Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) vừa cấp cứu liên tiếp 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng do bình gas phát nổ.
Trường hợp của nam bệnh nhân T.V.C. (18 tuổi, ở TP.Sông Công, Thái Nguyên) đa chấn thương do nổ bình gas 12kg khi đang nấu ăn.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, glasgow 12 điểm, đồng tử đều 2mm có phản xạ, đa vết thương phần mềm phức tạp: Vết thương nông vùng cổ kích thước 10x10cm, vết thương nông ngực bụng thành bụng kích thước 3x4 cm, vết thương đuôi mắt phải 3x3 cm và nhiều vết thương khác ở tai, cằm, cánh tay, đùi, bàn tay dập nát,...
Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, bơm rửa nhiều lần; lấy dị vật bẩn, tổ chức da, cơ đụng dập; cố định khớp, đặt dẫn lưu, theo dõi đụng dập phổi do chấn thương áp lực.
Nổ bình gas khi nấu ăn, hai người phải nhập viện cấp cứu. (Ảnh minh họa) |
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân H.C.L. (21 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) vào viện ngày 3/1 trong tình trạng dập nát bàn tay trái, búp ngón xẹp băng thấm máu.
Bệnh nhân L. cho biết khi đang ăn lẩu cùng mọi người thì bất ngờ bình gas mini phát nổ. L nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu, cắt cụt cẳng tay trái, thay băng, truyền dịch, dùng kháng sinh.
Sau mổ, bệnh nhân L. tỉnh táo, huyết động ổn, bệnh nhân được hồi sức truyền máu, dùng kháng sinh, thay băng và xử lý vết thương. Dự kiến, bệnh nhân có thể ra viện sau 3-5 ngày phẫu thuật.
Các bác sĩ khuyến cáo, bình gas phát nổ dễ gây thương tích. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong sử dụng gas, người dân nên tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách mua bình gas và phụ kiện (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh có uy tín. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra bình gas ở nhà.
Đối với bình gas mini, nên sử dụng loại bình có nhãn mác và chỉ sử dụng một lần, sau đó vứt bỏ vì tái sử dụng không an toàn.
Nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp khó đánh lửa, tốt nhất không nên sử dụng bởi những bếp gas như trên rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ.
Việt Hương (T/h)