+Aa-
    Zalo

    Nông sản xuất khẩu giảm mạnh, nỗi lo hiện hữu trước thềm TPP

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Sau 7 năm tăng liên tiếp, xuất khẩu nông sản đang có dấu hiệu đi xuống. Thực trạng này thực sự đáng lo ngại bởi đây được coi là mũi nhọn của Việt Nam

    (ĐSPL) – Sau 7 năm tăng liên tiếp, xuất khẩu nông sản đang có dấu hiệu đi xuống. Thực trạng này thực sự đáng lo ngại bởi đây được coi là mũi nhọn của Việt Nam khi ra nhập TPP.

    Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng 9-2015 đạt khoảng 2,15 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm lên 21,65 tỉ USD, giảm 5\% so với cùng kỳ năm 2014.
    Nông sản giảm giá trị ở hầu hết các ngành hàng
    Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỉ USD, giảm 7,2\% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (giảm 32,2\%), cao su (giảm 13,7\%), gạo (giảm 15,7\%), thủy sản (giảm 17,8\%)…
    Trong 9 tháng qua, thị trường lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu tương đối trầm lắng, giá lúa duy trì ở mức thấp và ít biến động. Giá cao su nguyên liệu và cao su thành phẩm trên thị trường trong nước giảm do chịu tác động giảm giá của cao su thế giới. Giá các mặt hàng thủy sản chủ yếu như cá tra và tôm cũng không mấy khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường tiêu năm nay luôn nóng và giá hạt điều biến động tăng nhờ giá xuất khẩu và nhu cầu đang tốt.

    Xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống. Nguồn Bộ NN&PTNT

    Cụ thể, xuất khẩu gạo tính đến hết tháng 9, đạt khoảng 4,47 triệu tấn với giá trị 1,92 tỷ USD, giảm 10,1\% về khối lượng và giảm 15,7\% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08\% so với cùng kỳ năm 2014.
    Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với 35,37\% thị phần. 8 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64\% về khối lượng và giảm 8,74\% về giá trị).
    Nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam như Philippines (giảm trên 40\% về khối lượng), Singapore (giảm 37,24\%) và Hong Kong (giảm 29,37\%).
    Cao su, chè, cà phê và hạt điều cũng không có tin vui
    Nhiều mặt hàng nông sản chính của VN như cao su, chè, thủy sản và cà phê tiếp tục được dự đoán giữ mức giá thấp trong những tháng cuối năm nay. Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 961.000 tấn với tổng giá trị 1,96 tỉ USD.
    So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu cà phê giảm 31,2\% về khối lượng và giảm 32,2\% về giá trị. Giá trị xuất khẩu cà phê trong các tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của VN đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
    Tương tự với mặt hàng chè khi xuất khẩu được 88.000 tấn với giá trị đạt 151 triệu USD trong chín tháng đầu năm nay lần lượt giảm 8,8\% và 8,1\% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
    Giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông sản năm 2015 là cao su khi tiếp tục đà giảm kể từ năm 2011 đến nay.

    Nhiều nơi chặt bỏ cao su vì giá cao su xuất khẩu liên tiếp giảm trong 4 năm

    Chín tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 740.000 tấn với giá trị 1,06 tỉ USD. Dù khối lượng xuất khẩu tăng 6,6\% nhưng lại giảm 13,7\% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 do giá cao su tiếp tục giảm.
    Theo ông Võ Hoàng An, tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN (VRA), tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhất là tại các thị trường sản xuất săm lốp xe lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản đã làm giảm nhu cầu cao su thiên nhiên.
    Cứu vãn tình thế phải cần chất lượng và xây dựng thương hiệu
    Mặc dù nhiều ngành hàng nông sản không giảm về mặt khối lượng nhưng vẫn giảm giá trị do giá bị giảm và cạnh tranh từ nhiều nước xuất khẩu khác. Bằng chứng là chè của Việt Nam đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán. Còn gạo Việt bán với giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Sản lượng cá tra Việt Nam chiếm 90\% thị phần thế giới nhưng giá cá tra Việt Nam bán thấp hơn giá cá tra Thái Lan từ 20 đến 30\%.
    “Xu thế của thế giới hiện nay, nhất là các nước nhập khẩu, đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó có thêm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản Việt Nam giảm xuất khẩu là do chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế mới của thị trường thế giới ở chỗ quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng” – một chuyên gia kinh tế nhận định.
    Theo thống kê gần đây của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), có đến hơn 80\% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ở thị trường trong nước, cũng có khoảng 80\% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không hề có nhãn hiệu.
    Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản Việt cạnh tranh yếu và xuất khẩu giá bèo vì không có thương hiệu. Trái lại, giới chuyên gia cho biết có đến 90\% nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Và giá trị lớn nhất lại được chính các thương hiệu nước ngoài này đút túi.
    Trung Nguyễn
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-san-xuat-khau-giam-manh-noi-lo-hien-huu-truoc-them-tpp-a115564.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.