Sau 9 ngày nỗ lực tìm kiếm hơn 1.000 thành viên lực lượng cứu hộ Thái Lan, 30 binh sĩ Mỹ cùng các chuyên gia nước ngoài đã tìm thấy đội bóng mắc kẹt tại hang động Tham Luang.
Lực lượng cứu hộ đã triển khai hoạt động tìm kiếm từ ngày 24/6, ngay sau khi phát hiện xe đạp cùng giày đá bóng của đội tại miệng hang Tham Luang. Lực lượng cứu hộ đã thiết lập một căn cứ sâu bên trong lối vào hang cuối tuần trước.
Đội tìm kiếm gồm các chuyên gia nước ngoài như Australia, Anh, Nhật và Trung Quốc, cùng hơn 30 binh sĩ Mỹ tham gia và khoảng 1.000 thành viên lực lượng cứu hộ Thái Lan.
Quá trình cứu hộ đã diễn ra hết sức khó khăn do mưa lớn liên tục khiến hang động bị ngập, các thợ lặn đã nhiều lần tiếp cận được gần khu vực nghi là đội bóng và huấn luyện viên tạm trú ẩn nhưng chưa thể tiến vào sâu do nước dâng quá cao và chứa nhiều bùn đất. Chính quyền địa phương đã tiến hành hút bớt nước trong hang ra, cũng như ngăn không cho nước bên ngoài chảy vào hang.
3 chuyên gia của Anh - những người tìm thấy đội bóng đầu tiên
Từ trái qua phải: Richard Stanton, Robert Harper và John Volanthen chuẩn bị đồ nghề khi tới hang Tham Luang để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt - Ảnh: Getty Images |
Theo Hội đồng Giải cứu Hang động Anh, cơ quan chuyên phụ trách các hoạt động tình nguyện giải cứu dưới lòng đất, 2 thợ lặn John Volanthen và Richard Stanton đã được chính phủ Thái Lan mời tới cùng một chuyên gia khác về hang động cũng mang quốc tịch Anh là Robert Harper. Cả 3 đã tới Thái Lan 3 ngày sau khi đội bóng bị phát hiện mất tích trong hang.
Theo Thiếu tá Thái Lan Buncha Duriyapan, cả 3 chuyên gia người Anh đã bắt tay vào làm việc ngay sau khi đặt chân tới khu vực tìm kiếm. Volanthen, Stanton và Harper đã mang theo bộ đồ nghề đặc biệt, bao gồm các bộ đàm chuyên dùng trong hang do Tổ chức Giải cứu Hang động Derbyshire (DCRO) cung cấp, khi vào hang giải cứu đội bóng bị mắc kẹt. Trả lời câu hỏi của BBC trước khi tiến vào hang Tham Luang, ông Volanthen nói rằng: “Chúng tôi có một công việc cần phải làm”.
Theo Dailymail, Richard Stanton, Robert Harper và John Volanthen đã trở thành những người hùng khi mở đường trong hang Tham Luang và tìm thấy đội bóng mắc kẹt sau 9 ngày. Họ là những chuyên gia quốc tế về khám phá các hệ thống ngầm dưới lòng đất, cả 3 người được mời tới hang Tham Luang vì họ “là những người giỏi nhất” trong lĩnh vực này.
[presscloud]3167[/presscloud]
Đoạn video do Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan công bố cho thấy các thợ lặn người Anh đã trò chuyện với các thành viên của đội bóng ngay khi họ tìm thấy vị trí của những người bị mắc kẹt.
Một trong những thợ lặn chiếu đèn pin vào mặt của những bé trai đang ngồi và kêu gọi các em bình tĩnh. Ông đảm bảo "nhiều người đang đến... các chú là những người đầu tiên".
Các thiếu niên không biết họ đã mất tích bao nhiêu ngày. "Hôm nay là ngày nào?", một thiếu niên hỏi. "Các chú đến giúp cháu ngày nào?". "Thứ hai. Một tuần và thứ hai", một người đằng sau ống kính máy quay nói. "Các cháu đã ở đây 10 ngày. Các cháu rất mạnh mẽ, rất mạnh mẽ".
"Hải quân sẽ đến vào ngày mai, mang theo thực phẩm, bác sĩ và mọi thứ. Các cháu có đèn không? Chúng tôi sẽ cho các cháu thêm đèn".
Một trong các bé nhận ra máy quay và nghe thấy những từ tiếng Anh nhưng không hiểu ngay. Bé nói tiếng Thái: "Ồ, họ muốn chụp ảnh; hãy nói với chú ấy chúng ta đang đói. Em chưa có gì ăn cả". Bé trai sau đó nói tiếng Anh: "Ăn, ăn, ăn". Một giọng nói đáp lại bằng tiếng Thái, cho biết ông đã yêu cầu lực lượng cứu hộ thực hiện.
1.000 thành viên lực lượng cứu hộ Thái Lan
Đặc nhiệm Thái Lan vận chuyển trang thiết bị vào hang ngập nước để giải cứu đội bóng mắc kẹt. - Ảnh: Bangkok Post. |
Đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch này chính là đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan, lực lượng có kỹ năng và trang bị tốt để tiến hành cứu nạn trong hang ngập nước.
Đặc nhiệm SEAL của hải quân hoàng gia Thái Lan là tên thường gọi của Đơn vị Tấn công Phá hủy Dưới nước, gồm 144 người. Đơn vị được thành lập vào năm 1956 với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Thái Lan muốn có một đội tấn công dưới nước sau khi nhìn vào thực tế rằng trong Thế chiến II, hải quân của cả phe Trục và Đồng minh đã sử dụng các lực lượng chiến tranh đặc biệt để phá hủy tàu bè, công trình đối phương cũng như tiến hành các nhiệm vụ phá hoại bí mật khác.
Nhiệm vụ chính của đơn vị là trinh sát, thu thập thông tin, tác chiến không quy ước và chống khủng bố. Để được gia nhập lực lượng, tân binh phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt kéo dài 7-8 tháng, bao gồm "tuần địa ngục" kéo dài liên tục trong 120 giờ - tức 5 ngày 5 đêm không ngủ.
Họ được huấn luyện các bài tập thể lực như bơi, bê gỗ, vượt chướng ngại vật, đồng thời học các bài tập chiến thuật, kiến thức trinh sát, bắn súng, đánh bom và lặn. Tân binh cũng phải vượt qua những thử thách như trầm mình trong đá hay nhịn đói dài ngày. Ngoài ra, họ còn phải trải qua bài thi trí nhớ như nhớ số theo cả chiều xuôi lẫn ngược. Trong giai đoạn huấn luyện cuối cùng, họ thực hành trong môi trường thực tế khoảng hai tháng.
Nỗ lực của các thành viên đặc nhiệm SEAL Thái Lan cùng các chuyên gia nước ngoài như Australia, Anh, Nhật, Trung Quốc và Mỹ đã được đền đáp. Trong những ngày tới, lực lượng cứu hộ sẽ đánh giá tình hình, dạy các cầu thủ nhí kỹ năng bơi qua hang ngập nước để thoát ra ngoài.
Một số hình ảnh ghi lại quá trình tìm kiếm kéo dài suốt 9 ngày của đội cứu hộ:
Những thợ lặn người nước ngoài dày dạn kinh nghiệm - Ảnh: Reuters. |
Một thợ lặn đang tiến sâu vào trong hang - Ảnh: Reuters |
Một binh sĩ đang cầm chiếc bản đồ nghiên cứu địa hình trong khu vực - Ảnh: Reuters. |
Các binh sĩ khiêng hàng cứu trợ để tiếp tế cho nạn nhân và đội cứu hộ - Ảnh: Reuters. |
Nhóm cứu hộ đang kiểm tra máy bơm nước - Ảnh: Reuters. |
Nhóm cứu hộ đưa máy bơm nước vào trong hang. - Ảnh: Reuters. |
NGUYỄN QUỲNH(T/h)