+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể đằng sau ca khúc “Gần lắm Trường Sa”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi!…”, nhạc sĩ Hình Phước Long đã mở đầu ca khúc “Gần lắm Trường Sa” đi cùng năm tháng như thế.

    “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi!/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển,…”, nhạc sĩ Hình Phước Long đã mở đầu ca khúc “Gần lắm Trường Sa” đi cùng năm tháng như thế.

    Giữa những ngày Biển Đông “dậy sóng”, tôi bất chợt lẩm nhẩm lại những ca từ trong ca khúc “Gần lắm Trường Sa” chan chứa xúc cảm đã được nghe qua sóng Radio từ thuở nào. Nghe đâu, người nhạc sĩ sáng tác ca khúc này đang ở Nha Trang và tôi đã lật tung lên để dò hỏi tung tích của ông.

    Sau cuộc điện thoại đầu tiên… rồi cuộc điện thoại thứ hai và liên tiếp nhiều cuộc điện thoại sau đó nữa thì tôi mới có được số điện thoại của người nhạc sĩ từ một người quen. Một điều rất đặc biệt, dù sáng tác tới 400 ca khúc, chưa kể 17 ca khúc viết về Trường Sa, nhưng khi nhắc tới nhạc sĩ Hình Phước Long, người ta lại nghỉ ngay đến “Gần lắm Trường Sa”.

    Chuyện chưa kể đằng sau ca khúc “Gần lắm Trường Sa”

    Nhạc sĩ Hình Phước Long trò chuyện cùng PV.

    Hồi ức “Gần lắm Trường Sa”…

    Bài hát được sáng tác trong hoàn cảnh hết sức “đặc biệt” ngay tại quê hương Ninh Hòa của ông. Ông kể, trước năm 1980, ông có dịp vào bán đảo Cam Ranh (là hậu cứ của quần đảo Trường Sa) để dàn dựng một chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng và các chiến sĩ công tác ở đảo ngoài xa.

    Tại đây, ông đã chứng kiến việc tuyển chọn, luân chuyển quân để làm nhiệm vụ giữa đất liền và quần đảo Trường Sa yêu dấu. Hình ảnh những người lính hải quân trở về từ Trường Sa với da dẻ đen sạm, cứ chiều chiều đi bộ hơn chục cây số đến Mỹ Ca để được nhìn những cô gái “đi lên đi xuống” cho thỏa lòng “nhung nhớ” đã khiến ông xúc động mạnh.

    Một thời gian sau, bộ phim đen trắng “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” được công chiếu với những hình ảnh đầu tiên về Trường Sa là những hòn đảo lô nhô, bập bềnh trên sóng nước, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để giúp người nhạc sĩ có thể hình dung được Trường Sa là như thế nào? Vì với nhạc sĩ Hình Phước Long lúc đó - trong ký ức ông chưa hề có một hình ảnh, một kỷ niệm nào về Trường Sa, ông chưa hề được đi Trường Sa.

    Trước khi chia tay các chiến sĩ ở bán đảo Cam Ranh, nhạc sĩ Hình Phước Long đã xúc động ghi lại trong sổ lưu niệm với lời nhắn rằng: “Tôi sẽ cố gắng viết một cái gì đó về Trường Sa, chưa biết là lúc nào nhưng tôi hi vọng là sẽ có”. Mang theo lời nhắn này, nhạc sỹ Hình Phước Long đã tìm đến thư viện tỉnh Phú Khánh và huyện Cam Ranh để tìm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng tư liệu nói về Trường Sa hồi đó rất ít ỏi, hầu như không có tài liệu nói về Trường Sa.

    Trong một buổi chiều của năm 1982, khi đang đạp xe trên đường Trần Phú dọc theo bờ biển Nha Trang, người nhạc sĩ bất chợt gặp một cô gái với mái tóc dài, ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía biển và ông đã tự đặt câu hỏi: “Liệu cô gái này có người yêu là chiến sĩ ở đảo Trường Sa thì cô có nghe được lời nói của người yêu mình “quyện” vào con sóng và vọng về bờ biển Nha Trang?”.

    Ngay lúc ấy, nhạc sĩ Hình Phước Long chợt nhớ đến lời ru của “Má” ông ngày xưa: “Khi xa sát vách cũng xa/Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Và cũng ngay lúc ấy, người nhạc sĩ đã “bật” ra những lời nhạc đầu tiên đầy xúc động: “Không xa đâu Trường Sa ơi!/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em!…”.

    Không chần chừ gì nữa, ông đã rút vội từ trong túi một mảnh giấy để ghi lại phần nhạc và phần lời rồi cùng người em trai là nhạc sĩ Hình Phước Liên bắt xe khách về Ninh Hòa thăm nhà.

    Về đến nhà đã hơn 5 giờ chiều, mặc cho “Má” ông thúc giục phải ăn cơm nhưng nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn cố “nán” ra trước sân để viết nốt phần còn lại của bài hát trong cảnh nhá nhem. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, ca khúc “Gần lắm Trường Sa” được hoàn thành mà không hề phải sửa lại một nốt nào. Đây là ca khúc được sáng tác khi nhạc sĩ chưa đi Trường Sa và được coi là tác phẩm làm nên tên tuổi của tác giả.

    Nhạc sĩ của Trường Sa!

    Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh thành trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, từng nhiều năm công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh từ sau giải phóng 1975. Do yêu cầu của công việc nên sự nghiệp sáng tác của ông cũng bắt đầu từ đây. Ông từng theo học nhiều nhạc sĩ lừng danh trong “làng” âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ như nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước…

    Chuyện chưa kể đằng sau ca khúc “Gần lắm Trường Sa”

    Ca khúc “Gần lắm Trường Sa” được sáng tác khi nhạc sĩ chưa đi Trường Sa và được coi là tác phẩm làm nên tên tuổi của tác giả.

    Về đề tài biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng, ngoài ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, còn phải kể đến hàng loạt ca khúc như: “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”; “Tiếng hát đảo Sơn Ca”; “Đêm trên đảo Thuyền Chài”; “Tâm tình người lính Trường Sa” hay “Vầng trăng nơi đảo xa”…

    Khi được hỏi về việc tâm đắc với ca khúc nào nhất trong số những ca khúc viết về Trường Sa, nhạc sĩ Hình Phước Long thổ lộ: “Thật khó cho tôi! Bởi bài nào tôi cũng gửi gắm tâm sự riêng ở trong đó, tất cả đều là “con” của mình cả! Nhưng cái gì nhân dân thích thì vẫn chuẩn mực nhất, cho đến bây giờ bài “Gần lắm Trường Sa” đã 32 năm rồi nhưng nhân dân vẫn hát”.

    Ngay sau khi “Gần lắm Trường Sa” hoàn thành, nhạc sĩ Hình Phước Long đã lựa chọn ca sĩ Anh Đào của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng ở tỉnh Phú Khánh bấy giờ và ca sĩ này đã thể hiện rất thành công. Ca khúc này vào những năm cuối của thập niên 80, thập niên 90 được công chúng đón nhận rất rộng rãi, đi đâu cũng nghe người ta hát và đến tận bây giờ cũng vậy.

    Theo nhạc sĩ Hình Phước Long, sau ca sĩ Anh Đào, hiện nay nhiều ca sĩ trẻ cũng đã thể hiện rất thành công ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, trong số đó không thể không kể đến ca sĩ Thanh Thúy.

    Nói về ca khúc “Gần lắm Trường Sa” đi cùng năm tháng của mình, nhạc sĩ Hình Phước Long bộc bạch: “Một bài hát mà sống được trong nhân dân là một niềm vinh dự của tác giả. Tôi cũng như các nhạc sĩ khác, cũng viết hết lòng mình nhưng tác phẩm có đứng được trong lòng người dân hay không thì còn phải tùy thuộc vào sự cảm nhận, sự hòa nhập giữa trái tim của mình và sự đồng cảm của người dân. Để tìm được điều đó thì rất khó, ngoài tài năng thì cần phải có may mắn và sự trải nghiệm để nói được tiếng nói của nhân dân…”.

    Ngoài Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch Nước trao tặng, nhạc sĩ Phước Long còn nhận được nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1983), Bộ Văn hóa Thông tin (1987), Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1997)…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-dang-sau-ca-khuc-gan-lam-truong-sa-a33802.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan