Theo VietnamPlus-TTXVN, gày 28/4, theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, số trường hợp mắc bệnh sởi tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc bệnh sởi mới, các ổ dịch tập trung nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua.
Tuần qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng.
Trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Riêng tại Hà Nội, chỉ trong tuần qua (từ ngày 12/4 đến 19/4), toàn thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên theo Bộ Y tế, trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.
Đặc biệt để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành, thông tin từ báo Dân trí.