(ĐSPL) - Ngày ngày, người mẹ già ấy nửa tỉnh nửa mê, ôm chiếc khăn từng quấn con, đi từ làng trên đến xóm dưới hát ru. Đêm mưa gió, bà lại đốt nhang, một mình vào rừng, miệng thì thào “phải tìm được mộ con”.
Nỗi ám ảnh chiến tranh đã đi theo bà Lê Thị Nghê (còn gọi Năm Nghê, 80 tuổi, ngụ thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) suốt 46 năm nay. Ông Trần Quang Tiến, trưởng thôn Linh Kiều nói với giọng kính trọng: “Bà là người từng tự tay chôn sống con. Vì ám ảnh đó mà mấy mươi năm qua, bà sống không ra sống, cứ điên dại nửa tỉnh nửa mê. Có đêm nhớ con, bà Nghê băng sông, mang nhang đi khắp rừng khấn vái tìm kiếm”.
Một bà mẹ Việt Nam cùng với con vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. (Ảnh của tác giả Kyoichi Sawada chụp tại Quy Nhơn năm 1965). Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Thông tin trên tờ Baophapluat.vn cho hay vào tháng 10/1969, Mỹ rải thảm bom xuống tàn phá vùng đất anh hùng Quảng Nam. Thôn nghèo Trà Linh, xã Quế Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam (sau giải phóng đổi tên thành thôn Linh Kiều, thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức như bây giờ) nằm ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được coi là chiếc nôi cách mạng, một vùng luôn là tâm điểm để Mỹ càn quét.
Bà Nghê một tay bế người con trai mới ba tháng tuổi và một tay dắt con gái Lê Thị Liên (4 tuổi) đi cùng với 200 người dân thôn Linh Kiều, theo cán bộ và du kích vào ẩn náu trong hang Hòn Kẽm. Giặc cho pháo bầy, đại liên, máy bay, tàu chiến... vãi đạn vào núi dọn đường để mở cuộc tìm kiếm tàn sát dân làng.
Một ông lão chừng 70 tuổi, hàng xóm của bà Nghê cho biết: “Bà Năm Nghê mới sinh con được ba tháng, chồng vừa chết mấy ngày trước vì trúng bom B52 nên nhà chẳng có khoai bắp gì. Thời gian đầu, bà Nghê còn được giúp đỡ, về sau ai cũng hết lương thực, cũng đói khát, nhất là bọn trẻ”.
Bà Nghê không có gì bỏ bụng nên đứa bé mới ba tháng tuổi cũng đói quay quắt sữa. Ngày đêm đứa trẻ khóc thét, dỗ kiểu gì cũng không chịu nín. Đêm 8/10/1969, trời vẫn mưa, tiếng súng giặc lùng sục ngày một gần, tiếng trẻ càng ngằn ngặt khóc vọng ra phía ngoài hang. Hàng trăm gương mặt hốc hác toát lên nỗi lo sợ, bàng hoàng hướng mắt về phía mẹ con bà Năm Nghê. Thiếu phụ ôm chặt núm ruột đang ngằn ngặt khóc vào lòng, rồi ôm con bò lên khỏi miệng hang. Mặc cho mưa rơi hòa lẫn nước mắt, bà dùng hai tay móc đất ướt lạnh chôn đứa con.
Dưới ánh chớp của đạn pháo sáng, người mẹ vẫn gạt nước mắt xóa dấu mặt đất. Vừa kịp tiếng lao xao của giặc tới gần, bà lao vào hang, cắn bật máu môi để không bật ra tiếng khóc.
Sau đêm buộc phải chôn sống con, người mẹ thường xuyên u uất, sinh bệnh tật, sức khỏe yếu dần. Được biết, gia đình bà có tám anh em, thì bảy người đều chết do trúng đạn B52. Chồng mất, anh em cũng đều thiệt mạng, trong căn nhà tạm bợ, cuộc sống của mẹ con bà Nghê luôn dưới mức nghèo khổ.
Bà Năm Nghê đốt nhang đi trong rừng cầu khấn. |
Con gái bà lớn lên rồi kết hôn với một người làng bên cùng cảnh túng bấn. Sinh liền năm đứa con nên vợ chồng con gái bà vô cùng khó khăn. Họ đành kéo nhau lên tận bãi vàng làm thuê để lại bà Nghê sống lủi thủi trong căn nhà tạm bợ. Nỗi cô đơn và ám ảnh giết con khiến bà mê tỉnh lẫn lộn. Trước tình cảnh trên, vợ chồng con gái đưa bà về sống cùng rồi cắt cử nhau người đi làm, người ở nhà trông mẹ. Thời gian sau, các cháu lớn dần, phụ giúp thêm việc canh giữ, nhưng vẫn không cản được bước chân của bà lão. Bà hóa điên, ngày ngày ôm chiếc khăn từng quấn con trai ngày xưa, đi khắp làng trên xóm dưới hát ru. Đêm mưa gió, bà lại đốt nhang, một mình vào rừng miệng thì thào “phải tìm được mộ con”.
Cứ sau mỗi lần lang thang như vậy, bà lại đau một trận thừa sống thiếu chết, hết tai biến, đến gãy tay chân, nhiều khi nằm viện cả tháng trời. Để an lòng mẹ, mới đây gia đình được các đoàn thể giúp đỡ góp ba triệu đồng xây ngôi mộ gió trước cửa hang núi Hòn Kẽm. Nhiều lần con gái làm đơn xin trợ cấp cho mẹ, nhưng ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp đều trả lời “không biết xếp bà Nghê vào diện chính sách gì”.
Những nỗi đau chất chồng Trên mảnh đất hình chữ S này, hàng triệu bà mẹ đã rơi vào cảnh đau đớn khi bị mất con, mất chồng, mất anh em sau cuộc chiến tranh như bà Nghê. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều mang nỗi đau thương tận cùng. Cũng tại mảnh đất Quảng Nam anh hùng, mẹ Nguyễn Thị Thứ cũng đã phải nhận giấy báo tử của chín người con ruột, một con rể và một cô cháu ngoại, lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. |
MINH TRANG
Xem thêm Clip gây bức xúc: Con trai bất hiếu cổ vũ bạn gái... đánh mẹ đẻ