Theo nhận định của luật sư, hành vi của nữ sinh viên năm 2 bỏ rơi con mới sinh giữa khe tường nhà là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, hành động này của nữ sinh chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm.
Bé sơ sinh đang được điều trị tại bệnh viện. |
Liên quan đến vụ bé trai sơ sinh bị bỏ rơi tại khe hẹp giữa 2 nhà xảy ra ngày 18/8 tai Gia Lâm, Hà Nội, người mẹ được xác định là sinh viên năm 2 một trường đại học trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trả lời PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói rằng đây tiếp tục là một vụ việc vứt bỏ con mới đẻ của những người mẹ vô trách nhiệm.
Theo đó, nếu trong trường hợp cháu bé chỉ bị thương tích mà không thiệt mạng thì người mẹ đã vứt cháu bé xuống dưới khe tường đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong trường hợp cháu bé không may tử vong, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mẹ đã vứt bỏ cháu bé này về tội giết người hoặc tội vứt bỏ con mới đẻ tùy thuộc vào hoàn cảnh của người mẹ, có được xác định là “trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt hoặc do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” hay không.
Nếu cơ quan chức năng xác định người mẹ đó “do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”
Nếu không thuộc trường hợp này mà vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến việc đứa trẻ tử vong thì người vứt bỏ sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư TP.Hà Nội. |
Cùng nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cháu bé đã được một số người dân và lực lượng công an phát hiện đưa đi cấp cứu nên cháu bé đã may mắn được cứu sống.
Tội vứt con mới đẻ là tội phạm có cấu thành vật chất, nghĩa là hậu quả chết người là bắt buộc và điều luật cũng đã loại trừ trường hợp phạm tội chưa đạt. Quy định này cũng phù hợp với lý luận lỗi cố ý gián tiếp không có giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Như vậy, tuy hành vi của người phụ nữ tuy là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm.
"Hành vi vi phạm pháp luật này của người phụ nữ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi "Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh". luật sư Thơm nhận định.
Như đã đưa tin trước đó, vào khoảng 17h50 ngày 18/8 người dân đang sinh sống tại khu trọ số 45, Đào Nguyên, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) bất ngờ nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ. Tìm hiểu, mọi người vô cùng bàng hoàng phát hiện một em bé không mặc quần áo, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi ở khe tường hẹp. Ngay lập tức, người dân đã phải khoan, đục tường để giải cứu cháu bé ra ngoài và cùng lực lượng chức năng đưa bé đi cấp cứu. Sau hơn 2 ngày xác minh, sàng lọc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm đã xác định được mẹ của cháu bé. Theo đó, người mẹ của cháu bé sơ sinh tên là N.K.H. (20 tuổi, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân ban đầu được nhận định, H. vứt bỏ con sau khi sinh là bởi có thai ngoài ý muốn. Hơn nữa, do tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình. |
Thủy Tiên (T/h)