Dưới vỏ bọc khai thác thăm dò, Tổng Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa (gọi tắt là Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa) đã và đang tổ chức khai thác trái phép hàng nghìn tấn quặng sắt tại khu vực chưa được cấp phép làng Chò Tráng, xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Trong khi người dân sinh sống tại đây phải vật lộn từng ngày với khói bụi, ô nhiễm môi trường, thì ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa lại có dấu hiệu bao che.
Đội lốt thăm dò
Trở lại thời điểm tháng 9/2012, khi Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác thăm dò và đánh giá trữ lượng quặng sắt tại khu vực làng Sam, Chò Tráng xã Cao Ngọc, làng Sảng, làng Mơ thuộc xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), người dân sinh sống trong các khu vực có mỏ đã hết sức vui mừng. Họ vui là bởi, trước khi Công ty được cấp phép khai thác, để thuận lợi cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, lãnh đạo của Công ty đã hứa rằng, sau khi nhà máy xây dựng và đi vào hoạt động, mọi con em trong độ tuổi lao động trong xã đều được thu nhận vào làm công nhân với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác mỏ đem lại.
Đây là khu vực mà Công ty Xây dựng và luyện kim Thanh Hóa đang “thăm dò”. Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Sau khi được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động khai thác tại các khu vực làng Mơ, làng Sảng, ngày 28/9/2010, Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa tiếp tục xin được giấy phép khai thác thăm dò tại vực Chò Tráng thuộc mỏ làng Sam xã Cao Ngọc trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày ký giấy phép. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại – tức sau gần 4 năm – công ty này vẫn đang “thăm dò” theo cách riêng của họ.
Chúng tôi có mặt tại khu vực chưa được cấp phép khai thác làng Chò Tráng, xã Cao Ngọc một ngày đầu tháng 3 âm u. Con đường trục chính xuyên xã được rải đá cấp phối, lỗ chỗ những ổ voi, ổ trâu và nhầy nhụa trong lớp bùn đỏ quạnh do bị nhiều xe trọng tải nặng quần thảo. Mặc dù đang là thời điểm giữa trưa nhưng cả thôn Chò Tráng vẫn náo động bởi tiếng nổ từ các máy khai thác quặng hoạt động hết công suất. Trên diện tích rộng chừng 5ha là hồ bùn đỏ đặc sánh được thải ra từ khu tuyển quặng. Những chiếc ao lớn, sâu hoắm được 2 chiếc máy múc công suất lớn đào bới nham nhở ngay bên cạnh đường và khu nhà dân sinh…
Anh Phạm Văn Lộc – một người dân sinh sống ngay bên cạnh khu khai thác bức xúc cho biết: “Hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với tiếng gào rú của máy móc từ mờ sáng đến chiều tối. Trời mưa thì đường trơn trượt lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt bởi xe vào bốc quặng”.
Trước thực trạng trên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cao Ngọc, ông Phạm Văn Chiến cũng bức xúc: “Đường sá bị xe quá tải vằm nát, bà con mất đất sản xuất do họ (Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa) lấy đất khai thác. Vừa qua, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa nhưng nhiều thôn như Chò Tráng, làng Nghiện, làng Sam có còn ruộng đâu mà dồn với đổi… Người dân và chính quyền xã đã nhiều lần “kêu” về tình trạng này mà không thấu!”.
Có sự “bảo kê”
Để chứng minh cho việc Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa đang khai thác và vận chuyển hàng nghìn tấn quặng sắt trái phép dưới vỏ bọc “thăm dò”, chúng tôi xin được trích tờ trình của Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản Sở TN&MT Phùng Đình Ảnh gửi Giám đốc sở ngày 4/3/2014: “Đối với các khu Chò Tráng, làng Sam thuộc xã Cao Ngọc, làng Sống, làng Khén thuộc xã Vân Am trong báo cáo thăm dò dự tính tài nguyên cấp 333 là 49 ngàn tấn quặng gốc và 40 ngàn tấn quặng sắt deluvi, trong đó khu vực Chò Tráng diện tích phân bố quặng sắt là 7,5ha. Việc UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực này chỉ được thực hiện sau khi được Bộ TN&MT công bố là khu vực có khoáng sản phân bố nhỏ, lẻ. Vì vậy, Sở TN&MT đã có công văn số 168… ngày 15/1/2014 đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ TN-MT khoanh định và công bố các khu vực nêu trên…”. Đồng thời, tại công văn số 168 cũng khẳng định, “đối với các khu vực nêu trên chưa đủ điều kiện để cấp phép khai thác theo quy định”.
Tìm hiểu thêm được biết: Quy trình khai thác thăm dò sẽ theo 2 cách. Một là khoan thăm dò, thứ 2 là dùng máng đãi để đánh giá trữ lượng. Thế nhưng như đã nêu ở trên, việc công ty đưa hệ thống máy móc quy mô vào khai thác, vận chuyển rầm rộ quá thời hạn cho phép cho thấy, Công ty Xây dựng và Khoáng sản Thanh Hóa không hề tuân thủ theo sự chỉ đạo của Bộ TN&MT.
Trong buổi làm việc với báo chí, ông Phạm Trung Dũng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Ngọc Lặc tỏ ra khá ngạc nhiên trước thực trạng trên và không quên viện lý do là do phòng “mỏng” nhân lực nên không thể kiểm soát hết tình hình. Đồng thời, ông Dũng cũng cho biết: Trong 2 năm qua, các cơ quan chức năng của huyện đã bắt giữ hàng nghìn tấn quặng vận chuyển trái phép từ khu vực mỏ ra ngoài. Đem vấn đề này đến gặp ông Phùng Đình Ảnh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản thì ông Ảnh lại khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của UBND huyện Ngọc Lặc về việc khai thác và vận chuyển quặng trái phép.”(?!)
Chưa thể khẳng định có hay không việc các ban ngành tỉnh Thanh Hóa “bật đèn xanh” cho Công ty Xây dựng và Luyện kim Thanh Hóa khai thác quặng sắt trái phép để trục lợi, chia chác(?!) Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Việc công ty này ngang nhiên khai thác và vận chuyển rầm rộ trái phép một khối lượng lớn khoáng sản trong suốt nhiều năm qua mà không ai hay biết, can thiệp thì đúng là xứ Thanh có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Theo Báo Đại đoàn kết