Theo Tạp chí Tri Thức, từ ngày 31/8, thành phố sẽ triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi.
Chiếc dịch nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc, ngăn ngừa thiệt hại về người do bệnh sởi, đặc biệt bảo vệ các trẻ có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc sởi (trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính như tim mạch, thận, huyết học, trẻ suy giảm miễn dịch…)
Vaccine được sử dụng trong chiến dịch là vaccine Sởi - Rubella (vaccine MR). Đây cũng là vaccine đang được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo kế hoạch, những nhóm được ưu tiên trong đợt tiêm này bao gồm:
- Trẻ 1-5 tuổi đang sinh sống tại thành phố, không kể tiền sử tiêm chủng.
- Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (6-16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện, không kể tiền sử tiêm chủng.
- Trẻ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi.
- Nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine có thành phần sởi.
Chương trình không tiến hành tiêm bổ sung cho trẻ đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi trong một tháng trở lại đây. Tuy nhiên, phụ huynh cần chứng minh được lịch sử tiêm phòng của trẻ trên phiếu/ sổ tiêm chủng/ phần mềm quản lý tiêm chủng.
Chương trình tiêm bổ sung vaccine sởi được dự kiến bắt đầu từ ngày 31/8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9.
Chiến dịch được triển khai tại tất cả trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo Vnexpress, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định, bệnh sởi có thể lây nhiễm rất dữ dội, các bệnh viện cần thực hiện phân luồng tốt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Đặc biệt, cần bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính như khoa tim mạch, thận, huyết học... Nếu trong phòng có một trẻ mắc sởi, những em còn lại phải được bảo vệ bằng cách tiêm dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh cần tự cách ly tại nhà, tùy mức độ có thể đến cơ sở y tế điều trị. Trẻ mắc bệnh nền cần nhập viện điều trị khi mắc sởi. Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
"Mọi người không chủ quan, song cũng không nên hoang mang trong bối cảnh thành phố công dịch, bởi đa số cộng đồng đã có miễn dịch nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng 20 năm nay", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Tiếp xúc với dịch tiết người bệnh trên đồ vật cũng có thể lây bệnh. Virus có thể tồn tại trong không gian khoảng hai giờ. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa...
Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.
Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.