Lá tía tô không chỉ là loại gia vị mà còn là một vị thảo dược tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng uống được loại nước này. Vậy, ai không nên uống nước lá tía tô?
Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc đối với người dân Việt. Giá trị dinh dưỡng của lá tía tô rất cao, bao gồm nhiều dưỡng chất quan trọng như đạm, canxi, sắt, tinh bột, chất xơ, phốt pho, vitamin C.
Công dụng của lá tía tô đối với sức khỏe
Làm đẹp da
Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng
Chống lại tác nhân gây bệnh hô hấp
Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Phòng bệnh ung thư
Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.
Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch
So với nhiều loại dầu thực vật khác thì dầu hạt tía tô chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic hơn cả. Vậy lá tía tô có tác dụng gì trên phương diện này? Axit omega- 3 rất tốt với kiểm soát tình trạng tự miễn dịch như hen suyễn, lupus và viêm khớp dạng thấp.
Bệnh nhân bị hen suyễn có thể đáp ứng điều trị bằng dầu hạt tía tô tương đối tốt, vì đây là dược liệu có thể ức chế co thắt đường thở và phản ứng với chất kích thích bị hít phải.
Không những thế, dầu hạt tía tô còn ức chế sự di chuyển của tế bào bạch cầu đến phổi, ngăn ngừa nguy cơ sốc phản vệ - đáp ứng miễn dịch bất thường với mức độ nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng khi không được cấp cứu ngay.
Chữa bệnh về da
Uống nước lá tía tô có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa, mề đay trên da. Việc dùng loại nước này hàng ngày đặc biệt hiệu quả với việc đẩy lùi các triệu chứng buồn bực, ngứa ngáy ở người bị nổi mề đay.
Hỗ trợ giảm cân
Nước từ lá tía tô nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.
Những người không nên uống nước lá tía tô
Người đang bị cảm nóng
Theo y học cổ truyền, lá tía tô vị cay tính ấm. Do đó những người đang bị cảm nóng cần sử dụng thận trọng kẻo khiến cơ thể thêm bức bối, khó chịu.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai thường được khuyên uống nhiều nước lá tía tô để quá trình sinh sản dễ dàng hơn. Tuy nhiên lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cảnh báo đến nay chưa có nghiên cứu chứng minh nước lá tía tô giúp phụ nữ dễ sinh hơn, thậm chí điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Cơ thể phụ nữ mang thai vốn nóng hơn người bình thường, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Hơn nữa, việc lạm dụng lá tía tô có thể khiến cho phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ.
Phụ nữ mang thai có thể uống nước lá tía tô để hỗ trợ trị cảm cúm, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng sử dụng.
Người bị dị ứng với tía tô
Có một số trường hợp bị dị ứng với lá tía tô mà không hề biết. Do đó trước khi sử dụng số lượng lớn bạn nên uống một lượng nhỏ tía tô. Nếu sau 24h không thấy có phản ứng bất thường thì mới nên tiếp tục sử dụng với liều lượng tăng dần. Ngoài ra, cần đảm bảo mua được loại tía tô sạch, không có hóa chất để giữ an toàn cho sức khỏe.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên uống lá tía tô trong thời gian dài, nên uống cách ngày. Uống quá nhiều trong thời gian dài sẽ khiến bụng bị đầy hơi khó tiêu, ảnh hưởng huyết áp.
Tác hại của lá tía tô nếu dùng quá nhiều
Uống nước lá tía tô quá nhiều trong một thời gian dài có thể khiến bạn bị tăng huyết áp và ảnh hưởng tới hệ tim mạch.
Việc tăng huyết áp cũng rất nguy hiểm nếu như bà bầu hoặc trẻ nhỏ sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Xảy ra các phản ứng xấu với cơ thể trong trường hợp người dùng bị dị ứng với một số thành phần trong nước lá tía tô.
Như Quỳnh (T/h)