(ĐSPL) - Hai trận lũ lịch sử ập đến đúng vào lúc hoa màu tốt tươi, vụ lúa Đông Xuân vừa gieo sạ bén đất. Lũ cuốn sạch, cuốn luôn nước mắt, mồ hôi người dân. Để rồi, sau tai ương họ “rũ bùn” vươn lên sản xuất.
“Mầm sống” sau lũ
6h sáng ngày 2/1, tiếng máy tàu thi nhau nổ rền cả một vùng trời biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trong màn sương mờ, những ngư dân miệt biển tất tả chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu tiên, sau gần 2 tháng trời nằm bờ vì mưa lũ. Tàu cá, tàu câu mực nối đuôi tấp vào một cái trạm đỗ dầu nhỏ nằm lắc lư ở cuối cửa biển. Cách đó không xa, nhiều ngư dân cố dồn những cây đá lạnh cuối cùng lên tàu. Phía trên boong đã chất đầy lưới chài, nước ngọt và ngổn ngang các loại phao. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng cả một vùng.
Ngư dân Trần Hòa (35 tuổi, trú khối Phước Tân, phường Cửa Đại) hồ hởi chia sẻ: “Hai trận lũ kéo dài cùng thời tiết xấu khiến tôi và nhiều bạn thuyền nằm bờ miết. Lâu ngày quá bứt rứt lắm. Nôn nóng đi biển lắm để có cái trang trải cho cuộc sống. Sáng nay anh em nhổ neo lại. Hy vọng chuyến đi biển thắng lợi”.
Tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu tiên sau lũ tại biển Cửa Đại. |
Đi ra xa hơn, lên cây cầu Cửa Đại bắc ngang qua sông Thu Bồn, chúng tôi bao quát cả một vùng rộng lớn cửa biển này. Tầm 9h sáng cùng ngày, các tàu cá nối đuôi nhau đạp sóng ra biển. Đợt ra khơi lần này với họ khác rất nhiều so với hàng chục chuyến trước đó. Nó không chỉ là chuyến biển sau lũ. Nó còn là chuyến đi đầu Xuân 2017 đầy hứa hẹn. “Mà tôi nghĩ thực tế hơn nó là hy vọng, khấp khởi của chúng tôi về mẻ cá ắp đầy. Chứ nằm bờ quá nhiều khiến cuộc sống chúng tôi khốn khó. Chuyến đi biển lần này hy vọng sẽ thuận lợi. Tôi cũng mong mưa thuận gió hòa đến Tết để chồng có thể đi được 1, 2 chuyến nữa”, chị Phan Thị Hà (vợ một ngư dân phường Cửa Đại) chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày nằm bờ vì mưa lũ, nhiều ngư dân các vùng biển Cửa Đại, Mân Thái (Đà Nẵng) hay Tam Quang, Tam Thanh (Quảng Nam) rất vất vả. Nhiều ngư dân tâm sự với chúng tôi, năm 2016 vừa qua là năm khá buồn với họ. Nay lại gặp lũ triền miên. Thuyền nằm bờ, nhưng họ không thể nằm chơi. Tranh thủ mọi lúc, họ mò bắt chíp chíp, bắt nghêu bán tạm cho các nhà hàng hải sản. Có người vác cần đi câu, lênh đênh cả ngày ở những gềnh đá gần bờ kiếm bữa ăn cho gia đình. “Chỉ ít tàu nhỏ đi về trong đêm là có thể ra biển đánh bắt được chút ít. Chúng tôi đi tàu lớn từ nửa tháng đến hàng tháng trời nên không thể ra khơi. Người tranh thủ mò ốc, mò nghêu, người đi phụ xây hồ lặt vặt rứa thôi”, một ngư dân trải lòng.
Cách Cửa Đại con sông Thu Bồn, “rốn lũ” Cẩm Kim (TP.Hội An) sau hơn 1 tuần chúng tôi trở lại đã dần hồi sinh, tươi vui hơn. Những cánh đồng dọc sông Hoài trắng xóa, trơ màu bùn vì lũ đã được người dân cày xới. Xác bùn, xác hoa màu chết được chất đống gọn gàng. Trên những khung dưa chuột còn lại sau lũ, người dân đã ươm trồng cây non mới.
Không chỉ riêng Cẩm Kim vực dậy sau “đại hồng thủy”, người dân thôn Thanh Chiêm 1 (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu ra đồng. Người gieo sạ, tát nước, tiếng chuyện trò râm ran. Khác với nhiều đám đất trơ bùn, nhiều thửa ruộng nơi đây mạ non đã lú nhú lên xanh màu. Cụ Lê Thị Bưng (78 tuổi, trú thôn Thanh Chiêm 1) cho hay, giai đoạn này đang vào dịp cả làng xuống đồng làm vụ lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, 2 trận lũ bất thường khiến mọi thứ đảo lộn. “Hai trận lũ cách nhau khoảng hơn 10 ngày, kéo dài âm ỉ cả tháng. Trận đầu vừa qua khiến mạ non chết sạch. Chúng tôi vừa gieo lại thì lũ ập đến nặng nề hơn. Mấy hôm nay bà con tranh thủ xuống đồng gieo lại đợt 3. Gieo đi, gieo lại 3 lần nên mới có đám ruộng mới, có đám mạ non đã xanh. Tai ương nó khó lường quá”, cụ Bưng ngậm ngùi.
Chưa hết, gieo lại mạ lúa đợt 3 này, người dân còn khốn đốn khi bị lũ ốc bươu vàng “tấn công”. Sau lũ, loài ốc sinh sôi một cách khủng khiếp. Chỉ sau một đêm nhiều héc-ta mạ non bị ốc ăn sạch, trơ mầm lúa. Nhiều người dân phải cất công cả ngày trời thu bắt loại ốc này. Dọc theo tuyến đường bê tông nối 2 vùng nông nghiệp Điện Phương và Cẩm Hà (TP.Hội An) là la liệt những con ốc nhỏ được người dân bắt lên.
Nghe tôi hỏi thiên tai triền miên có thấy cực không? Cụ Bưng cười móm mém: “Lũ nó diệt chuột nhưng lại sinh sôi nhiều ốc quá nên phải ra đồng bắt bớt. Khổ chứ! Nhưng mà chịu được, miễn là nhìn lúa má tốt tươi”.
Khát vọng mùa xuân
Cũng trong tâm thế vươn lên, khắc phục sau lũ, người dân Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gặp nhiều khó khăn hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, cây cầu phao nối liền xã này với vùng đất nông nghiệp đã bị hỏng vì lũ. Xót xa hơn, đây là cây cầu phao do chính một người dân mảnh đất này tự bỏ 300 triệu đồng mà ông ki cóp cả đời đem ra làm cầu. Ngày cầu phao bị lũ quật bay, người dân đội mưa gió ra ứng cứu, vớt vát lại những thùng phuy, dây văng nhưng chả đáng kể. Mất cầu, họ đối diện với hiểm nguy lúc sang sông.
“Vất vả hơn khi sang sông nhất là chúng tôi phải đèo bồng mang vác nhiều dụng cụ làm nông. Đang mùa lũ nên nước lớn, ghe đi rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải đi làm. Bà con chúng tôi ước ao có một cây cầu chắc chắn hơn để mưu sinh, không có nguy hiểm”, bà Phan Thị Lý (người dân Đại An) chia sẻ.
Ở những rốn lũ khác như Duy Vinh (Quảng Nam), Hòa Khương (Đà Nẵng) lũ qua đi phần nào giao thông được khắc phục. Trẻ em sơ tán lên vùng cao tránh lũ cũng đã về, lại tiếp tục đến trường. Những chia cắt, cô lập vì lũ hầu như đã chấm dứt. Cũng trong những ngày mùa Đông Xuân, vựa rau Bàu Tròn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang cố chạy đua với thời gian để hy vọng có thể cung cấp thị trường rau cho dịp Tết cận kề. Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc hợp tác xã Đại An (huyện Đại Lộc) cho hay, lũ kép khiến bà con thiệt hại lớn. Không bòn mót được gì nữa. Người dân đang vực dậy, dồn sức sản xuất hoa màu ngắn ngày cho Tết.
Suốt một thời gian dài liên tục ghé thăm các “rốn lũ” sau “đại họa”, chúng tôi dần cảm nhận được sự tích cực trong suy nghĩ của người dân. Ngày đầu sau lũ, họ não nề vì trắng tay. Nhưng giờ, họ tấp nập ra đồng, gieo sạ, trồng hoa màu ngắn ngày. Nhiều người nông dân còn “động viên ngược” lại chúng tôi khi thấy chúng tôi ủ rũ nhìn những cánh đồng “hoang”. Dẫu số phận còn cay đắng, nhưng có lẽ những con người lam lũ nơi dải đất miền Trung chưa bao giờ biết từ bỏ. Khốn khó đến đâu, họ lại vươn mình đứng dậy từ đó.
Ưu tiên cây ngắn ngày hướng tới Tết! Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau lũ, nhiều địa phương tại miền Trung như: Quảng Nam, Đà Nẵng đã vào cuộc khẩn trương để hỗ trợ, ổn định các điều kiện sản xuất cho người dân. Đặc biệt là về ngành nông nghiệp, nhiều giải pháp đã được đưa ra như ổn định giá các loại giống, chuyển đổi giống cây trồng, ưu tiên một số loại cây ngắn ngày có thể phục vụ thị trường Tết cổ truyền sắp tới. |
NHÂM THÂN
Đăng lại báo giấy số 03/2017