+Aa-
    Zalo

    Ninh Thuận đang trải qua hạn hán khốc liệt nhất 2 thập kỷ qua

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống.

    (ĐSPL) - Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống.

    Công bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán

    Theo tin tức trên báo Dân Trí, lần đầu tiên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định công bố khẩn về tình trạng hạn hán trong toàn tỉnh vào ngày 9/6 vừa qua.

    Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã trải qua gần 18 tháng bị nắng nóng gay gắt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là đợt hạn hán được xem là khốc liệt nhất tỉnh Ninh Thuận phải gánh chịu trong hơn 2 thập kỷ qua.

    Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống. Hoa màu bị thiệt hại nặng nề, hơn 2.000 ha đất phải tạm ngưng sản xuất, trong khi đó, hạn hán kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn đàn gia súc thiếu nước uống, gần 500 con bị chết do suy kiệt...

    Những đàn bò trơ  xương vì đói khát ở  huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).

    Trước tình trạng trên, Chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp 172 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo cho tỉnh Ninh Thuận khắc phục hạn hán và cứu đói, cứu khát cho dân.

    Đồng thời, trong ngày 10/6 vừa qua, Đoàn công tác của Quân khu 5 do Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính uỷ Quân khu 5 dẫn đầu đã đến tỉnh Ninh Thuận trao quà và hỗ trợ đồng bào nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn trong đợt hạn hán nghiêm trọng lần này.

    Trao đổi với báo giới, Thiếu tướng Trần Quang Phương cho biết: "Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định trích 1,5 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ thiên tai của Quân khu để mua 3000 suất quà tặng cho bà con, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm thiết yếu."

    Chia sẻ thêm, Thiếu tướng Trần Quang Phương còn cho biết: "Trước đó, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã cấp 5.000 mét khối nước cho 1280 hộ dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế và sắp tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh việc cấp nước miễn phí này cho bà con của tỉnh. Có thể nếu xã Phước Trung nắng hạn nặng nữa thì xe lọc nước của Quân khu 5 sẽ về phục vụ cho bà con."

    Trong khi đó về phía tỉnh Ninh Thuận cũng đã có 3 đợt hỗ trợ gạo cho bà con vùng hạn hán, một tháng, một nhân khẩu được 15 kg gạo, hỗ trợ trong vòng 3 tháng.

    Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đợt hạn hán lần này ở Trung bộ sẽ kéo dài đến tháng 9.

    [mecloud]slr8PIloIW[/mecloud]

    Hạn hán không phải do thủy điện?

    Theo báo Dân Việt, tại phiên chất vấn các Bộ trưởng ngày 11/6, nhiều ĐB đã đặt câu hỏi, tình trạng hạn hán ở Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là do đâu, liệu có phải do việc chúng ta làm quá nhiều thủy điện hay do chặt phá rừng, dẫn tới suy giảm diện tích rừng. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận: “Có lẽ đối với người dân Ninh Thuận chưa bao giờ hạn hán gay gắt như năm nay, trong 20 năm công tác, tôi cũng chưa bao giờ thấy hạn hán gay gắt đến như vậy ở Ninh Thuận. Trong 2 năm rồi gần như không có mưa, có nơi 4 vụ không gieo cấy, vụ hè thu này hơn 10.000ha sẽ tiếp tục không thể gieo cấy được”.

    Nói về nguyên nhân dẫn đến hạn, ông Phát cho rằng, trước hết là do El Nino, năm nay El Nino đang bao chùm khu vực của chúng ta nên mưa gió rất thất thường và nắng nóng rất cực đoan. Trước tình hình này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải lường đến tình huống có thể còn xấu hơn, nặng nề hơn, nên chúng ta phải tính những bài toán căn cơ trước mắt và lâu dài. “Ở Ninh Thuận cho thấy, hồ Sông Trâu, Sông Sắt dung tích 60 triệu m3, nhưng có thể không có nước hoặc có rất ít nước, bởi vì rừng ở trên cũng đã suy kiệt, những nơi nào rừng tốt thì hồ nhỏ cũng có nước, những nơi nào không có rừng, hồ lớn không có nước. Vì thế, nên hai việc xây dựng hồ chứa và bảo vệ phát triển rừng phải đi đôi với nhau”- ông Phát nói.

    Còn về thủy điện có phải là nguyên nhân dẫn đến hạn ở Ninh Thuận và các tỉnh, ông Phát cho rằng: “Một nửa tỉnh Ninh Thuận canh tác nhờ nước từ thủy điện ở trên Lâm Đồng chảy xuống. Nếu không có thủy điện đó, thì một nửa tỉnh Ninh Thuận không thể gieo cấy, nên ở đây chúng ta cũng phải nhìn thấy hai mặt của vấn đề, chứ thủy điện không làm mất nước ở trên. Vừa qua chúng ta cũng đã rà soát và có những chủ trương về vấn đề này, nhưng theo tôi không phải thủy điện gây nên hạn hán mà ngược lại”.

    Về các giải pháp lâu dài, ông Phát cũng cho biết, chúng ta phải hỗ trợ nhân dân để chuyển đổi cây trồng. “Rõ ràng là không thể trồng lúa thì phải trồng các loại cây trồng chịu hạn như đậu, đỗ, ngô- những nơi nào trồng được thì hỗ trợ cho nhân giống và Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 532 tỷ đồng cho các địa phương để các địa phương thực hiện các biện pháp chống hạn và hỗ trợ nhân dân, những nơi nào nhân dân nhiều vụ không sản xuất, không có gạo thì hỗ trợ gạo. Từ đầu năm đến giờ Chính phủ đã quyết định cấp 13.000 tấn gạo về cho các địa phương, trong đó có các địa phương bị hạn”- ông Phát cho biết thêm.

    KIM THÀNH(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ninh-thuan-dang-trai-qua-han-han-khoc-liet-nhat-2-thap-ky-qua-a98407.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.