Với GRDP ước đạt 8,66%, Thanh Hóa hiện là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là kết quả phục hồi tích cực sau 1 năm thích ứng với các điều kiện sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Kết quả này cũng khẳng định những kịch bản kinh tế được xây dựng và những quyết tâm trong điều hành của tỉnh là kịp thời và đúng đắn.
Trong phát triển kinh tế, Thanh Hóa không chỉ mở rộng sản xuất theo chiều rộng mà các ngành, lĩnh vực sản xuất hiện đang được định hình và phát triển theo chiều sâu, gắn với các giải pháp chủ động ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, với tốc độ tăng trưởng 3,47%. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã và 22 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 12,9%; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,93% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh ngày càng khẳng định được chất lượng và tăng mạnh về thị phần, như: thép, dầu ăn, giày thể thao, thức ăn gia súc, đường kết tinh, quần áo may sẵn... Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 7,3%, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và huy động vốn qua các kênh đầu tư, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã huy động được 67.950 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, đạt 48,5% kế hoạch và tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngoài các nguồn ngân sách, nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng mạnh và đạt 41.262/67.950 tỷ đồng tổng vốn đầu tư, tăng 15,3% cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9.742 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Các nguồn vốn này được phân bổ, đầu tư vào 72 dự án trọng điểm, bao gồm các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư trực tiếp. Đến nay, tiến độ thực hiện 72 dự án này cơ bảo đảm tiến độ đề ra; trong đó, có 3 dự án đầu tư đã hoàn thành, 25 dự án đang triển khai thực hiện, 44 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được 52 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.188 tỷ đồng và 42,7 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 21 dự án (6 dự án FDI); lĩnh vực thương mại dịch vụ 3 dự án (1 dự án án FDI); lĩnh vực nông nghiệp 5 dự án; lĩnh vực khai khoáng mỏ 18 dự án; lĩnh vực khu dân cư, nhà ở 5 dự án. Một số dự án thu hút mới có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn, như: Các dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 2, Xuân Thiện 3, Xuân Thiện 6 tại huyện Ngọc Lặc (mỗi dự án 2.500 tỷ đồng); Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I (2.824 tỷ đồng); khu dân cư hai bên đường CSEDP thuộc Khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa (871,4 tỷ đồng)...
Đi đôi với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác triển khai các dự án đã được chấp thuận chủ trương và ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020. Đến nay, đã có 6 dự án được tiến hành khởi công xây dựng gồm: Trạm nghiền xi măng Long Sơn và cụm cảng số 7, 8, 9, 10 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy Xi măng Đại Dương; hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, khu đô thị quảng trường biển, khu đô thị sông Đơ, khu công viên giải trí và đô thị Nam sông Mã; dây chuyền 4 - Nhà máy Xi măng Long Sơn; dự án sản xuất sản phẩm trang trí công nghệ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, có 13 dự án đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định; 15 dự án đang chuẩn bị các hồ sơ thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sẽ gia tăng trong giai đoạn kinh tế của các nước trên thế giới từng bước được phục hồi trong bối cảnh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 sau chiến lược tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm, như: Trạm nghiền xi măng Long Sơn, dự án may mặc, da giầy trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Yên Định... sẽ gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp của tỉnh nhà.
Lĩnh vực xây dựng cũng dự kiến có nhiều khởi sắc do giá thép và một số nguyên nhiên liệu đầu vào có xu hướng giảm so với đầu năm; đồng thời, một số dự án lớn theo kế hoạch dự kiến sẽ được khởi công, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Hoằng Hóa - Quảng Xương và Quảng Xương - Nghi Sơn (BOT); đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; Nhà máy lốp ô tô Radial, Nhà máy thép Nghi Sơn (giai đoạn 2)... sẽ thúc đẩy lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản được dự báo duy trì đà tăng trưởng khá, nhiều khả năng vượt kế hoạch, tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhất là các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Thanh Hóa đang trong quá trình phục hồi và phát triển KT-XH, trên cơ sở kiên định mục tiêu kép và xác định tinh thần "chống dịch tốt để phát triển KT-XH và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công". Từ đó tiếp tục khẳng định vị thế trong top đầu trên bản đồ phát triển của cả nước và để bức tranh KT-XH của tỉnh ngày càng tươi sáng.
Thu Phương