Ngày 30/11, các bức ảnh của tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-15 đã được Triều Tiên công bố, có tầm bắn có thể vươn tới Mỹ nhưng lại mâu thuẫn với tải trọng siêu nặng của nó.
Sáng 29/11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã đạt được mục tiêu trở thành nhà nước hạt nhân sau khi phóng thử thành công tên lửa liên lục địa mới Hwasong-15, được đánh giá có thể tấn công mọi mục tiêu ở Mỹ.
Theo một hình ảnh được công bố, phần trước của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có hình tròn và khá tù, được đặt trên một phương tiện chuyên chở kiêm bệ phóng tên lửa di động (TEL) 9 bánh mỗi bên, điều đó có nghĩa loại tên lửa mới này dài hơn Hwasong-14 (được chở trên bệ phóng 8 bánh mỗi bên).
Nhà nghiên cứu tên lửa David Wright, đồng chủ nhiệm Chương trình An ninh toàn cầu (thuộc Hiệp hội các nhà khoa học quan ngại, Mỹ) đánh giá, quả ICBM mới phóng có thể tấn công Nhà Trắng, thậm chí phóng chính xác vào phòng Bầu Dục, văn phòng làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông nói tên lửa mới đạt độ cao 4.475km, tức nhiều hơn cao độ của Trạm không gian quốc tế ISS những 10 lần, và bay xa 950km trong 53 phút.
Nếu số liệu này chính xác, quả Hỏa tinh -15 có thể bay theo một quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì vòng cung, đạt tầm bắn 13.000km. Với tầm xa này, tên lửa đủ sức vươn tới Washington, bờ tây Mỹ, Úc và cả châu Âu, và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii nằm trong tầm bắn. Hawaii cách Triều Tiên khoảng 7.570km.
Các chuyên gia đã phân tích hình ảnh về tên lửa Hwasong-15 và nhận thấy nhiều tiến bộ, thậm chí là bất thường về công nghệ. Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố, Hwasong-15 có thể mang theo tải trọng siêu nặng và có nhiều ưu điểm về kỹ thuật và chiến thuật so với Hwasong-14.
Để tấn công nước Mỹ, tên lửa phải mang theo rất nhiều nhiên liệu và kích thước lớn của Hwasong-15 đã giải quyết điều đó. Phần mũi của tên lửa có kích thước khá lớn. Điều này có vẻ phù hợp với tuyên bố của Triều Tiên về việc tên lửa có thể mang theo tải trọng siêu nặng.
Tuy nhiên, Michael Elleman, chuyên gia kỳ cựu về tên lửa đạn đạo giải thích, đầu đạn càng nặng thì tầm bắn càng ngắn, vì động cơ phải sử dụng rất nhiều nhiên liệu để đưa tên lửa thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất. Nếu Bình Nhưỡng thực sự muốn lắp một tải trọng siêu nặng lên Hwasong-15, nó khó có thể tấn công nước Mỹ.
Nhà phân tích Elleman lập luận thêm về mặt lý thuyết, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn 13.000 km nhưng tải trọng đầu đạn mang theo chỉ khoảng 150 kg. Ông Elleman hoài nghi khả năng Triều Tiên có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân nhẹ như thế.
Về động cơ, tên lửa Hwasong-15 không có các vòi phun phụ để chỉnh hướng như thế hệ trước. Thay vào đó, vòi phun của động cơ chính có khả năng xoay theo nhiều hướng khác nhau để hiệu chỉnh đường bay.
“Điều này chắc chắn là một cải tiến lớn, một cái gì đó mà chúng ta chưa bao giờ thấy người Triều Tiên làm được”, Shea Cotton, nhà nghiên cứu tại CNS cho biết. Hệ thống mới được gọi là “gimbaled”, hay “khớp vạn năng”. Hệ thống này giúp vòi phun chính của động cơ có thể di chuyển qua lại theo nhiều hướng khác nhau để điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa.
Khớp vạn năng cho phép tên lửa điều chỉnh quỹ đạo chính xác và linh hoạt hơn so với hệ thống cũ. Tuy nhiên công nghệ này rất phức tạp và chỉ một số ít quốc gia có thể chế tạo nó. Việc Triều Tiên sở hữu công nghệ này khiến các chuyên gia rất bất ngờ và cảm thấy bất thường.
Một số nhà phân tích cho rằng động cơ mới trên Hwasong-15 có nhiều điểm tương đồng với động cơ sử dụng trên tên lửa Titan II mà Mỹ đã ngưng sử dụng từ năm 1987. Thông tin về tên lửa Hwasong-15 là khá mơ hồ, tuy vậy, vụ thử nghiệm ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của công nghệ tên lửa Triều Tiên.
Sau vụ phóng thử Hwasong-15, một quan chức Triều Tiên nói với CNN rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến ngoại giao với Mỹ cho đến khi chứng minh được khả năng ngăn chặn hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các vụ phóng tên lửa, thậm chí là thử nghiệm bom hydro.
“Họ sẽ tiếp tục thử nghiệm chừng nào họ còn cảm thấy sự phát triển công nghệ tên lửa của họ chưa đủ để kéo Washington đến bàn đàm phán” ông Schmerler nói. Thậm chí nếu vụ thử nghiệm Hwasong-15 đã hoàn thành mục tiêu của năm 2017, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ muốn thử nghiệm thêm lần nữa trước khi hài lòng với hiệu suất của tên lửa.
Trước tình hình đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phối hợp với Canada, định tập hợp nhóm 16 quốc gia từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, để bàn cách đối phó “mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Minh Thư(T/h)