+Aa-
    Zalo

    Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp: Từ bông hồng vàng một thời đến ngày hầu tòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xuất thân từ một công chức nghèo, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp đã có một cuộc chuyển mình thành công. Đáng tiếc, nữ đại gia bất động sản sau đó vướng vòng lao lý.

    Xuất thân từ một công chức nghèo, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp đã có một cuộc chuyển mình thành công. Đáng tiếc, nữ đại gia bất động sản sau đó vướng vòng lao lý.

    Ngày 15/3, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, quê Bình Định, ngụ TP.Hồ Chí Minh) ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, trước khi rơi vào vòng lao lý, bà Dương Thị Bạch Diệp là một nữ đại gia bất động sản có tiếng, sở hữu khối tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng.

    Nữ đại gia sở hữu Rolls-Royce chính hãng đầu tiên ở Việt Nam

    Chiếc siêu xe của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp.

    Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1971, bà có thời gian dài công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng, Công ty Bao bì xuất khẩu của bộ Ngoại Thương (thời điểm đó) tại TP.HCM.

    Trước khi trở thành “bông hồng vàng” của giới doanh nhân nữ, bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948) từng là một công chức nghèo. Tuy nhiên, sau đó bà đã có cú "chuyển mình" bất ngờ thành nữ đại gia bất động sản.

    Một trong những thương vụ bất động sản đầu tiên của nữ doanh nhân này diễn ra vào năm 1984. Thời điểm đó, bà mua một căn chung cư cũ tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) cải tạo lại để bán với giá cao. Từ những thương vụ mua cũ, cải tạo, bán mới chung cư, bà Diệp chuyển sang những sản phẩm bất động sản lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng...

    Những năm 2007, siêu xe là thú chơi xa xỉ nổi trội trong giới đại gia. Bấy giờ, Cường Đô La, Chí Vỹ (biệt danh Cu Way)… là những thiếu gia nổi tiếng trong giới siêu xe. Những chiếc xe thời thượng như Ferrari F430, Lamborghini Gallardo SE, Rolls-Royce, Maybach và Bentley… vô cùng được ưa chuộng.

    Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong giới chơi xe thời đó, người ta nhắc đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp. Đây là người đầu tiên sở hữu Rolls-Royce bespoke tại Việt Nam.

    Chiếc Rolls-Royce Phantom màu xanh của bà Diệp được nhập về Việt Nam vào 1/2008. Chỉ riêng tiền vận chuyển bằng máy bay đã tốn 10.000 USD. Tổng giá trị xe tại Việt Nam khoảng 1,3 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng vào năm 2008), bao gồm 496.360 USD giá xuất xưởng chiếc xe, thuế nhập khẩu và trước bạ 882.092 USD.

    Chiếc xe của nữ tỷ phú có logo công ty, tên khắc trên mũi xe. Thân xe gồm hai tông màu xanh đen và bạc. Dưới ánh nắng, thân có màu xanh lục, tương ứng với tên bà chủ là Bạch Diệp.

    Dù hiện không còn là siêu xe đắt nhất tại Việt Nam nhưng chiếc Rolls Royce biển siêu đẹp 77L – 7777 của bà Diệp sau 5 năm sử dụng vẫn được giới mê xe nhắc đến là một chiếc Rolls Royce “đẳng cấp” hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là chiếc xe làm nên tên tuổi cho bà trong giới chơi siêu xe ở Việt Nam.

    Kỷ lục này đã trụ hàng một thời gian dài, sau đó bị lật đổ bởi sự xuất hiện của thiếu gia Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa). Anh vung tiền mua hai siêu xe Lamborghini Mucielago LP670 SV năm 2010 và Bugatti Veyron vào năm 2012.

    Sở hữu khối tài sản có lúc lên tới 10.000 tỷ đồng

    Theo thông tin trên báo Dân Trí, bà Dương Thị Bạch Diệp là một trong những đại gia bất động sản có tiếng ở TP.HCM. 4 công ty, bao gồm Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Công ty TNHH Nam Nam Phương, Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn, Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương đều do bà là người đại diện theo pháp luật.

    Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương do bà Diệp làm giám đốc là một công ty gia đình, không có cổ đông ngoài. Công ty này có vốn điều lệ vào cuối tháng 1/2019 là 905,6 tỷ đồng. Bà Bạch Diệp nắm giữ 57,54% cổ phần trong đó, tương đương 521 tỷ đồng. Phần còn lại, con gái bà là Nguyễn Thị Châu Hà đang định cư ở Australia sở hữu.

    Bà Diệp sở hữu 6 lô “đất vàng” tại TP.HCM bao gồm 4 dự án ở trung tâm quận 1, và 2 dự án ở trung tâm quận 3. Trong đó, khu đất 1.100 m2 trên đường Lê Văn Hưu (quận). Nhiều dự án bất động sản, khách sạn 5 sao như Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)... cũng thuộc sở hữu của người phụ nữ này.

    Khu đất 185 Hai Bà Trưng, trước khi bị mang thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank) cũng thuộc sở hữu của bà Diệp.

    Chia sẻ với báo chí vào thời điểm năm 2014, bà Diệp cho biết, giá trị tài sản của bà có thời điểm lên tới 10.000 tỷ đồng dưới dạng bất động sản và tài sản cá nhân.

    Hành trình vướng vòng lao lý

    Màn hoán đổi 2 khu đất của Trung tâm Ca nhạc nhẹ có trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM với khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3) khiến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp phải hầu tòa (Ảnh Lao Động).

    Trong chặng đường kinh doanh của mình, theo Lao Động, bà Dương Thị Bạch Diệp không ít lần vướng vào lao lý. Người phụ nữ này từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào năm 1982 và 1994. Tuy nhiên, cả 2 lần đó, cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để có thể buộc tội bà nên bà sớm được tại ngoại.

    Tuy nhiên, mới đây nhất, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt bà Dương Thị Bạch Diệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định, bị can Dương Thị Bạch Diệp đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền 353 tỷ đồng. Ngày 15/3/2021, TAND TP Hồ Chí Minh đưa bị cáo Dương Thị Bạch Diệp ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dự kiến phiên tòa kéo dài từ ngày 15/3 đến 19/3.

    Liên quan đến vụ hoán đổi nhà đất giữa số 57 Cao Thắng (quận 3) và 185 Hai Bà Trưng (quận 1), cơ quan chức năng xác định các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỉ đồng. Dương Thị Bạch Diệp bị truy tố tội Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Riêng cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Năm 2008, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Công ty Diệp Bạch Dương - PV), trụ sở tại 179Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, do Dương Thị Bạch Diệp làm giám đốc, đã bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Vy Nhật Tảo hoán đổi căn nhà số 57 Cao Thắng (tài sản 57 Cao Thắng - PV), thuộc sở hữu của Công ty Diệp Bạch Dương với tài sản 185 Hai Bà Trưng (tài sản của Nhà nước) do Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở VH-TT&DL quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc.

    Quá trình hoán đổi 2 tài sản trên, Dương Thị Bạch Diệp đã gian dối cung cấp bản photo có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (QSDĐ&QSHN) tại số 57 Cao Thắng (phường 3, quận 3) cho Ban chỉ đạo 09 TP.Hồ Chí Minh.

    Thời điểm cung cấp bản photo giấy tờ thể hiện chưa thế chấp, đến ngày 31/12/2008, bà Diệp đem thế chấp vay 8.700 lượng vàng tại Agribank TP.Hồ Chí Minh, nhưng không báo cho các cơ quan chức năng mà chỉ cam kết với ngân hàng sau khi hoán đổi xong tài sản 185 Hai Bà Trưng sẽ dùng tài sản này để thế tài sản 57 Cao Thắng, làm tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank TP.Hồ Chí Minh.

    Sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ&QSHN tại số 185 Hai Bà Trưng vào ngày 4/2/2013, bà Diệp đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank) để vay 160 tỷ đồng. Hiện vẫn còn dư nợ hơn 222,7 tỷ đồng (nợ gốc hơn 99,2 tỷ đồng, nợ lãi hơn 123,5 tỷ đồng). Ngân hàng Phương Nam đã bán khoản vay này cho VAMC vào ngày 29/9/2016.

    Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-duong-thi-bach-diep-bong-hong-vang-mot-thoi-den-ngay-hau-toa-a507899.html

    Theo Mộc Miên (T/H)

    Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-dai-gia-duong-thi-bach-diep-tu-bong-hong-vang-mot-thoi-den-ngay-hau-toa-a359180.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan