Vào hè, nhu cầu lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng nhanh và đây cũng là "vụ mùa" của thợ sửa chữa, bảo dưỡng.
Sau thời gian dài hoạt động, máy điều hòa cũng cần được “nghỉ ngơi” để có thể hoạt động tốt vào mùa sau. Vì vậy, trước mỗi mùa sử dụng cao điểm, máy điều hòa nên được bảo dưỡng để đảm bảo công suất hoạt động và tránh hao phí điện năng trong quá trình sử dụng.
Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường nơi sử dụng và tần suất sử dụng trong năm. Quy trình bảo dưỡng điều hòa sẽ gồm các thao tác vệ sinh máy (lưới lọc bụi, khoang chứa cánh quạt, màng chứa nước ngưng cục lạnh…), kiểm tra tình trạng bên ngoài của dàn nóng/lạnh (vỏ máy), các điểm nối điện, kiểm tra khả năng lưu thông gió của dàn nóng/lạnh. Ngoài ra sẽ kiểm tra độ lạnh, tiếng ồn, độ rung động khác thường của máy nén, áp suất ga trong máy và so sánh với trị số cho phép.
Tuy nhiên, nếu không tinh ý, người tiêu dùng sẽ dễ rơi vào "mánh" móc túi của thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, nhất là trong những đợt nắng nóng cao điểm.
Nhiều khi chưa hết gas nhưng thợ điều hòa cho rằng đã hết cần phải bơm đầy. Ảnh: Vietnamnet |
"Vặt tiền" khi lắp đặt mới
Lắp đặt điều hòa tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng với thợ điều hòa, công việc này ngoài tiền công được trả cao thì thợ cũng dễ dàng “vặt tiền” của khách nhiều nhất.
Đơn cử, sau khi lắp đặt xong, thợ điều hòa sẽ ngồi kê ra danh sách một loạt khoản tiền khách cần thanh toán. Trong đó, tiền công đương nhiên phải trả và là khoản cố định. Còn những khoản khác, khách thường tự hiểu đó là tiền phụ kiện mà thợ điều hòa mua hộ. Thế nhưng, thực tế lại không phải vậy.
Phụ kiện lắp đặt điều hòa cần dùng là dây ống đồng, dây điện, ống nước thải, gen bọc bảo ôn, vải bọc bảo ôn, giá đỡ dàn nóng... Tiền phụ kiện thường được tính theo mét, do đó, vị trí từ dàn lạnh đến dàn nóng càng xa thì tiền phụ kiện càng tốn.
Ở điểm này, thợ điều hòa thường ăn gian về khoảng cách, tức dùng hết 4 mét dây ống đồng thì khai lên 5 mét để ăn ra được 1 mét dây ống đồng. Khi dây ống đồng đã ăn gian được số mét thì những phụ kiện kia cũng ăn gian được số mét tương ứng.
Khoảng cách lắp càng xa, số mét càng bị khai khống nhiều hơn. Thế nên, lắp một máy điều hòa, ngoài tiền công thì khách bị vặt thêm 1-2 triệu tùy khoảng cách lắp là chuyện không quá lạ.
Báo lỗi vô tội vạ
Cũng giống như lắp đặt điều hòa, khi sửa chữa điều hòa, thợ sẽ tính tiền công sửa. Nếu thay thế sẽ tính thêm tiền mua linh kiện mới. Song, thợ điều hòa thường dùng “quái chiêu” hỏng một báo hỏng hai, không hỏng cũng báo hỏng hay chọc cho hỏng để đem sửa lấy tiền.
Nếu không tinh ý người tiêu dùng sẽ dễ rơi vào "mánh" móc túi của thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ. Ảnh minh họa |
Sửa điều hòa còn dễ vặt tiền của khách hơn lắp đặt, bởi không phải khách nào cũng am hiểu về điều hòa để có thể tự kiểm tra. Đơn giản nhất, khách gọi điện báo điều hòa bật lên không thấy mát, thợ đến kiểm tra đáng ra chỉ cần vệ sinh, kiểm tra gas nếu thiếu thì nạp. Nhưng, nhiều thợ nói phải kiểm tra toàn bộ rồi kê ra đủ bệnh từ hỏng tụ, chết vi mạch, dây dẫn ống đồng hở, cháy lốc...
Do phát hiện “hỏng” đột xuất nên thợ không mang sẵn phụ kiện. Nếu khách hàng đồng ý thay tức đã sập bẫy của họ. Bởi khi về cửa hàng, thợ chỉ việc vệ sinh máy, bơm gas, còn các thiết bị kia không phải sửa chữa gì nhưng vẫn bị tính tiền thay mới như thường.
Việc sửa chữa điều hòa, thợ thường móc được nhiều tiền của khách hơn là lắp đặt. Vì thế, trước khi gọi thợ, khách nên lên mạng tra cứu nguyên nhân trước.
Né sự giám sát của chủ nhà
Thợ thường đến muộn hơn so với lịch hẹn này nhằm tạo tâm lý sốt ruột và vội vàng cho chủ nhà để thợ sửa điều hòa dễ bề thực hiện các hành vi gian lận. Trong quá trình sửa chữa, họ có thể sẽ yêu cầu chủ nhà đi lấy cho họ một số thứ gì đó để phục vụ việc thay, sửa chữa, kiểm tra điều hòa không khí. Bởi vậy, bạn đừng bất cẩn cho thợ sửa điều hòa có cơ hội tận dụng thời gian bạn vắng mặt để giả vờ đã thay thế sửa chữa nhưng thực chất là chưa.
Đề nghị đem về sửa
Nhiều thợ đề nghị được đem máy hoặc bộ phận hỏng về công ty để kiểm tra. Ví dụ thợ sẽ báo là tấm vi mạch bị hỏng, cần mang về kiểm tra và đưa ra 2 tình huống, nếu nạp nguồn xong vi mạch còn chạy thì chỉ mất công sửa, nhưng nếu vi mạch không lên được thì phải thay thế. Tuy nhiên, với chiêu này, nhiều thợ không chỉ moi thêm tiền của khách mà còn đổi bộ nguồn kém chất lượng hoặc lấy mất tụ cảm biến... Vì thế, ngoài việc chọn đơn vị tin cậy, bạn còn cần theo dõi, nắm sát lỗi và kết quả sửa chữa.
Bơm thiếu gas
Đây là mánh phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Gas của máy điều hòa sẽ còn hoặc hết sạch chứ không phải hao hụt cần châm thêm như nhiều thợ giải thích. Khi gas bị xì hết, thợ cần tìm và xử lý mối gây rò rỉ, sau đó nạp lại gas.
Thông thường thợ sửa điều hòa sẽ gian lận như một số cây xăng vẫn làm. Ví dụ, bạn mua 50.000 tiền xăng nhưng thực chất bạn chỉ được bơm 35.000 – 45.000 tiền xăng mà thôi. Do vậy bạn cần phải kiểm tra lúc bơm gas, thông thường quy trình nạp khí gas cho điều hòa mất khoảng 10 phút, tiêu chuẩn sạc đầy gas là phải đạt gần bằng 0,8.
Đặc biệt, bạn cần chú ý vì thợ sửa chữa điều hòa sau khi nạp gas xong thường dùng mỏ hàn lại dây đồng một cách cẩu thả nên chỉ trong một thời gian, máy lại bị rò rỉ gas. Sau đó, máy lại rơi vào tình trạng hoạt động kém vì gas đã bị xì hết ra ngoài theo lỗ thủng.
Trong trường hợp bị thợ sửa chữa báo điều hòa hết gas, bạn nên chú ý kiểm tra những điểm sau: Nếu bị xì hết gas hoặc nếu bị thiếu gas thì máy sẽ kém lạnh, có hiện tượng bám tuyết ngay van ống nhỏ của dàn nóng. Dòng điện hoạt động thấp hơn dòng định mức ghi trên máy. Trong một số máy điều hòa không khí, khi bị thiếu gas board điều khiển sẽ tự động tắt máy sau khoảng 5-10 phút và báo lỗi trên dàn lạnh.
Bảo dưỡng
Nhiều người cho rằng chỉ có lắp đặt và sửa chữa mới hay bị thợ “vặt tiền”, còn bảo dưỡng thì không. Song, khi bảo dưỡng, khách hàng vẫn bị thợ vặt tiền như thường, nhưng mức độ nhẹ hơn.
Cụ thể, bảo dưỡng điều hòa, thợ sẽ chỉ lấy công bảo dưỡng. Tuy nhiên, nếu khách hàng không chú ý sẽ bị thợ "lừa" rơi vào các trường hợp như báo lỗi vô tội vạ, tráo linh kiện hay "vẽ chuyện" thiếu gas, hết gas... như các trường hợp kể trên.
Vũ Đậu (T/h)