(ĐSPL) - Đuổi học hay không với một số em học sinh tham gia đánh bạn ở Trà Vinh đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây.
Xem video:
Video: Nữ sinh hành xử như côn đồ, đập ghế vào đầu bạn
Vụ việc nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trong (TP. Trà Vinh) bị một nhóm học sinh dùng ghế đánh hội đồng đang khiến dư luận hết sức bức xúc.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là vụ việc không được giáo viên hay nhà trường biết được cho đến tận 2 tháng sau khi clip bị đưa lên trang mạng xã hội thì nhà trường mới vào cuộc xem xét, xử lý.
Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, chiều 11/3, ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chủ trì buổi họp báo cáo về vụ việc này.
Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Nguyên - Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường đã đưa vụ việc ra hội đồng kỷ luật và đề xuất mức phạt cao nhất là đuổi học một số học sinh tham gia đánh bạn.
Tuy nhiên, hình thức kỷ luật đang nhận được nhiều tranh luận trái chiều từ dư luận.
Đuổi học chỉ xử lý được "phần ngọn"
Thông thường, với các vụ học sinh đánh nhau, hình thức kỷ luật đối với các đối tượng vi phạm là đình chỉ học tập hoặc đuổi học. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đây có phải là biện pháp tốt nhất?
Trả lời về vấn đề này trên Infonet, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh cho biết, cần phải xem xét hiện tượng này từ gốc thì mới có cách giải quyết, chứ hình thức kỷ luật đuổi học chỉ xử lý được “phần ngọn”.
"Nếu nhà trường “buông tay” với các em học sinh hư, không dạy các em, đẩy các em ra ngoài xã hội thì ai sẽ dạy? Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt.
Để giữ bình yên cho trường nhưng tạo thêm mầm mống bất bình ổn trong xã hội nếu như các em đó chán nản, tham gia vào các hoạt động tội phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?", bà Thanh băn khoăn.
Nữ sinh lớp 7/5 bị đánh hội đồng. Ảnh cắt ra từ clip. |
Theo phân tích của chuyên gia tâm lý, bên cạnh sự thiếu hụt tình cảm, gia đình không trọn vẹn, sự lệch chuẩn trong giáo dục tại nhà trường, xem nhẹ các môn khoa học xã hội được đánh giá là yếu tố khách quan nhưng cũng có tác động lớn vì chúng khiến các em xa dần những giá trị đạo đức nhân văn cần thiết để hình thành nhân cách.
Cùng với đó là sức ép từ gia đình, nhà trường, xã hội về học hành, thi cử, bằng cấp… cũng khiến không ít học sinh rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, bất cần khi thất bại. Thêm vào đó, những biến động tâm lý của lứa tuổi 14, 15, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan (phim ảnh, game…) cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn các em đến các hành vi nổi loạn và phạm tội.
Chính vì thế, cần phải xem xét lại yếu tố giáo dục cả từ phía nhà trường và gia đình, không thể xem nhẹ bất cứ khía cạnh nào, có như vậy mới khôi phục được những giá trị nhân cách cần thiết cho mỗi học sinh.
Nên tạo cơ hội để sửa sai lầm
Bàn về biện pháp xử lý trong vụ việc này trên VOV, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu dùng biện pháp đình chỉ học tập với các em học sinh thì chẳng giải quyết tận gốc được sự việc.
TS Lâm phân tích: "Nếu đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn một vài tháng hay 1 năm thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội.
Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: bố mẹ bỏ nhau, ly thân…".
Theo TS Lâm, vụ việc này nên được xử lý bằng hình thức cách chức học sinh lớp trưởng. Những học sinh tham gia đánh bạn thì có thể bị kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường. Giáo viên, nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giáo dục học sinh sau vụ việc này.
Trường THCS Lý Tự Trọng cũng nên tạo cơ hội để học sinh sửa chữa sai lầm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em. Nếu những học sinh đánh bạn không có ý chí phấn đấu, tiếp tục có hành vi hung hăng, côn đồ thì nhà trường có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp, xử lý.