Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các nhà sư dâng hương viếng Lầu Quan Âm và tượng Phật ngọc vừa được khánh thành vào dịp lễ 30/4/2014, tại chùa Trường Sa (thị trấn Trường Sa). |
Từ xa xưa, trên quần đảo Trường Sa đã có những am thờ do ngư dân người Việt Nam xây dựng, để cầu trời, phật phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên... Trên nền tảng đó, hiện nay ở quần đảo Trường Sa đã phát triển 6 ngôi chùa, trong đó các chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn được xây dựng sớm nhất. Những năm gần đây, các ngôi chùa này được đầu tư tu bổ xứng tầm, trở thành những “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chùa Song Tử Tây tọa lạc trên đảo Song Tử Tây (hòn đảo xa nhất của huyện đảo Trường Sa), là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái, chính điện ba gian, hai chái, tả hữu vu, hệ thống sân vườn… Kiến trúc chùa hợp với ngọn Hải đăng và tượng đài Trần Hưng Đạo tạo thành một quần thể kiến trúc, mang giá trị lịch sử - văn hóa, tâm linh tiêu biểu và thuần Việt trên biển Đông.
Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, với diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình ở châu thổ Bắc bộ. Kiến trúc chùa gồm một gian hai chái, tường bao trổ hoa, hệ thống sân, vườn với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt. Chùa Sơn Ca (trên đảo Sơn Ca) đang được xây dựng và sắp vào giai đoàn hoàn thiện. Chùa được xây sát mép biển, mặt hướng ra biển khơi, uy nghi, cổ kính…
Một ngôi chùa đang được tôn tạo và mở rộng trên đảo Sơn Ca. |
Chùa Trường Sa tọa lạc ở trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn, với khuôn viên khá rộng. Qua sân chùa và vườn là tòa chính điện - gồm một gian hai chái, với mái cong, có đầu đao. Trong Phật điện có pho tượng bằng đá quý, màu trắng, là món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa. Ngoài ra, Thủ tướng còn tặng cho mỗi ngôi chùa ở Trường Sa một cặp độc bình sứ có 4 mặt: Một mặt là hình bản đồ Việt Nam, một mặt hình chiến sĩ đang đứng gác bên cột mốc Trường Sa, một mặt hình chùa Một Cột và một mặt là chợ Bến Thành. Những hình ảnh được vẽ trên chiếc bình thể hiện ý chí giữ gìn độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh hải của nước ta.
Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ (thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái), với hệ mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển… Những ngôi chùa ở Trường Sa còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo. Vào những mồng một, ngày rằm hay lễ Phật, bà con ngư dân và cư dân sống trên đảo thường đến viếng chùa và đàm đạo với các nhà sư.
Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có bàn thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…“Ở Trường Sa, chùa là nơi hội tụ tất cả những anh linh của những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển - đảo của Tổ quốc. Bởi theo quan niệm của người dân Trường Sa, những chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc, khi về cõi vĩnh hằng họ trở thành những phúc thần”, ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa khẳng định.
Còn theo Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa: “Đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là ở những nơi khó khăn như Trường Sa. Chùa cũng sẽ là nơi hội tụ văn hóa, góp phần đem lại sự thịnh vượng của quần đảo nơi đầu sóng của Tổ quốc”.