(ĐSPL)- Người dân Việt đều biết tới truyện cổ tích Tấm Cám, nhiều người biết tới giếng Bống nhưng ít ai may mắn đặt chân đến vùng đất khởi nguồn của truyện cổ tích nổi tiếng này.
Điều ngạc nhiên, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với bao biến thiên thăng trầm thì giếng Bống vẫn được người dân bảo vệ và xem đó như một nguồn nước thiêng. Thật khó cắt nghĩa tại sao, nhưng với bao thế hệ người dân sống gần giếng Bống cho rằng nhà nào muốn sinh con trai thì thành tâm xin nước giếng Bống về uống sẽ được như ý.
Hồn cũ lâu đài bóng tịch dương
Chùa Dạm, nơi được xem là khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám nằm trên dãy núi Lãm Sơn (xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh) hiện chỉ còn là một phế tích. Trước đây, ngôi chùa này từng là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam từ thời Lý đến hết thời Nguyễn. Để lên được chùa Dạm, các phật tử phải vượt qua quãng đường ngoằn ngoèo và rất khó đi, đá lổm nhổm.
Chùa Dạm được xem một trong những ngôi chùa cổ nhất nước Việt nhưng lại đồ sộ và bề thế bậc nhất. Trong sử sách còn ghi lại, chùa Dạm tọa lạc tại sườn phía Nam thuộc dãy núi Lãm Sơn, khởi dựng từ năm 1086 và 9 năm sau mới hoàn thành. Chùa có 99 gian, trên tổng diện tích hơn 6.000m2, trên 4 cấp nền bậc thang cao 5 - 6m, mỗi cấp nền được kè đá, mỗi viên đá có diện tích 50x60cm2, lên xuống mỗi cấp nền gồm 25 bậc đá... chùa được xây trên nhiều tầng núi cao thấp khác nhau. Tầng trên cùng có đền thờ Nguyên Phi ỷ Lan, ngay tầng thứ hai có giếng Bống do bà ỷ Lan sai đào để nhắc nhở một thời thơ ấu nghèo khó của mình. Ngôi chùa này được chính Nguyên Phi ỷ Lan cho xây dựng. Để xây dựng được ngôi chùa với hàng ngàn phiến đá từ Hoa Lư (Ninh Bình) về, bà đã sai đào ngòi Con Tên nối với sông Hồng để vận chuyển đá bằng đường thủy và để tiện đường nhà vua mỗi lần về thăm bà. Cho đến lúc cuối đời bà đã về đây ăn chay niệm Phật đến lúc nhắm mắt.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để quân Pháp không lấy chùa làm đồn bốt, dân làng đã phá hủy hoàn toàn chùa. Ngày nay chỉ còn lại những dấu tích gồm các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung... tất cả đều được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo từ thời Lý. Đáng chú ý, mới đây các nhà khảo cổ học đã khai quật được một chuông cổ và một bát nồi hương hàng ngàn tuổi vẫn còn nguyên vẹn được người dân chôn dưới nền chùa sau khi đốt chùa. Hiện tất cả các hiện vật quý giá này được lưu giữ tại bảo tàng Bắc Ninh.
Cụ Nguyễn Thị Thủy (90 tuổi) bùi ngùi kể lại ngày mà cả dân làng đau xót tự tay cầm đuốc đốt ngôi chùa ngàn tuổi linh thiêng để phục vụ kháng chiến: "Trước khi đốt, tượng mẫu Nguyên Phi ỷ Lan và con trai là vua Lý Nhân Tông được gửi vào chùa Hàm Long bên cạnh. Cả hai bức tượng quý này ngày nay vẫn còn nguyên vẹn và xem như bảo vật của ngôi chùa. Vào năm 1947, để tránh việc quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến". Ai cũng tiếc nuối khi phải quyết định đốt chùa, chờ ngày yên bình sẽ phục dựng lại".
Gần bảy thập kỷ trôi qua, nhưng nhớ về ngày cả làng phải lau nước mắt nhìn chùa cháy, nhiều cụ già trong làng vẫn còn nhớ và kinh hãi trước một hiện tượng kỳ lạ. Ngôi chùa cháy ngùn ngụt trong mấy ngày vẫn chưa hết. Đến đêm thứ ba, có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng ai cũng kinh sợ không biết điều gì đang xảy ra và bảo nhau sau này nhất quyết phải phục dựng lại chùa. Hiện nay, trên nền ngôi chùa 99 gian hàng nghìn tuổi, người dân đã làm tạm ba gian nhà nhỏ để thờ cúng. Hẳn nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng trước cảnh hoang tàn, xung quanh cây cối ngút ngàn một màu xanh, xa xa núi Rùa, ngòi Con Tên gắn liền với mối tình của Nguyên Phi ỷ Lan với vua Lý Thánh Tông. Những lớp tường đá kỳ vĩ, chứng tích của một đại danh lam một thời vẫn bền bỉ bám chặt vào núi đá dựng đứng trơ gan cùng tuế nguyệt.
|
Giếng Bống với kiến trúc độc đáo miệng vuông đáy tròn, được ghép bằng hàng trăm phiến đá hàng ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. |
Sự kỳ lạ của giếng Bống
Chùa đã không còn như xưa, tuy nhiên hiện nay phật tử bốn phương vẫn nhớ đến chùa và nhiều người đã đến đây để cầu xin phúc đức, tài lộc. Đặc biệt, người dân ở đây còn kể cho nhau nghe về sự kỳ lạ của giếng Bống. Theo đó, nhiều người bảo uống nước giếng Bống sẽ sinh được con trai, còn người hiếm muộn sẽ có con nối dõi. Theo quan sát của chúng tôi, giếng Bống nằm ở độ cao lưng chừng núi, nước giếng lúc nào cũng đầy ắp, nước trong nhìn tận đáy. Thành giếng được kết từ hàng trăm phiến đá cổ, hình vuông, miệng giếng hình vuông nhưng đáy giếng lại tròn. Một biểu tượng của đất trời, âm dương hòa hợp. Tất cả chùa Dạm giờ chỉ còn phế tích, tuy nhiên giếng Bống thì được người dân khơi lại và bảo vệ một cách gần như nguyên vẹn.
Bà vãi Đỗ Thị Quyến (70 tuổi), người nhiều năm tình nguyện lên chùa quét dọn và hương khói đã kể lại nhiều câu chuyện kỳ diệu mà bà được chứng kiến cho chúng tôi nghe. Bà bảo, nước giếng Bống đã giúp dòng họ Trần ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cách đây bảy đời sinh con trai nối dõi. Bà Quyến kể rằng, ngày đó, cả dòng họ Trần không hiểu vì sao các trai trong họ lập gia đình chỉ sinh một bề toàn con gái, cả họ rất lo lắng. Nghe mọi người mách đến chùa Dạm, ở đó có giếng Bống rất thiêng, Trưởng tộc của dòng họ này đã đến chùa, thành tâm lễ Phật, cầu phước thánh mẫu và xin nước giếng Bống mang về. Như một phép màu nhiệm, sau lần đó, đàn ông dòng họ này uống nước giếng Bống đều sinh con trai, và cho đến nay đời nào cũng vậy, họ lại tìm đến giếng Bống xin nước thiêng và tạ lễ cảm ơn thánh thần. Đã hàng trăm năm qua, nhưng hễ cứ vào rằm tháng Giêng là họ Trần Thuận Thành lại kéo nhau về đây làm lễ tạ ơn.
|
Bà Đỗ Thị Quyến. |
Cũng theo bà Quyến, có một cặp vợ chồng hiếm muộn ở xã bên lấy nhau đã mấy năm mà không có con, đã đi khám chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không thể có con. Nghe người dân mách, hai vợ chồng nọ đã đến xin nước giếng Bống dâng lên thánh mẫu Nguyên Phi ỷ Lan cầu xin một đứa con trai. Không lâu sau, người vợ mang thai và sinh một đứa con trai kháu khỉnh, thông minh. Kể từ đó vợ chồng người nọ năm nào cũng đến chùa hương khói như một sự biết ơn.
Gắn liền với ngôi chùa Dạm, hay còn gọi là chùa Cô Tấm cũng giống như nhiều chùa ở vùng Kinh Bắc trước thờ Phật sau, thờ thánh Mẫu. Mà Mẫu ở chùa Dạm lại là cô Tấm trong sự tích Tấm Cám. Bên cạnh chùa là giếng Bống, nơi cô Tấm hàng ngày thả cơm cho bống ăn. Người ta bảo Nguyên Phi ỷ Lan chính là bà Tấm, từ cuộc đời của người con gái hái dâu nuôi tằm nghèo khó may mắn và tài năng đã đưa bà bước vào chốn cung cấm quyền quý... Chính từ thân phận và cuộc đời bà có phần nào giống với hoàn cảnh của cô Tấm trong truyện cổ tích "Tấm Cám".
Chưa có tài liệu nào nói về Nguyên Phi ỷ Lan, các tài liệu chỉ nêu chung chung rằng bà họ Lê, năm ỷ Lan 12 tuổi mẹ ốm nặng rồi mất, cha lấy mẹ kế, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà mồ côi sống với người mẹ kế. Trong truyện cổ tích nhân vật cô Tấm mẹ cũng mất sớm, mồ côi cha và sống với dì ghẻ, chính điều này khiến nhiều người liên tưởng có phải ỷ Lan chính là nguyên mẫu trong câu truyện cổ tích "Tấm Cám".
Thực hư thế nào rất khó chứng minh ông Ngô Đăng Xuất, Trưởng thôn Tự Thôn, xã Nam Sơn cho biết: "Chùa Dạm được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964, nhưng đến nay đã nhiều năm trôi qua mà chùa vẫn chưa được phục dựng tu bổ. Thực hiện chủ trương của Nhà nước tiêu thổ kháng chiến, người dân đã đốt chùa để giặc không có chỗ chiếm đóng, toàn bộ các hiện vật có giá trị đều được người dân bảo tồn và giữ gìn cho đến ngày nay. Nhiều câu chuyện về sự kỳ lạ, tâm linh khó tin của ngôi chùa ngàn tuổi được người dân truyền miệng và đồn thổi thực hư như thế nào khó có thể giải thích và chứng minh. Chuyện uống nước giếng Bống sinh con trai cũng vậy, có thể có người được như ý muốn, có người không, còn 100\% thì không ai dám chắc". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-khoi-nguon-truyen-co-tich-tam-cam-voi-gieng-bong-nghin-tuoi-a49825.html