiếm, vàng bạc hay dầu khí, khí đốt… nên việc khai thác với quy mô lớn

    Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ dồi dào với những mỏ than đá, đất hiếm, vàng bạc hay dầu khí, khí đốt… nên việc khai thác với quy mô lớn để phục vụ đời sống sản xuất của xã hội là chuyện khá bình thường. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản chưa bền vững và những bất cập trong quản lý tài nguyên đang dẫn đến sự cạn kiệt, hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng khai thác lậu, trái phép ở một số địa phương.
    Khoáng sản làm biến đổi môi trường
    Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tác động rõ nét nhất tới môi trường do khai thác khoáng sản ở Việt Nam đó là làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực. Đây được cho là tình trạng thường xuyên xảy ra ở những khu vực khai khoáng bởi trong quy trình, khi lấy đi một số lượng lớn tài nguyên trong lòng đất, chắc chắn môi trường xung quanh sẽ bị biến đổi, tác động rất lớn đến hệ sinh thái và các loại động thực vật lẫn con người trong khu vực đó.
    Cụ thể ở lĩnh vực khai khoáng than đá, một trong những tài nguyên rất phong phú, có trữ lượng cực kỳ lớn, phân bố nhiều nơi ở nước ta chẳng hạn. Hiện nay, công nghệ để khai thác loại khoáng sản này vẫn chủ yếu là áp dụng hai phương pháp chính là khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò. Trong đó, trình độ công nghệ khai thác hầm lò của Việt Nam chậm hơn so với các nước có nền công nghiệp phát triển vài thập niên. Thiết bị sử dụng ở các mỏ lộ thiên của các doanh nghiệp Việt Nam thường là máy khoan, máy xúc, ôtô cùng một số mỏ có thêm băng tải và máy ủi. Còn dây chuyền công nghệ ở các mỏ hầm lò phức tạp hơn nhưng chủ yếu làm thủ công, một vài mỏ được vận tải bằng tàu điện và trục tải. Có thể nói, công nghệ này đã được một số nước trên thế giới áp dụng cách đây chừng vài chục năm và đến nay, đa phần đã được thay thế bằng cách phương tiện khác, hiện đại hơn. Có thể nói, đó chính là nguyên nhân lớn dẫn đến việc môi trường bị ảnh hưởng nặng nề ở những khu vực khai khoáng bởi công nghệ lạc hậu dẫn đến sự hủy hoại môi trường lớn hơn. Các dây chuyền vận tải sản phẩm cũng là yếu tố gây lên sự rò rỉ khoáng sản, ảnh hưởng tới nguồn nước và không khí trong khu vực. 
    Theo tìm hiểu, có một thực tế là ngay cả việc khai thác khoáng sản được hợp pháp hóa, công tác bảo vệ môi trường đã rất khó khăn nên việc khai thác khoảng sản, như vàng, bạc, titan, cát… trái phép thì hầu như không ai ghi nhận hết những tác động về môi trường mặc dù thực tế, nó chính là nguyên nhân quan trọng đang hủy hoại môi trường sinh thái ở một số địa phương. Cụ thể, nạn khai thác cát trái phép gần như diễn ra ở bất cứ địa phương nào có những dòng sông lớn chảy qua. Do đặc điểm địa hình rộng, khó kiểm soát nên lợi dụng thời buổi ban đêm, những kẻ hút cát trái phép thường xuyên hoạt động. Hậu quả của việc khai thác cát tràn lan là sông ngòi bị cạn kiệt tài nguyên, chế độ dòng chảy bị thay đổi, môi trường sống của các loài thủy sinh vật bị đe dọa nghiêm trọng và cuối cùng, ô nhiễm môi trường cũng từ đó mà ra. Ngoài cát thì những tài nguyên thiên nhiên thông dụng khác như đá núi cũng bị khai thác khá nhiều bằng những biện pháp rất không đảm bảo là dùng chất nổ. Được biết, cũng như cát, tài nguyên đá cũng phân bố rất rộng, ở nhiều địa điểm nên rất khó để chính quyền địa phương quản lý hết. Lợi dụng tình hình này, nhiều kẻ dùng chất nổ khai thác đã gián tiếp hủy hoại môi trường và gây ra nhiều những mối nguy hại khác, kể cả tính mạng cũng như an toàn xã hội cho cư dân quanh vùng. Kế đó là những khoáng sản khác, quý hiếm hơn như titan, bạc, vàng… cũng bị khai thác trái phép rất nhiều. Đặc điểm chung của tình trạng này là những kẻ khai thác thường bất chấp tất cả để đạt được mục đích nên việc bảo vệ môi trường gần như là không có. Điều đó đã trực tiếp gây lên những hậu quả to lớn với hệ sinh thái cũng như môi trường sống của con người và động vật hoang dã trong vùng khai thác đó.
    Những giải pháp chưa khả thi
    Nhiều người dân sinh sống ở quanh khu vực khai khoáng nhận xét rằng, sau quá trình khai thác mỏ thường để lại các dạng địa hình có tiềm năng gây sạt lở cao, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho con người, súc vật, động vật hoang dã trong khu vực sau khai thác. Tại những địa điểm này, hầu hết người ta chưa có biện pháp gì để phục hồi lại bề mặt của khu vực sau khi đã lấy đi một số lượng lớn khoáng sản. Nghĩa là, hầu hết việc khai khoáng chỉ dừng lại ở công việc tìm lấy khoáng sản chứ chưa chú trọng đến việc phục hồi môi trường đất đai và sinh thái thời kỳ hậu khai khoáng khiến những lo ngại các vùng đất đó có thể biến thành những “khu vực chết” bởi hệ sinh vật khó có thể sinh sống được, sau khi môi trường đã bị biến đổi nặng nề. Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. Dù công tác đánh giá môi trường chiến lược và cam kết bảo vệ môi trường đã được áp dụng, tuy nhiên công tác này còn nhiều bất cập như một số quy hoạch khoáng sản cấp Trung ương chưa lập hoặc chưa hoàn thành công tác đánh giá môi trường. Có  nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản lập ra báo cáo về tác động của môi trường còn mang tính chất đối phó, hình thức, hợp lý hóa hồ sơ theo thủ tục quy định về cấp phép và nhiều dự án khi thay đổi, mở rộng quy mô nhưng không được báo cáo cụ thể.
    Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời một số vụ hủy hoại môi trường nghiêm trọng trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn ra đáng lo ngại…Theo các chuyên gia môi trường, nếu không có biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên thì tình trạng mất đất, mất rừng, suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học sẽ ngày càng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng tới phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
    Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm từng bước khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thời gian tới, cần khẩn trương rà soát Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ có liên quan theo hướng phân công cụ thể trách nhiệm, tập trung quản lý thống nhất đầu mối quốc gia, khắc phục sự phân tán, chồng chéo về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp, nhất là tập trung vào cấp quận, huyện, xã, phường. Tiếp tục rà soát các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định cụ thể về định mức trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường và cần làm rõ phương án, trách nhiệm cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.
    Bên cạnh đó, quan trọng nhất chính là ý thức chấp hành của người dân cũng như tinh thần cảnh giác cao, luôn đấu tranh chống lại cái xấu của mọi người. Cụ thể, nếu phát hiện có tình trạng khai thác khoáng sản tài nguyên một cách không bình thường, người dân phải có trách nhiệm báo cáo ngay với lãnh đạo địa phương để kịp thời có hướng xử lý cũng như bảo vệ một cách tốt nhất.
    Đoàn Đại Trí
    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    EMAIL: [email protected]  
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/o-nhiem-vi-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-a47094.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan