+Aa-
    Zalo

    Những công trình mang dấu ấn quốc gia vừa ra mắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nhà Quốc hội mới, Cầu Nhật Tân... là những công trình mang dấu ấn quốc gia.

    (ĐSPL) - Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nhà Quốc hội mới, cầu Nhật Tân... là những công trình mang dấu ấn quốc gia.

    Cao tốc Nội Bài – Lào Cai

    Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh Đầu tư). 

    Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464 triệu USD, với tổng chiều dài là 245Km đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

    Tuyến cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt

    Nam
    này được Thủ tướng phát lệnh thông xe vào ngày 21/9.

    Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 Km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80Km/giờ. Với vận tốc này, thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây.

    Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh-Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

    Tuyến đường hoàn thành sẽ trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc, tạo đà chuyển dịch kinh tế của đồng bào các dân tộc. Ngoài ra còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp, du lịch và giải trí khu vực phía Bắc.

    Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây

    Dự án TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến đường cao tốc dài nhất miền Nam. 

    Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây được đánh giá là đường cao tốc hiện đại bậc nhất, có chất lượng tốt. 

    Dự án được chính thức thông xe đưa vào khai thác ngày 8/2, với tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km và được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

    Dự án thành phần I (Đoạn An Phú – Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m

    Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m.

    Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP HCM.

    Từ TP HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ đồng do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ; đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút và đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.

    Nhà Quốc hội

    Tòa nhà Quốc hội được nhìn từ bên ngoài.

    Nhà Quốc hội được khởi công vào tháng 10/2009 và chính thức được đưa vào sử dụng phục vụ kỳ họp Quốc hội thứ 8 - bắt đầu từ 20/10/2014.

    Tòa nhà Quốc hội mới tọa lạc trên đường Độc Lập, nhìn sang Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nằm cạnh di tích Hoàng thành Thăng Long.

    Tòa nhà mới cao 39 m, có kiến trúc hình vuông, phòng họp hình tròn ở giữa, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi.

    Với tổng diện tích 60.000 m2, có hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, trong đó, phòng họp chính nằm ở trung tâm có hình tròn với sức chứa 600 người.

    Công trình được đánh giá quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt

    Nam
    xây dựng. Nhiều trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy.

    Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong buổi khai mạc kỳ họp đây là toà nhà “được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trên nền đất truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng của dân tộc ta”.

    Cầu Nhật Tân

    Cầu Nhật Tân là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng, có đường dẫn dài 5.170 mét; rộng 33,2 mét. Cây cầu được coi là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

    Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 3 cầu trên thế giớicó 5 nhịp cầu dây văng liên tục.

    Cầu được khánh thành ngày 4/1/2015 sau 5 năm xây dựng.

    Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93 km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân là hơn 13.600 tỷ đồng.

    Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép.

    Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài

    Toàn cảnh nhà ga T2 -  Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

    Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 được khởi công ngày 4/12/2011 và khánh thành vào ngày 4/1/2015 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 01 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản.

    Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục được những hạn chế trong quản lý và khai thác, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa Cảng HKQT Nội Bài và các cơ quan quản lý Nhà nước như Hải quan, Công an, Y tế, các hãng hàng không và các đơn vị phục vụ để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại đang quá tải, bảo đảm chất lượng phục vụ thuận tiện cho hành khách.

    Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài có diện tích sàn 139.216 m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế. Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế. Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế. Tầng 04: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.

    Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh.

    Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

    Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.

    Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân

    Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng.

    Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40Km/h.

    Dự án giúp kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đồng thời đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; Hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn thành phố Hà Nội.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cong-trinh-mang-dau-an-quoc-gia-vua-ra-mat-a84197.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan