(ĐSPL) - Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy chiếc máy bay mất tích đã nổ tung, rơi xuống biển hay có liên quan đến các tổ chức khủng bố.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của MAS khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6 giờ 30 phút sáng 8/3 giờ địa phương (tức là 22 giờ 30 phút ngày 7/3 theo giờ GMT). Tuy nhiên, chiếc máy bay chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tín hiệu vào lúc 2 giờ 40 sáng 8/3.
Hôm 8/3, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn thông tin từ Cơ quan thực thi hàng hải nước này cho biết họ đã tìm thấy một vết dầu loang lớn ở khu vực Tok Bali, ngoài khơi quần đảo Kelantan khoảng 100 hải lý. Các nhà chức trách nước này đã cho lấy mẫu dầu mang đi phân tích.
Tuy nhiên, Đô đốc Hải quân Datuk Nasir Adam, phụ trách vùng phía Đông của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) nói với báo chí từ trụ sở: "Kết quả phân tích là âm bản, các mẫu không phải là của MH370. Các mẫu đó thực ra là từ một chiếc tàu thủy”.
Ngày 9/3, Sở chỉ huy của Trung tâm Hiệp đồng Điều hành bay - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, máy bay C130 của Singapore có thông báo về rằng phát hiện được 1 vật thể lạ giống xuồng phao cứu sinh có màu xám sọc đỏ, xanh nước biển tại tọa độ 08.16.05 N, 102.51.11 E, cách đảo Thổ Chu 140km về hướng Tây Nam. Phía Singapore cũng đã báo tin này cho Malaysia. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 3 đã điều 2 tàu, HQ2003 và SAR 1 đến điểm nghi vấn.
Ảnh vật thể nghi của máy bay mất tích được máy bay Việt Nam phát hiện lúc 19h. Ảnh do đoàn bay cung cấp |
Lúc 15h20, tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130km về phía Tây Nam.
Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia Việt Nam cho biết, vật thể vừa được tàu HQ 637 vớt được không liên quan đến máy bay mất tích, vật thể đó là một cuộn cáp đã mọc rêu.
Theo thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, vào lúc 16 giờ 30 phút chiều 10/3, Sở chỉ huy nhận được thông báo từ Cơ quan kiểm soát không lưu của Hongkong (Trung Quốc) cho biết một máy bay thương mại của Hongkong khi bay qua khu vực biển ngoài khơi TP Vũng Tàu đã phát hiện nhiều mảnh vỡ trôi nổi trên mặt biển.
Những mảnh vỡ trôi nổi trên biên do một máy bay thương mại của Hongkong phát hiện thấy |
Phía Hongkong đề nghị Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam thông báo cho các lực lượng, tổ chức tìm kiếm. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng đã cử 1 tàu tìm kiếm cứu nạn (SAR) khẩn trương cơ động tới khu vực mà máy bay Hongkong phát hiện những mảnh vỡ trôi trên biển.
Lúc 19 giờ tối 10/3, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu, cho biết ngay khi nhận được tin báo mảnh vỡ trôi trên biển, 1 tàu container của Thái Lan trong hành trình từ Nam - Bắc đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 17 giờ 30 đến 18 giờ nhưng không thấy những mảnh vỡ. Theo nghi ngờ của Cảng vụ Vũng Tàu, đó có thể là mảnh xốp hoặc ni lông do ngư dân đánh bắt tại khu vực này để lại.
Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không tối 10/3 đã thống nhất kế hoạch tìm kiếm trong ngày 11/3. Theo đó, việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng về phía Đông Bắc biển Việt Nam, mở rộng thêm 20.00 km2. Trong đó, diện tích hướng về phía Biển Đông là 15.000 km2, khu vực đảo Phú Quốc là 5.000 km2.
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy liệu chiếc máy bay mất tích đã nổ tung, rơi xuống biển cũng như liệu chiếc máy bay có liên quan đến các tổ chức khủng bố hay không. Nỗi lo về khả năng máy bay bị chiếm quyền kiểm soát xuất hiện khi nhà chức trách Malaysia phát hiện ít nhất hai hành khách lên máy bay với tấm hộ chiếu mang tên người khác, một đến từ Italy và hộ chiếu còn lại mang quốc tịch Áo.
Minh Anh (Tổng hợp từ TTVH, Người Lao Động)