Tận mắt chứng kiến nhiều cảnh sinh hoạt của một bộ phận các bạn sinh viên với lối sống buông thả, bừa bãi mới hiểu, không dưng bỗng nhiên hàng loạt các khu trọ, chung cư khi đăng biển quảng cáo lại kèm theo chú thích: “chỉ cho người đi làm thuê, không nhận sinh viên”. Nghe sao mà chua xót!
Khi sinh viên là... gái gọi
Khu phố Ô Chợ Dừa, chật hẹp, bụi bẩn và rất hay ùn tắc. Nhưng có lẽ, trong giới sinh viên, và thậm chí là "ngoại giới" đều biết đây là con phố nổi tiếng với một trường đại học, nơi tập trung nhiều cô sinh viên "sắc nước hương trời" và trong đó một bộ phận có độ "chịu chơi" nhất nhì Hà thành.
Khoảng 7h tối, tôi cùng anh bạn, là sinh viên học dăm, bảy năm mới tốt nghiệp được trường này bởi tính lông bông để tìm hiểu về lối sống, sinh hoạt của nữ sinh viên. Trong khu trường này, có lẽ anh là con "ma xó" lọc lõi nhất, không ngóc ngách nào là anh không biết, không thú chơi nào của sinh viên trường này là anh không hay. Kéo tôi vào quán nước nằm nép ở phía cổng sau của trường đại học. Anh rỉ tai tôi nói nhỏ: "Cứ chứng kiến, rồi sẽ hiểu tại sao nhiều đại gia lại thích "săn rau" ở trường này".
Tôi mắt chữ A, mồm chữ O không hiểu tại sao. Nhìn ngó phía sau cổng sắt, từng nhóm sinh viên nữ có vẻ rất ngoan ngoãn, hiền lành và vô tư túm tụm ở ghế đá buôn chuyện, vài em thì chạy ra các hàng quán mua đồ ăn tối đem về ký túc xá. Mọi sinh hoạt đều có vẻ rất êm đềm và bình thường. Nhưng anh bạn tôi cứ ung dung đắc ý nháy mắt: "Kiên nhẫn đi, sẽ có nhiều cảnh hay để xem".
Khoảng 9h tối, lúc này, khoảng sân trước cổng ký túc xá đã thưa vắng dần, không còn bóng dáng sinh viên túm tụm nữa. Ngoại trừ những cặp đôi thanh niên đang ôm ấp nhau trên ghế đá. Lúc này, không hiểu từ đâu, không hẹn mà liên tiếp rất nhiều ôtô đậu xịch trước cổng trường. Có đủ các loại xe, từ cao cấp đến... taxi. Như một quy ước, các xe đậu rất ngăn nắp, gọn ghẽ và nhường nhịn nhau. Tôi lấy làm lạ, cứ tưởng rằng có một cuộc hội họp hay party, sinh nhật nào đó.
Nhưng, chưa kịp hết ngạc nhiên, ngay sau đó, trên khoảng sân tối tăm, từng bóng dáng "thiên nga" xuất hiện. So với lúc giờ cơm tối ban nãy, thì đúng là cả một sự khác biệt một trời một vực. Những cô sinh viên bận những bộ đồ hoạt hình dễ thương, những chiếc áo đồng phục thể dục giản dị biến đâu hết. Thay vào đó là những cô sinh viên ăn bận chẳng khác nào… người mẫu! Váy ngắn mỏng tang, những đôi giày, guốc cao gót chênh vênh như đi cà kheo. Tôi chợt nhận ra một cô bé lúc nãy chạy ra mua bánh mỳ ngay cạnh quán nước.
Tôi ấn tượng bởi chiếc răng khểnh rất đáng yêu khi cô cười, vô tư trêu chọc lũ bạn. Cô bé vừa đi vừa cắn bánh mỳ nhai nhồm nhoàm của hai giờ đồng hồ lúc trước, giờ biến thành con người khác hẳn. Vẫn chiếc răng khểnh ấy, nhưng được phô bày duyên dáng một cách rất "mốt" khi cô uyển chuyển trên đôi giày cao gót 15 phân, chiếc áo thun đỏ rực trễ cổ và chiếc quần soóc ngắn cũn cỡn. Mùi nước hoa nồng nặc của cô lưu lại khi đi lướt qua chúng tôi.
Cô nhanh chóng bước đến cửa một chiếc ô tô màu đen đã đỗ sẵn gần cổng. Và bằng một động tác duyên dáng, cô hất tóc và mở cửa xe rồi nhanh chóng leo lên. Tôi không kịp ngó vào bên trong để xem ai diễm phúc được đón đưa người đẹp. Chỉ thấy một cánh tay đàn ông mập ú đầy lông, đeo một chiếc đồng hồ nạm đá to bản với ra sập cửa xe ô tô lại.
Chiếc xe hơi bóng lộn vừa đi khuất. Bà chủ quán nước chừng 50 tuổi, bĩu môi nhìn theo: "Gớm, xinh đẹp thế cơ mà. Con bé L.A này thì ghê rồi. Mỗi ngày một anh, mỗi anh một loại xe ôtô khác nhau. Mà không anh nào trùng anh nào mới lạ chứ!". Anh bạn tôi nhìn tôi cười đầy ẩn ý. Bà chủ quán nước, luôn mồm xưng "u" với "con" không ai gặng hỏi mà tuôn ra một tràng: "Trông thì xinh đẹp bóng bẩy đấy, nhưng rõ là con chúa Chổm".
Mấy lần ra đây ngọt nhạt mua thẻ điện thoại, cào xong rồi mới bắt đầu nỉ non: "Chết thật, u ơi con quên không mang tiền, u cho con nợ". Một hai lần còn được, đằng này cứ được đà lấn tới. Nợ nần chi chít đây này. Có đòi thẳng mặt thì lại cười nịnh nọt: "Để tối nay con trả"."Thế mà tối nào cũng như tối nào, hết anh này anh kia đưa đón, mà toàn xế hộp sang trọng. Nó cứ nhơn nhơn đi qua. Đã trả được đồng nào đâu. Có bao nhiêu tiền là đập vào mỹ phẩm, nước hoa, quần áo thế kia thì còn khướt!".
Một căn phòng trọ bừa bãi trong "làng sinh viên" |
Một lát sau, lại có thêm hai em chân dài, cũng ăn mặc… "không thể thoáng hơn", có lẽ để phù hợp với tiết trời Hà Nội đang nóng dần lên (?!). Và lại cũng nhanh chóng leo lên những chiếc xe xế hộp đậu sẵn trước cổng. Rồi cứ lần lượt như thế, tôi hoa mắt như đang được xem các người mẫu sải bước trên sàn catwalk. Có lẽ, bất kỳ ai chứng kiến cảnh ấy, sẽ không nghĩ được đây là những cô sinh viên, có thể xuất thân từ một gia đình nông thôn nào đó trọ học ở ký túc xá. Sẽ không ai nghĩ rằng, sau những lớp phấn dày cộp, lớp mi giả đen sì kia là những gương mặt chỉ mới đôi mươi non nớt, trẻ trung…
Gần 11h, bác bảo vệ ký túc xá bắt đầu lụi hụi đẩy chiếc cổng nặng nề, khóa chặt lại. Một lát sau, một nhóm sinh viên "xung kích" đeo băng đỏ bắt đầu đi tuần tra khu vực ký túc xá. Vẫn chưa thấy tăm hơi các cô sinh viên ban tối trở lại. Tôi bắt đầu nghi hoặc và thắc mắc với anh bạn thân. Anh lại cười khoái chí: "Chuyện hay chưa hết đâu!".
Khoảng 12h đêm, quán nước bắt đầu dọn dẹp, tôi thấy một vài chiếc xe ôtô trở về. Chiếc ôtô đen đón cô bé L.A răng khểnh không đến gần cổng ký túc xá nữa mà đỗ từ đằng xa. Sau một hồi vẫy chào tạm biệt thắm thiết, L.A uyển chuyển nhẹ nhàng bước vào y hệt như lúc đi. Tôi hiếu kỳ nhìn theo không hiểu cô sẽ vào cổng kiểu gì. Không để tôi đợi lâu. Thật bất ngờ, L.A tháo phắt đôi giày cao gót lênh khênh ra. Tiếp đó, cô với tay, nhón chân đu lên bức tường rêu ẩm ướt và bẩn thỉu.
Và rất nhanh, rất chuyên nghiệp, L.A nhanh chóng vắt vẻo trên bức tường. Sau khi nhìn quanh quất đề phòng hệt như một "ninja", một tay xách giày, một tay cô vịn vào tường và nhảy xuống đất. Sau đó, cô nhanh chóng biến mất vào màn đêm đen đặc về hướng ký túc xá nữ. Không hề biết rằng có hai chúng tôi đang đứng nhìn…
Anh bạn tôi vỗ đùi đánh đét: "Hay chứ hả, được xem phim hành động miễn phí". Tôi nửa sững sờ, nửa e ngại, chả biết nói gì thêm.
Và cách sống bừa bãi không có trách nhiệm..
Hóa ra, sau khi tìm hiểu qua chính những người bạn, người em thân thiết là sinh viên, tôi mới biết những chuyện này chẳng có gì lạ lẫm. Chuyện một bộ phận sinh viên cặp với đại gia giờ trở thành chuyện thường, thậm chí là mục tiêu của một số cô sinh viên có nhan sắc để đánh đổi lấy một cuộc sống vật chất đủ đầy. Nhưng không phải ai cũng được ông trời ban cho nhan sắc diễm lệ để làm vốn liếng.
Khu Dịch Vọng và Xuân Thủy (Cầu Giấy) có một vài "địa chỉ đen" mà giới sinh viên rỉ tai nhau nên tránh. Tuy rằng, nơi đây khá nhiều khu trọ và làng sinh viên giá rẻ. Nhưng đồng thời cũng là địa chỉ của "gái gọi sinh viên". Chưa tin vào những lời đồn đại, tôi trực tiếp đến những nơi được gọi là "báo động đỏ" để khảo sát. Quả thật, lối sinh hoạt lộm nhộm nơi đây khiến tôi không khỏi giật mình.
Đến làng sinh viên H.S, một nơi sinh viên tập trung khá đông đúc, gồm những dãy trọ san sát nhau, chất lượng phòng ốc xếp theo mức giá thuê hàng tháng. Tôi quyết định tìm đến dãy trọ có giá bình dân nhất để tìm hiểu. Ban ngày, khung cảnh ở đây khá bình yên. Cả dãy trọ gần chục phòng, chỉ có chừng một nửa là đang mở cửa phòng và có tiếng người nói chuyện. Còn lại, 4 căn phòng khác thì trong tình trạng cửa đóng then cài. Một phòng khóa từ bên ngoài.
Lấy cớ là người tìm thuê nhà, tôi lân la vào căn phòng ngay đầu dãy để hỏi chuyện. Trong phòng là một gia đình nhỏ 3 người. Cô vợ vẫn đang là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học, anh chồng là phụ hồ, đứa con mới được 7 tháng tuổi. Cả hai vợ chồng đều quê Nam Định. Có vẻ như cô vợ đã phải tạm nghỉ học để sinh con. Trong căn phòng sơn màu xanh cũ kỹ và tối om, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, có tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ con. Cô vợ trẻ lắc đầu nguầy nguậy, xua tay khi tôi hỏi có phòng trống nào để thuê không.
Vừa dỗ con, cô vừa chỉ tay sang dãy phòng bên cạnh: "Chị đừng dại mà chuyển về cái khu tai tiếng này mà làm gì. Bọn em không kiếm được nhiều tiền nên cố mà chịu. Chứ ở đây mười phòng thì đến phân nửa là "gái gọi sinh viên" đấy chị. Thôi thì muôn nỗi khổ sở, đúng là lối sống quái dị, ngủ ngày cày đêm. Ban ngày thì đóng cửa im ỉm, nhưng đến tối, thôi thì tiếng xe máy rồ ga ầm ĩ, tiếng đập cửa, tiếng thì thào, tiếng cười nói, nhậu nhẹt đến khuya, chả để ai ngủ. Khổ lắm chị ạ!".
Tôi gặng hỏi: "Sao em biết đấy là gái gọi sinh viên?".
Cô vợ nhếch mép cười, giơ tay chỉ vào anh chồng đen đúa đang ngồi rít thuốc trong nhà: "Có thì mới nói chứ chị. Em sống cùng dãy, em còn lạ gì. Các cô ấy nhiều hôm ế khách, đi gạ gẫm hết cả khu này. Có thằng sinh viên mới năm nhất đại học, ngây ngô chả biết gì, bị mấy cô gái gọi xộc vào phòng gạ gẫm, gợi ý này nọ. Sợ quá phải chuyển đi rồi. Mà nói đâu xa, hồi em mang thai bé Bông, chồng em còn được mấy em ấy gạ gẫm đấy chị ạ. Còn quảng cáo: "Hàng xóm nên lấy rẻ cho!".
Tạm biệt đôi vợ chồng trẻ, tôi lân la tới chỗ bảo vệ trông xe hỏi chuyện. Cũng giống như phản ứng của đôi vợ chồng, bác bảo vệ già, lưng gù, tóc bạc phơ chép miệng: "Thuê nhà ở đây làm gì cho rước tai tiếng vào người hả cô. Tôi làm bảo vệ ở đây mấy chục năm, bao nhiêu lứa sinh viên đến rồi lại đi. Tôi biết có những cháu sinh viên có hoàn cảnh rất đáng thương, bố mẹ làm nông dưới quê không đủ tiền gửi lên để con cái trang trải, chúng đành nhắm mắt đưa chân. Môi trường sống thì trai gái lộm nhộm, thấy bạn bè cặp với ông này ông kia được cho tiền, cũng bắt chước theo. Rồi thành gái gọi lúc nào chả hay. Ở đây chuyện mấy bà vợ đến đánh ghen, hay dân xã hội được thuê đến rình rập khu trọ là chuyện "bình thường trên phố phường" rồi!".
Phòng trọ có thể biến thành nơi để sinh viên tụ tập ăn nhậu. |
Tôi tha thẩn bước lại dãy trọ lần nữa. Đột nhiên, một trong những cánh cửa gỗ sơn xanh bật mở. Trong nhà, một cô gái trạch 20 tuổi trong bộ đồ ngủ xộc xệch, tóc rối bù lao ra cửa. Cô cáu kỉnh chống nạnh hướng ra phòng bên cạnh chửi đổng, thôi thì bao nhiêu "lời hay ý đẹp" cứ xối xả tuôn ra. Tò mò lắng tai nghe thì tôi ngờ ngợ hiểu ra nguyên nhân. Dường như đó là những lời đe dọa, dằn mặt cho kẻ nào dám ăn trộm bộ đồ lót cô phơi trước cửa từ hôm qua, đến sáng nay thì tự dưng không cánh mà bay!
Nghe đến đây, tôi hoảng hốt quá. Vội vàng lẩn đi, kẻo có khi bị hiểu nhầm là kẻ trộm cũng nên!