+Aa-
    Zalo

    Án oan sai: "Người đã chết, xin lỗi có ích gì?"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Dù chồng tôi đã được minh oan. Nhưng mất mát đối với gia đình tôi là quá lớn. Con mất cha, vợ mất chồng... Liệu các cơ quan tố tụng có bù đắp được không?"

    (ĐSPL) - Mới đây, Viện KSND Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành xin lỗi công khai thân nhân ông Vũ Thanh Hải - người đã mất cách đây gần 10 năm do quá uất ức với bản án "trên trời".
    Theo đó, sáng 18/4, tại trụ sở UBND phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công khai xin lỗi thân nhân ông Vũ Thanh Hải theo Luật bồi thường nhà nước.
                Án oan sai: Người đã chết, xin lỗi có ích gì?
    Bà Vui (vợ ông Hải) phát biểu ý kiến tại buổi xin lỗi công khai.
    Vào tháng 4/2004, khi thực hiện công chứng vào một hợp đồng mua bán nhà đất, ông Hải (khi đó là Trưởng Phòng công chứng nhà nước số 3 ở TP Vũng Tàu) bị Công an tỉnh BR-VT khởi tố vì tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng cho tại ngoại.
    Theo hồ sơ vụ án, năm 1993 ông Nguyễn Văn Tuân (TP Vũng Tàu) được gia đình ông Nguyễn Văn Nữ (bác ruột ông Tuân) ủy quyền cho sử dụng căn nhà số 60 đường Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu.
    Năm 1996, vợ chồng ông Tuân làm hợp đồng bán căn nhà này cho người khác. Khi mang hợp đồng ra công chứng, số 60 được viết thêm chữ A đằng sau bằng bút viết tay. Hợp đồng này do ông Hải làm thủ tục công chứng.
    Sau đó gia đình ông Nữ làm đơn tố cáo ông Tuân đã gian dối, chiểm đoạt ngôi nhà này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tuân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khởi tố ông Vũ Thanh Hải về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
    Theo đó, Cơ quan điều tra cáo buộc ông Hải thiếu trách nhiệm vì đã công chứng vào hợp đồng mua bán căn nhà số 60 của ông Nguyễn Văn Tuân (TP. Vũng Tàu) giúp ông Tuân chiếm đoạt căn nhà này.
    Do phẫn uất, ông Hải đã phát bệnh tâm thần, rồi sau đó đã treo cổ tự tử, để lại người vợ và 2 con, đứa lớn 15 tuổi và đứa bé 5 tuổi. Ông Hải chết trong giai đoạn điều tra nên công an đã đình chỉ điều tra nhưng trong các cáo trạng, bản án sau này, cơ quan tố tụng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn xác định ông Hải thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
                Án oan sai: Người đã chết, xin lỗi có ích gì?
    Cụ Thanh (mẹ ông Hải, áo đen) đã khóc khi nhắc đến cái chết oan uổng của con trai mình.
    Người chồng trong lúc bi phẫn đã chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch, phản đối bản án oan sai. Lúc này, vợ ông Hải là bà Hoàng Thị Vui (SN 1963 tại Hải Dương) là giảng viên của trường Chính trị Bà Rịa - Vũng Tàu, sống cảnh "một nách 2 con", 10 năm ròng vò võ kêu oan cho chồng.
    Có những lúc bà Vui tưởng chừng như gục ngã, muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến cái chết oan uổng của chồng, bà lại càng quyết tâm hơn. 10 năm kêu oan cho chồng, đến tháng 1/2014, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao cho bà Vui quyết định, thừa nhận ông Vũ Thanh Hải bị khởi tố oan.
    Chia sẻ cùng phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, bà Vui nói: “Có hai giai đoạn cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Thứ nhất là giai đoạn khởi tố vụ án. Lúc đó, các cơ quan đã có đầy đủ hồ sơ vụ việc, nhưng đã không làm đúng trách nhiệm của mình, dẫn đến khởi tố oan cho chồng tôi. Thứ hai, khi có bản án phúc thẩm của TAND tối cao. Bản án phúc thẩm là chứng cứ rành mạch, đàng hoàng để khẳng định chồng tôi bị oan, nhưng lại không ra văn bản minh oan cho chồng tôi. Chính điều đó đã khiến tôi phải tiếp tục sống trong đau đớn, và phải đi khắp nơi kêu oan. Nếu không có bản án oan này, thì ông đã không phải chết trong đau đớn”.
    Nói về vấn đề bồi thường, bà Vui cho biết: "Trước khi bị khởi tố, ông Hải là người khỏe mạnh bình thường, là Trưởng phòng công chứng, Bí thư chi bộ. Nhưng sau khi bị khởi tố khoảng hơn 1 tháng, ông Hải bắt đầu bị phát bệnh tâm thần, do vậy ông Hải bị điên là do bị khởi tố oan, rồi sau đó dẫn đến cái chết. Vì vậy, gia đình đang nghiên cứu áp dụng quyết định nào trong trường hợp này để đòi bồi thường, rồi sẽ có đề nghị cụ thể sau".
                Án oan sai: Người đã chết, xin lỗi có ích gì?
    Nhiều người đến tham dự buổi xin lỗi công khai của VKSND.
    Được biết bà Vui và ông Hải yêu nhau từ khi cùng học tại trường Đại học Pháp lý (Hà Nội). Ông bà đã lấy nhau, an cư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuộc sống gia đình hạnh phúc với hai đứa con ngoan ngoãn. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", gia đình bà Vui chìm trong đau đớn khi ông Hải bị khởi tố oan sai.
    Gạt nước mắt bà Vui tâm sự: "Dù chồng tôi đã được minh oan, nhưng những gì mất mát đối với gia đình tôi là quá lớn, con mất cha, vợ mất chồng, oan sai kéo dài. Liệu các cơ quan tố tụng gây oan sai cho chồng tôi có thể bù đắp được mất mát này không?"
    Tiếp lời bà Vui, cụ  Bùi Thị Thanh (80 tuổi) mẹ đẻ của ông Hải đã không kìm được nước mắt. Bà nói trong đau đớn: "Thằng Hải là niềm tự hào của gia đình tôi, nó học hành giỏi giang, là đứa sống tình cảm. Chỉ vì cơ quan pháp luật không làm đúng trách nhiệm, không xem xét kỹ lưỡng đã kết tội cho nó, đẩy con tôi đến bước đường cùng "chết không nhắm mắt", minh oan rồi con tôi có sống lại được không?".
    "Tuổi già giọt lệ như sương", những người "bảo vệ pháp luật" hỏi có động lòng không khi nhìn những "giọt sương" mặn chát lăn trên đôi gò má nhăn nheo của một người mẹ đã quá cái tuổi "cổ lai hy" ấy?!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-oan-sai-nguoi-da-chet-xin-loi-co-ich-gi-a29947.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan