+Aa-
    Zalo

    Những điểm nhấn pháp lý ấn tượng của Việt Nam năm 2014

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - PV báo Đời sống và Pháp luật điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2014 của nền tư pháp Việt Nam qua góc nhìn của những chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực.

    (ĐSPL) - PV báo Đời sống và Pháp luật điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2014 của nền tư pháp Việt Nam qua góc nhìn của những chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực.

    Ngày 28/11/2013, với đại đa số ĐBQH biểu quyết tán thành (486/488, chiếm 97,59\%), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.

    Hiến pháp đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Song song với đó, hàng loạt văn bản pháp luật cũng được sửa mới theo hướng đề cao quyền con người và nhấn mạnh sự công bằng, tiến bộ xã hội. 

    Hàng loạt các văn bản pháp luật được sửa đổi theo hướng đề cao quyền con người. 

    TS. Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: Nhiều đề xuất đột phá nhằm chống oan sai

    Năm 2014 đã có không ít vụ bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó cũng cho thấy, có nhiều vấn đề, chúng ta cần phải bàn trong tố tụng, đặc biệt trong Luật Điều tra hình sự để chống oan sai. Trong năm qua, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm cụ thể hóa mục tiêu này.

    Đề xuất đầu tiên cần nhắc đến là luật hóa quyền im lặng của bị can. Trên thực tế, ở các nước trên thế giới, nghi phạm có quyền im lặng. Khi công an làm việc với nghi phạm phải có mặt luật sư. Thế nhưng, giả sử có quyền im lặng nhưng rơi vào tình huống bị dọa nạt thì nghi can có thể im lặng hay không? Đó là sự cần thiết phải có mặt của người thứ ba. Theo quan điểm của tôi, cần thiết phải có vai trò của người thứ ba - người chứng kiến để tránh những hiện tượng bức cung, ép cung, ém nhẹm tài liệu cần thiết...

    Theo số liệu báo cáo của cục Điều tra (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) mà tôi biết được, năm 2011 khởi tố 4 vụ, 8 bị can dùng nhục hình. Sáu tháng năm 2013, khởi tố 4 vụ, 10 bị can dùng nhục hình. Năm 2014, số vụ bức cung, nhục hình cũng không có chiều hướng giảm. Bởi thế, quyền im lặng của bị can tại Cơ quan điều tra khi chưa có luật sư là vấn đề lớn, cần được xem xét.

    Mặc dù pháp luật hiện hành ghi nhận "trình bày lời khai" là quyền của người bị tạm giữ, bị can nhưng việc không chính thức thừa nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực. Mặt khác, người bị buộc tội cũng không có quyền được từ chối cung cấp lời khai hoặc từ chối bị hỏi cung khi không có người bào chữa cũng là một điểm hạn chế. Bởi lẽ, với sự tham gia của người bào chữa trong quá trình lấy lời khai cũng như khi hỏi cung sẽ đảm bảo tâm lý cho người bị buộc tội, hoạt động lấy lời khai sẽ có hiệu quả cao, đồng thời có sự giám sát của người bào chữa đối với điều tra viên. Theo tôi, chính thức ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như ghi nhận quyền từ chối cung cấp lời khai hoặc bị hỏi cung khi chưa có người bào chữa là phù hợp với công ước quốc tế. Đây là một yêu cầu cấp bách cần được thực hiện.

    Một đề xuất khác được Ủy ban Tư pháp Quốc hội đưa ra là bớt tạm giam, tạm giữ thay bằng bảo lĩnh, đặt tiền. Vấn đề này cũng cần phải xem xét thấu đáo. Bởi thực tế hiện nay, phía công an được trao quyền nhiều quá dẫn đến tạm giam, tạm giữ không cần thiết. Vì thế, trước khi quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét kỹ có cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn không, hay có thể giao cho gia đình giám sát. Trường hợp cần phải tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên, cần tính toán đến một số yếu tố. Do người chưa thành niên dễ bị tổn thương, nên cần tạo điều kiện tối đa cho cha mẹ, người thân chăm nom. Đặc biệt phải trả tự do ngay nếu xét thấy không cần thiết tạm giam nữa.

    Tuy nhiên, việc có nên áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền trong bối cảnh hiện nay cũng có nhiều luồng ý kiến vì phân tầng xã hội hiện nay rất lớn. Việc áp dụng bảo lĩnh, đặt tiền dường như chỉ áp dụng cho người giàu. Vì thế, tùy vào từng đối tượng, từng loại tội có thể áp dụng hình thức này.

    Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Tính nhân văn từ đề xuất đi tù vẫn được hưởng lương hưu

    Một trong những ý tưởng thể hiện sự tiến bộ của hệ thống pháp luật trong năm 2014 là đề xuất "đi tù vẫn được hưởng lương hưu". Ý tưởng được ĐBQH Cù Thị Hậu đưa ra tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

    Theo quan điểm của tôi, đây là đề xuất nhân văn, thể hiện sự tiến bộ của pháp luật. Bởi, bất kỳ ai đã đóng tiền bảo hiểm xã hội, họ cần được hưởng phần lương hưu mà do cả quá trình lao động tích luỹ đóng vào quỹ bảo hiểm đó. Việc đóng bảo hiểm cũng liên quan đến quyền dân sự của người đó. Với tư cách người đã lao động và có đóng góp bảo hiểm, họ phải được hưởng chế độ chính đáng của mình. Còn lỗi dẫn đến việc bị phạt tù không phải là sai phạm trong quá trình đóng bảo hiểm mà do bản thân gây ra ở một lĩnh vực khác. Do vậy, người lao động đóng bảo hiểm, đương nhiên họ phải được hưởng. Còn khi phạm tội, họ phải chịu hình phạt của pháp luật. Nếu như đi tù mà cắt hết quyền lợi của họ thì quá thiệt thòi cho họ.

    Luật Bảo hiểm xã hội quy định: "Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong các trường hợp: Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; Xuất cảnh trái phép; Bị tòa án tuyên bố là mất tích". Tuy nhiên, tôi nghĩ, lâu nay chúng ta trừ tiền lương hưu của những người bị đi tù là không có căn cứ. Việc họ phạm tội không liên quan gì đến hợp đồng kinh tế giữa họ và cơ quan bảo hiểm. Tội lỗi ấy, họ đã phải trả giá bằng việc mất tự do, phải chịu thời gian thử thách sau song sắt. Chính vì thế, theo luật, họ vẫn có quyền hưởng lương hưu hằng tháng.

    Bên cạnh đó, đề xuất cho phép người chấp hành hình phạt tù hưởng lương hưu cũng phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản của mỗi người. Sổ hưu trí là tài sản đã có từ trước chứ không phải tài sản do phạm tội mà có. Sẽ rất vô lý khi người ta đã đóng bảo hiểm suốt một thời gian dài, đến khi đi tù lại không được hưởng số tiền đó. Vậy, số tiền đó đi đâu? Rõ ràng, số tiền đó phải thuộc về người đã đóng góp chúng. Trên thế giới, các nước phát triển phần lớn vẫn duy trì trả lương hưu cho những người bị đi tù. Tôi cho rằng, chúng ta cũng nên làm như vậy để bắt kịp với sự phát triển của xã hội và đảm bảo sự công bằng của pháp luật.

    Xét về mặt pháp lý, đề xuất của đại biểu Cù Thị Hậu đầy tính nhân văn. Luật pháp phải đảm bảo tính công bằng và tiến bộ. Do vậy, sự sửa đổi này là rất cần thiết, không chỉ đúng pháp luật mà còn vì quan niệm nhân bản của xã hội đối với những người không may vướng vào vòng lao lý. Pháp luật ngoài thể hiện sự công bằng, tội nào hình ấy, còn muốn thừa nhận, người tù vẫn có thể trở về với cộng đồng sau khi trả án.

    PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (trường đại học KHXH&NV, Hà Nội): Người chuyển giới sẽ không phải sống "bên lề pháp luật"?

    Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, việc đề xuất đưa quyền được chuyển đổi giới tính vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (BLDS) là một bước tiến về xây dựng luật pháp ở nước ta. Điều này thể hiện ở hai điểm quan trọng. Một là, luật đã thể hiện tính nhân văn khi quan tâm đến "thân phận" của cá nhân một bộ phận dân số, những người vì lý do khác nhau đã xem việc chuyển đổi giới tính như một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời của họ. Hai là, quyền con người của cá nhân cũng đã được Liên Hợp Quốc công nhận. Đưa vấn đề chuyển đổi giới tính vào BLDS, chính là thể hiện sự "hội nhập" quốc tế về quyền con người, đồng thời phản ánh nhận thức của xã hội Việt Nam, bớt khắt khe đối với người chuyển giới tính, hướng đến việc tôn trọng và công nhận họ như một thành tố bình đẳng trong xã hội.

    Trên thực tế, một khi pháp luật chưa công nhận quyền chuyển giới, hiện tượng chuyển giới vẫn cứ diễn ra và điều này sẽ phát sinh những rắc rối không chỉ trong sinh hoạt, làm việc và cả những vấn đề liên quan đến luật pháp. Với những người đã chuyển giới, nhưng không được pháp luật cho phép, các giấy tờ liên quan đến cá nhân sẽ rơi vào cảnh "hồn Trương Ba, da Hàng Thịt". Giấy tờ, chứng minh thư nhân dân mang tên họ và giới tính trước khi chuyển giới (ví dụ nam giới) nhưng thực tế, sau khi chuyển giới là một... nàng. Rắc rối sẽ bắt đầu, nhất là những giao dịch liên quan đến ngân hàng, nhà đất, học hành. Đó là chưa kể, do không được "chính thức hóa" nên họ không dám công khai mình là người chuyển giới và sống trong tâm trạng mặc cảm, tự ti trước dư luận xã hội thiếu sự cảm thông.

    Về phương diện pháp luật, khi có hành vi liên quan đến tố tụng hoặc luật hình sự, sẽ rất khó khăn cho cơ quan hành pháp trong việc xử lý hình sự. Trên thực tế, chúng ta đã có những vụ án liên quan đến tình dục: Một người phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ bị một người nam giới khác thực hiện hành vi cưỡng bức tình dục. Trong tình huống này, có quan điểm cho rằng, hành vi đó xâm phạm tình dục phụ nữ nên cấu thành tội hiếp dâm hoặc tội cưỡng dâm; có quan điểm cho rằng, về mặt hộ tịch, tại thời điểm bị xâm hại, nạn nhân vẫn đang là nam giới nên hành vi này không thể cấu thành tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm vì phạm tội trong trường hợp này nạn nhân phải là phụ nữ (quan điểm tình dục khác giới). Nếu chúng ta chính thức thừa nhận chuyển giới thì sẽ tránh được những khó khăn và tranh luận không cần thiết khi định tội danh đối với những hành vi nêu trên.

    Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội. Theo quy định của luật TTHS và pháp luật về thi hành án hình sự, khi tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành hình phạt tù sẽ bố trí, phân loại khu vực giam giữ bị can, bị cáo, người phạm tội theo giới tính: Nam giam, giữ riêng; nữ giam, giữ riêng. Trong trường hợp này, đối với người chuyển giới, chúng ta thừa nhận giới tính mới của họ và cần giam giữ họ theo giới tính sau khi đã được phẫu thuật chuyển giới.

    Nhiều ý kiến băn khoăn, luật hóa quyền được chuyển giới sẽ dẫn tới xu hướng xấu "chuyển giới theo phong trào", tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta không nên lo ngại điều này. Cần nhận thấy rằng, nếu không đưa vào luật, hiện tượng chuyển giới tính vẫn đã và đang diễn ra. Trong số các trường hợp chuyển giới tính, có những người có trục trặc về giới tính, nhưng cũng có người không gặp vấn đề gì về giới tính mà chỉ là sở thích cá nhân, lựa chọn lối sống. Một khi chúng ta đã luật hóa việc chuyển đổi giới tính, mọi công dân có quyền chuyển đổi giới tính nếu họ có nhu cầu. Chúng ta không thể ngăn cấm cá nhân chuyển đổi giới tính đúng pháp luật. Điều quan trọng, một khi thông qua BLDS sửa đổi cho phép chuyển đổi giới tính, cần có thông tư hướng dẫn và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân hiểu đúng và thực hiện đúng luật pháp.

    Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014) đã có một bước tiến, chuyển từ cấm "kết hôn giữa những người cùng giới tính" sang "Nhà nước không thừa nhận những người kết hôn cùng giới tính". Hy vọng rằng, năm 2015, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ thông qua quyền được chuyển đổi giới tính.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-diem-nhan-phap-ly-an-tuong-cua-viet-nam-nam-2014-a84078.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng khiến người dân bị oan sai. Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hay vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng.