Là một nhân vật trí dũng kiệt xuất, Tào Tháo đã vô cùng thành công khi đạt được những thành tựu nổi bật về văn học, quân sự, chính trị và tài dùng người.
Về văn hóa, Tào Tháo đã góp phần khai sáng văn học Kiến An trong khoảng thời gian từ cuối triều Đông Hán đến đầu triều Tào Ngụy, được đánh giá là giai đoạn quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Về quân sự, Tào Tháo rất thích chú giải binh pháp, bộ Binh pháp Tôn Tử được lưu truyền đến nay đều là chú giải của Tào Tháo. Ông còn tạo ra các kỵ binh cưỡi hổ báo trong quân đội, đặt nền tảng cho việc bình định phương Bắc và thống nhất toàn bộ đất nước.
Về quản lý hành chính, ông thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện chế độ đồn điền, trấn an dân lưu vong chạy loạn...
Tất cả những thành tựu đáng nhớ này giúp Tào Tháo gần như đã trở thành một vị hoàng đế anh minh lưu danh muôn đời. Tuy nhiên, đáng tiếc là Tào Tháo cuối cùng vẫn không thể thống nhất Trung Quốc.
Trận Xích Bích: Chủ quan khinh định
Trận Xích Bích diễn ra trong hoàn cảnh phương Bắc căn bản đã ổn định, Kinh Châu bị công chiếm, Lưu Bị buộc phải chạy trốn, chính quyền Tôn Ngô ở Giang Đông đang trong thế bấp bênh.
Từ lá thư Tào gửi cho phe Đông Ngô khi đó cũng có thể nhận thấy, bản thân ông tin chắc lần này mình có thể thâu tóm vùng Giang Đông.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được Kinh Châu, việc Tào Tháo thuận đà tấn công Giang Đông quả thực quá liều lĩnh.
Lúc này, mưu sĩ của ông là Giả Hủ đã không dưới một lần khuyên can quân chủ. Bởi vào thời điểm ấy, việc Tào Tháo nên làm là trấn an quan viên và dân chúng Kinh Châu, chờ đến lúc khôi phục lại nguyên khí rồi mới tính đến mưu đồ với Giang Đông.
Tuy nhiên một kẻ "lắm mưu nhiều kế" như Tào lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi nhận định về tập đoàn chính trị của Tôn Quyền. Ông đã đánh giá thấp quyết tâm, năng lực của Giang Đông, đồng thời coi nhẹ dã tâm của vị quân chủ họ Tôn – một người vốn không hề thua kém so với Viên Thiệu.
Trước đó, châu mục Kinh châu Lưu Tông sở dĩ đầu hàng là vì muốn giữ mình giống như Lưu Biểu. Song gia tộc họ Tôn từ Tôn Kiên, Tôn Sách cho tới Tôn Quyền đều là những người nuôi hùng tâm tráng trí, vốn không thể đánh đồng với Lưu Tông.
Thả cho Lưu Bị rời khỏi Tào doanh
Tào Tháo còn phạm phải một sai lầm khác cũng bắt nguồn từ hai chữ "khinh địch". Đó là ông đã đánh giá thấp Lưu Bị.
Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", ai cũng ấn tượng với trích đoạn kinh điển uống rượu luận anh hùng của Tào Tháo và Lưu Bị. Đó là một "ván cờ cân não" mà mỗi bước đi của hai cao thủ đều ẩn đầy mưu chước hung hiểm.
Bối cảnh của ván cờ này là Lưu Bị lúc đó đang thân cô thế cô, bị thất thế nên buộc phải nương nhờ trong quân doanh Tào Tháo. Trong lúc rượu ngà ngà say, Tào Tháo từng nói: "Anh hùng thiên hạ luận ra chỉ có ta và sứ quân thôi. Binh khí của ngài không phải hai thanh kiếm, một thanh là chữ Nhân, một thanh là chữ Nghĩa. Có hai thanh kiếm này còn không phải anh hùng sao?!".
Từ câu nói này, ai cũng có thể nhận ra Tào Tháo đánh giá rất cao về Lưu Bị, cho dù suốt thời gian đó, Lưu Bị luôn giả vờ làm vườn cuốc đất chứ không ôm chí lớn trong lòng.
Vốn đề phòng Lưu Bị, nhiều mưu sĩ của Tào Tháo đã khuyên ông nên giết ngay Lưu Bị để diệt trừ hậu hoạn. Đến vị đệ nhất quân sư Quách Gia cũng ý kiến cho rằng Tào Tháo nên tiếp tục "giam lỏng" Lưu Bị như thế cả đời, không được để hắn đi.
Tuy nhiên, Tào Tháo lại đưa ra quyết định sai lầm khi dễ dàng để Lưu Bị rời đi cùng 10.000 quân cùng toàn bộ các chiến tướng và gia quyến.
Đây chính là cơ hội lớn không chỉ giúp Lưu Bị thoát thân mà còn phát triển lớn mạnh, trở thành địch thủ đáng gờm của Tào Tháo sau này, tạo nên bản Tam Quốc Diễn Nghĩa đồ sộ suốt trăm nay.
Nếu không có sự tham gia của Lưu Bị tạo thành thế vạc ba chân kiềm kẹp lẫn nhau, rất có thể Tào Tháo và Tôn Quyền đã phân định thắng thua, trở thành người thống nhất toàn bộ Trung Quốc rộng lớn. Cho nên, thả Lưu Bị rời đi chính là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất cuộc đời Ngụy Vương.
Trận Hán Trung: Do dự trước kẻ thù
Trận Hán Trung cũng có thể coi là một bước ngoặt trọng yếu khác dưới thời Tam Quốc. Trong cuộc chiến này, nhân vật được ông trời xem trọng như Tào Tháo lại một lần nữa có được cơ hội thống nhất thiên hạ. Chỉ tiếc rằng, ông vẫn không nắm được cơ hội ấy.
Bấy giờ, Trương Lỗ đầu hàng là thời cơ có một không hai để quân Tào tiến vào đất Thục. Hơn nữa, Lưu Bị mới giành được Ích Châu không lâu, căn cơ chưa vững.
Khi đó, nếu Tào Tháo dựa vào ưu thế Hán Trung để mưu đồ Tây Xuyên thì Lưu Bị chưa chắc đã có thể ngăn cản. Thế nhưng bài học thua đau từ trận Xích Bích đã khiến vị quân chủ họ Tào do dự và bác bỏ đề nghị tiến vào đất Thục từ phía Tư Mã Ý. Huống hồ lúc đó Lưu Bị đã về Kinh Châu, Tôn Quyền bất kỳ lúc nào cũng có thể xâm phạm biên giới.
Ở vào thời điểm ấy, Tào Tháo bấy giờ đã hơn 60 tuổi. Ông đã không còn dám đánh cược với thời thế, lựa chọn phương án an toàn để từ từ mưu đồ.
Chỉ 4 năm sau, Hán Trung bị Lưu Bị đoạt mất. Hai năm sau đó, Tào Tháo cũng qua đời trong sự nuối tiếc vì đại nghiệp chẳng thành.
Không giết Tư Mã Ý
Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền tranh đấu ròng rã suốt mấy thập kỷ nhưng đến cuối cùng, kẻ giành thắng lợi lại là Tư Mã Ý và gia tộc Tư Mã của ông ta. Trên thực tế, với bản tính đa nghi, Tào Tháo đã nhìn thấu dã tâm của Tư Mã Ý từ lâu.
Trước khi qua đời, ông để lại lời dặn dò cho con trai Tào Phi rằng: "Tư Mã Ý là kẻ không cam chịu làm thần, tất sẽ can dự vào việc lớn nhà ta". Quả nhiên sau đó Tư Mã Ý dần lộ ý định làm phản của mình.
Trên thực tế, cuộc đời khó mà lường trước được điều gì. Tuy đã chú ý và cảnh giác Tư Mã Ý, Tào Tháo lại không thể ngờ Tào Phi đoản mệnh đến thế, chỉ tại vị 6 năm đã qua đời.
Sau khi Tào Phi qua đời, Tào Duệ và Tào Phương lại không hề hiểu thấu lời nhắc nhở của Tào Tháo. Đến cuối cùng, trong thời điểm Tào Phương tại vị đang đi tảo mộ, Tư Mã Ý lập tức phát động cuộc chính biến, khống chế quân đội ở kinh thành, tiêu diệt gia tộc họ Tào và nắm giữ chính quyền, sau này lập ra nhà Tấn.
Nếu trước khi chết, Tào Tháo tìm cơ hội "xử lý" Tư Mã Ý ngay từ khi phát hiện ra dã tâm to lớn của hắn ta, liệu kết quả của Tam Quốc có còn là "ba nhà chia Tấn" nữa hay không?
Rõ ràng Tào Tháo từng nói "Thà ta phụ cả thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta", chứng tỏ bản chất Ngụy Vương không phải là người nhân từ độ lượng, thế nhưng đến cuối cùng, ông lại nương tay với Tư Mã Ý, để rồi tạo thành sai lầm tai hại thứ hai, thay đổi toàn bộ bố cục phân chia quyền lực của thời Xuân Thu.
Có lẽ chính đạo dùng người và sự khao khát nhân tài của Tào Tháo là một trong những nguyên nhân khiến ông phạm sai lầm.
Mộc Miên (T/h)