(ĐSPL) - Ra mắt giới trong nghề vào những ngày đầu tháng 8, khai thác lát cắt rất "mỏng", nhưng đặc biệt trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội, "Những người con Hà Nội" là một tác phẩm được Nhà hát Kịch Hà Nội đầu tư công phu, như điểm nhấn nghệ thuật của năm 2014 - kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Đạo diễn – Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang cho biết, ông đã dành nhiều tâm sức để “Những người con Hà Nội” ra chất người Hà Nội...
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang. |
Chia sẻ về “những người con hà nội”
Thưa ông, xoay quanh các lát cắt của 60 ngày đêm mùa đông năm 1946, thời lượng của “Những người con Hà Nội” tới hơn 2 tiếng. Khi chính thức ra mắt khán giả, ông có định rút ngắn để người xem không thấy quá dàn trải?
Đây là vở kịch để kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 10/10 - một sự kiện quan trọng và có nhiều vấn đề khiến người ta phải gợi nhớ, nên tôi có ý định giữ nguyên thời lượng như vậy. Hơn nữa, nội dung của vở kịch không phải chỉ là bắn nhau, là súng, là đại bác... Những con người đặc biệt như một tay anh chị Ba Hổ, một cô đầu Kiều Loan... làm cho vở diễn đời hơn, dung dị hơn, thoát được sự căng thẳng vốn có ở những vở diễn có tính chất "hướng về dịp kỷ niệm" như thế này. Không có nhân vật nào thực sự là chính diện, cả vở diễn đều nhằm mục đích khắc họa lại giai đoạn hào tráng của quân và dân Thủ đô những ngày mùa đông năm 1946.
Có nhiều thông tin cho rằng, vở kịch "ngốn" nhiều tiền của Nhà nước. ông chia sẻ gì về điều này?
Tôi chỉ chịu trách nhiệm đạo diễn, không lo vấn đề bếp núc tiền nong nên không cân đo đong đếm hết bao nhiêu tiền. Tôi chỉ có thể khẳng định rằng, khi bắt đầu lên ý tưởng xây dựng vở kịch "Những người con Hà Nội", lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội cùng ê kíp tổ chức đã thống nhất với nhau phải xây dựng một vở diễn xứng đáng với lịch sử, để những người con Hà Nội luôn tự hào về truyền thống cha ông. Cho dù, không có tiền thì diễn viên, nghệ sỹ cũng sẵn sàng lao động không công. Và phải khẳng định rằng, dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội với những nghệ sỹ được đông đảo công chúng yêu mến, quen mặt thuộc tên như NSND Minh Hòa, NSưT Xuân Đồng, Tiến Đạt, Công Lý, Kiều Thanh... và những diễn viên trẻ tiềm năng như Quang Minh, Thanh Hường... đã tận lực luyện tập cho đêm diễn.
NSND Doãn Hoàng Giang hướng dẫn diễn viên trên sân khấu. |
Vì là vở diễn về Hà Nội nên hoa được trải đầy từ sảnh vào nhà hát đến khán đài sân khấu, thưa ông?
Tôi chú ý chất hào hoa, phong nhã của người Hà Nội. Cuộc chiến đấu kỳ lạ, không phải như cuộc chiến trên đường Trường Sơn, cuộc chiến đấu ở trận địa, mà là cuộc chiến mang màu sắc hào hoa của người Hà Nội. Một cuộc chiến đấu trải hoa trên chiến lũy, của những con người khác nhau...
Huy động gần một trăm diễn viên, đại cảnh nhiều, nhưng “Những người con Hà Nội” không có nhân vật được khai thác kỹ, để lại ấn tượng?
Vở này không thể tách nhân vật riêng ra được. Tôi cũng cố ý đưa một số thân phận. Đó là Khánh Linh, con ông Phán Tâm trước chiến tranh yêu Lê Phát (sau trở thành điệp viên phòng Nhì và bị tiêu diệt), cuối cùng cô ấy cũng chết cho Hà Nội. Hay cậu kiến trúc sư Dương trở thành chiến sỹ, người phụ nữ làng hoa Ngọc Hà thử nước độc. Đây không phải thân phận cá nhân, mà là thân phận Hà Nội, thân phận của đất nước. Người Hà Nội đại diện cho dân tộc Việt Nam tiên phong đứng lên trong cuộc kháng chiến 9 năm.
Ông nhận xét gì về kịch bản "Những người con Hà Nội" của nhà viết kịch Phạm Văn Quý?
Ngay từ khâu kịch bản, sau nhiều cố gắng tìm tòi, đọc rất nhiều tác phẩm, lãnh đạo Nhà hát cuối cùng đã đặt hàng tác giả Phạm Văn Quý. ông là tác giả cả một series tác phẩm về Hà Nội, từng đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái về những đóng góp nghệ thuật cho Thủ đô. Kịch bản của Phạm Văn Quý phản ánh một giai đoạn lịch sử của Hà Nội, không đi sâu vào một nhân vật cụ thể nào mà nhiều tầng lớp của Thủ đô đều xuất hiện trong vở kịch.
Không phải cứ đào tạo là ra người tài năng
Có người nói sân khấu hiện nay heo hút và nhàn nhạt. Có vẻ Doãn Hoàng Giang không được thỏa sức mở hết tài năng, phải cầm chừng với vài tác phẩm sân khấu nhàng nhàng. Cảm giác của ông thế nào?
Sân khấu Bắc - Nam đều không làm tôi thỏa cơn khát. Phương tiện, rạp hát cũ kỹ không có cơ hội cho đạo diễn thể hiện những cú ép phê để cống hiến cho khán giả. Muốn có một cơn mưa, bão tuyết hay một triền cát... trên sân khấu, đạo diễn Việt Nam bó tay. Trong khi thế giới họ luôn sẵn sàng được hỗ trợ. Vẫn cái cánh gà đơn điệu ấy, sân khấu im lìm ấy... lấy đâu cảm hứng và phương tiện cho đạo diễn thể hiện. Một sân khấu tráng lệ đầy đủ kỹ thuật cũng không có, lấy đâu những cái để đạo diễn tung hoành?
Không biết có phải Doãn Hoàng Giang đang hết “chiêu” thì đổ lỗi cho sân khấu thiếu phương tiện? Cái thiếu cốt lõi của sân khấu thời gian qua là vấn đề nội dung, chi tiết sân khấu... không hẳn là thiếu kỹ xảo?
Lâu nay chúng ta xem sân khấu Việt Nam cũng tạm được nhưng cái để đạo diễn, diễn viên làm cho khán giả sững sờ không có. Tôi có thừa những dự định và ý tưởng cho sân khấu nhưng không thể làm được vì sân khấu bó hẹp quá mức. Vở “Tả quân Lê Văn Duyệt” tôi được tạo điều kiện hết mức về kinh phí nhưng lại bị giới hạn ở sân khấu tối om, sàn diễn đóng đinh. Tôi thèm dựng một đoạn ấn tượng, mô tả chín con thuyền của Lê Văn Duyệt phóng từ kinh đô về Gia Định nhưng không được. Cuối cùng phải sử dụng sân khấu múa để diễn tả. Như thế thì lấy đâu ra ấn tượng. Trong lĩnh vực nghệ thuật, thế kỷ này được coi là thế kỷ của đạo diễn. Đạo diễn không làm được mọi cái theo suy nghĩ của mình thì đúng là chỉ biết dễ tính cho tác phẩm hoàn thành.
Ông vẫn là đạo diễn đắt show nhất, một năm dựng ngót nghét 20 vở. Nhưng thử hỏi bao nhiêu vở khiến ông say sưa sáng tạo?
Thích vở nào ư? Nói thật, quá lắm tôi thích một đến hai vở. Gia đình sinh 10 đứa con thì sao nuôi ăn học thành tài hết được. Có hai đứa được học tử tế thành tiến sỹ, bác học là lý tưởng rồi, còn lại hai đứa làm nghề buôn bán, hai đứa làm thuê, làm đủ các ngành nghề, miễn sao chúng đều chân chính là được rồi. Đứa thành tài không được phép coi thường những người anh, chị đã làm thợ nề, bươn chải nuôi mình. Anh giàu không khinh anh học hành tử tế nghèo... Đời sống sân khấu cũng thế.
Trở lại vấn đề cốt lõi của chất lượng sân khấu Việt, cuối cùng người ta lại quay về “kết tội” tác giả kịch bản?
Thì đúng là như thế. Chúng ta không có tác giả lớn. Không có ai ngang tầm thời đại. Thơ, văn cũng thế. Xưa không cần “động viên” vẫn có Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... Những người này tự nhiên trời đất dân tộc ban cho tài năng. Không phải cứ đào tạo là ra người tài năng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Cái thời ăn bánh mỳ, nhịn đói... qua rồi Ông nghĩ mình cũng có thể xếp vào diện tài năng sân khấu? Tôi cũng có một chút thiên bẩm. Nhưng nếu chỉ có chút thiên phú đó, không có lao động thì không thành tôi bây giờ. Cái thời ăn bánh mỳ khô ngồi thư viện, nhịn đói để mua sách, đọc cả kim cổ đông tây, hy sinh cả tuổi thanh xuân đã qua rồi, có được như ngày hôm nay là do tôi tự học. Nếu không thấy mình còn ý nghĩa, tôi sẽ rút lui Thực tế, điều kiện càng khó khăn thì càng cần đạo diễn phải tài năng. Có người đã nói “Thời của Doãn Hoàng Giang đã qua, hãy nhường sân cho lớp trẻ”? Nhìn vào sân khấu bây giờ sẽ biết thời của tôi đã qua hay chưa? Tôi là đạo diễn duy nhất của miền Bắc vẫn tung hoành ở sân khấu phía Nam. Nếu đi qua rồi thì thú vị quá, vì như vậy tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và giao cho lớp trẻ. Chỉ tiếc là nhìn lại đằng sau không thấy ai thở vào gáy mình, cầm vai kéo giật và chạy qua. Tôi thèm có đệ tử để chăm bẵm. Bí quyết võ công không để lại cho đời thì ra khỏi đời không để lại cái gì, có vô nghĩa không? Tôi vẫn đang rất sung, đang hò hét và nồng nàn. Nếu không thấy mình còn ý nghĩa, tôi sẽ rút lui. |