+Aa-
    Zalo

    Những giao dịch ngoại tệ bị cấm nhưng vẫn phổ biến ở Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Pháp luật nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh niêm yết bảng giá dịch vụ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở vẫn “đánh liều” vi phạm.

    Sau vụ "phạt 90 triệu đồng vì bán 100 USD", nhiều người mới biết rằng mình không được phép giao dịch ngoại tệ ở "chợ đen".

    Nhằm tránh tình trạng đôla hóa nền kinh tế và khó kiểm soát trong giao dịch, việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam đã được siết chặt sau khi Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 có hiệu lực.

    Theo đó, với ngoại tệ tiền mặt, cá nhân chỉ có quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép. 

    Ngoài những nội dung trên, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo đều không được thực hiện bằng ngoại hối, nhưng thực tế các hoạt động này lại vẫn diễn ra công khai.

    Mua bán ngoại tệ ở 'chợ đen'

    Việc mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do (chợ đen) vốn là hành vi bị cấm nhưng lại là một trong số những vi phạm phổ biến nhất hiện nay.

    Với lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 13 tỷ USD, cùng với lượng khách du lịch lớn mỗi năm, việc sở hữu ngoại tệ với giá trị nhỏ thông qua cho, tặng là bình thường.

    Thậm chí ở một số thành phố lớn, việc mừng tuổi bằng tiền 2 USD cũng trở thành một thói quen dịp Tết Nguyên đán. Theo Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người.

    Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang tiền đồng hoặc sử dụng để giao dịch, việc bán ngoại tệ phải được thực hiện tại ngân hàng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. 

    Trường hợp của một cá nhân tại Cần Thơ mới đây, bị xử phạt 90 triệu đồng sau khi nhận 100 USD từ người nhà và đi đổi tại một tiệm vàng là hình thức vi phạm khá phổ biến. 

    Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, hình thức vi phạm này diễn ra khá nhiều do người dân khó có thể xác định đâu là một điểm thu mua ngoại tệ có giấy phép. "Họ chỉ đơn giản là tìm đến địa điểm gần nhất có thể thực hiện giao dịch này", ông Hậu nói.

    Niêm yết giá bằng ngoại tệ

    Một hình thức vi phạm khác vẫn thường xuyên xuất hiện là niêm yết bằng đồng ngoại tệ.

    Điều 4, Thông tư 32/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ có 7 trường hợp được phép niêm yết giá bằng ngoại tệ, trong đó có thể chia thành 4 nhóm chính là các đơn vị được phép tại các cửa khẩu quốc tế; các ngân hàng, tổ chức kinh doanh ngoại hối được cấp phép; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không, khách sạn, du lịch và các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự.

    Tuy nhiên, tại những thành phố du lịch hay thậm chí cả những thành phố lớn, việc niêm yết bằng ngoại tệ vẫn diễn ra thường xuyên và trong tình trạng khó kiểm soát. 

    Không khó để tìm thấy một biển hiệu yết giá hoàn toàn bằng USD hay NDT tại Nha Trang, Quảng Ninh hay thậm chí ngay tại quận 1, TP HCM.

    Cuối tháng 3/2017, một cửa hàng lưu niệm tại TP Hạ Long, Quảng Ninh đã bị nhà chức trách phạt 400 triệu đồng do yết giá sản phẩm bằng USD. Năm 2016, một doanh nghiệp chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc tại thành phố này cũng bị xử phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng USD và nhân dân tệ.

    Quảng cáo bằng ngoại tệ

    Quảng cáo bằng ngoại tệ cũng là một hình thức vi phạm diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

    Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kinh doanh vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng tiền đồng và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành chỉ sử dụng tiếng nước ngoài (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ).

    Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp các đơn vị chỉ yết giá trực tiếp bằng ngoại tệ mà bỏ qua phần tiền đồng tương đương hoặc quảng cáo bằng ngoại tệ trên các thông tin không được phép.

    Cách đây hơn một tháng, một công ty kinh doanh đá quý tại Đà Nẵng đã bị xử phạt 450 triệu đồng do việc chỉ sử dụng đơn vị là USD trong bảng giới thiệu sản phẩm. 

    Trong lĩnh vực bất động sản, việc thuê những căn hộ ở những vị trí đắt đỏ hầu hết được yết giá bằng USD, thay vì tiền đồng. Đơn cử như một căn hộ khoảng 30-40 m2 quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội có mức giá thuê trung bình từ 500 USD đến hơn 1.000 USD mỗi tháng.

    Trong số những trường hợp nói trên, sử dụng ngoại tệ trong thanh toán và trao đổi là trường hợp "vô tình" mắc phải nhiều nhất.

    Nhiều vụ việc vi phạm chỉ đơn giản là việc đổi ngoại tệ do được cho hoặc nhận quà. Tuy nhiên ở những trường hợp còn lại, không thiếu những vi phạm xuất phát từ lỗi "cố ý". Dù vậy, khung hình phạt với hành vi này hiện nay chưa có sự phân rõ rạch ròi từng hình thức hay mức độ vi phạm.

    Theo Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, cơ quan điều hành cần có những chỉnh sửa về hành lang pháp lý với giao dịch ngoại hối cho những trường hợp như cá nhân mới bị xử phạt tại Cần Thơ.

    "Cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói và cho rằng sẽ bất công cho những người dân bị xử phạt, trong khi thị trường không thiếu những hành vi vi phạm với quy mô lớn hơn.

    Theo Vnexpress

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-giao-dich-ngoai-te-bi-cam-nhung-van-pho-bien-o-viet-nam-a269161.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan