(ĐSPL) - Các cậu ấm, cô chiêu - Thế hệ "giàu có thứ 2" con nhà đại gia Trung Quốc được mô tả là nhóm người đáng ghét nhất đất nước gần 1,3 tỷ dân này, cũng là nhóm người đáng thương nhất và là một trong những mối lo lớn nhất cho kinh tế Trung Quốc, theo một phóng sự của Bloomberg ngày 1/10.
Hồi tháng 5 năm nay, báo chí quốc tế lan truyền bức ảnh một chú chó đeo 2 chiếc đồng hồ iWatch hiệu Apple. Đó là con chó cưng của một thanh niên giàu có ở Trung Quốc.
Tin tức trên tớ Doanh nhân Sài Gòn, đó chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ “kinh điển” để diễn tả một tầng lớp quý tộc ở thế hệ giàu có thứ hai tại Trung Quốc. Họ được mô tả là nhóm người đáng ghét nhất đất nước gần 1,3 tỷ dân này, cũng là nhóm người đáng thương nhất và là một trong những mối lo lớn nhất cho kinh tế Trung Quốc, theo một phóng sự của Bloomberg ngày 1/10.
Đẳng cấp “Phú nhị đại”
Cưỡi những con siêu xe, đến những nhà hàng siêu sang, ăn chơi không lo nghĩ… tại Trung Quốc có một nhóm, một câu lạc bộ hay đại loại như vậy, đang tồn tại. Với tuổi đời trung bình là 27, họ được gọi là “Fuerdai” hay chính xác là “Fu er dai”, tức “Phú nhị đại” – tầng lớp giàu có thứ hai của Trung Quốc.
Đây không phải là những tỷ phú, triệu phú trẻ tuổi đi lên bằng thực lực. Hầu hết họ là những công tử, tiểu thư xuất thân từ gia đình những doanh nhân giàu có hoặc những nhân vật trong Chính phủ Trung Quốc, như cách gọi “con ông cháu cha” tại Việt Nam.
Với cách ăn chơi ngông cuồng, Fuerdai nhanh chóng trở thành hiện tượng lan truyền trên báo chí, mạng xã hội. Tương tự việc chi hàng chục nghìn đô mua hai chiếc iWatch cho cún cưng, những vụ việc như cô gái đốt cả cọc tiền toàn đồng 100 nhân dân tệ (100 tệ tương đương 350.000 đồng), một ván bài trị giá 5 triệu tệ, hay những buổi tiệc sex… là những câu chuyện không hề hoang đường trong giới Fuerdai.
Không có ranh giới hay tiêu chí rõ ràng xác nhận việc làm thế nào để trở thành một thành viên của hội Fuerdai. Nhưng để đo đếm “đẳng cấp Fuerdai”, Bloomberg dẫn trường hợp của cô Sophia Cheng, người được “chấp nhận” trong hội Fuerdai, được hưởng tài sản hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15,7 triệu USD) từ cha mẹ.
Theo Telegraph, Wang Sicong - chủ nhân của chú chó đeo 2 chiếc iWatch - là con trai duy nhất của một đại gia bất động sản. |
Vậy, làm thế nào để những cậu ấm, cô chiêu này kết nối với nhau? Nhờ một tổ chức phi lợi nhuận có tên Hiệp hội tiếp sức cho giới ưu tú Trung Quốc (Relay China Elite Association), thành lập năm 2008.
Bloomberg phỏng vấn Martin Hang, một thành viên tích cực của Relay, đồng thời là biên tập viên một tạp chí tài chính tên Fortune Generation. Theo Martin Hang, mục tiêu của Relay khi kết nối những thành viên Fuerdai với nhau là giúp họ vượt qua những khó khăn về cuộc sống giàu có, trụy lạc.
Theo đó, Fortune Generation hướng tới việc thúc đẩy hình ảnh tích cực hơn về Fuerdai so với sự hư hỏng, suy đồi thường thấy trên các phương tiện truyền thông. Thành viên Fuerdai trong hội Relay sẽ bỏ chữ “Fu”, tức chỉ còn là “Nhị đại”, chỉ một nỗ lực tự thân vận động, khuyến khích tất cả kế nghiệp cha mẹ và gầy dựng sự giàu có cho bản thân và đất nước.
Một vấn đề lớn của Fuerdai, cũng là nguyên nhân đẩy họ vào con đường trụy lạc, nằm ở những dư chấn từ gia đình, xã hội. Một số Fuerdai nói rằng, họ đã bị cha mẹ vì lo làm ăn mà bỏ rơi họ trong đống tiền. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nhàm chán, không động lực, không có người chia sẻ, chỉ còn mỗi tiền để tiêu xài.
Trong xã hội Trung Quốc, đa phần thế hệ giàu có thứ nhất (tức phụ huynh của Fuerdai) đi lên song song với 30 năm phát triển liên tục của kinh tế Trung Quốc. Họ không những giàu, mà còn là trụ cột, xương sống cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Và dĩ nhiên cái bóng của họ quá lớn cho những công tử, tiểu thư.
Điều này dẫn tới việc thế hệ giàu có thứ hai này không chịu làm ăn. Một nghiên cứu do Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra năm 2012, cho thấy, có tới 82\% các Fuerdai không muốn kế tục sự nghiệp của cha mẹ.
Cứu lấy Fuerdai, cứu lấy Trung Quốc, đó không chỉ là câu chuyện xã hội. Hồi tháng 5/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc tới Fuerdai. Ộng nói rằng, họ cần phải “suy ngẫm về nguồn gốc của sự giàu có họ đang sở hữu, và cư xử như thế nào sau khi đã trở nên giàu có”.
Ý của ông Tập Cận Bình cũng nằm trong kế hoạch kêu gọi doanh nhân Trung Quốc tái đầu tư vào quê hương.
Làn sóng người giàu Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài cũng mang ảnh hưởng không nhỏ từ các Fuerdai, như Martin Hang nói, các Fuerdai không muốn người khác biết đến với tên gọi “con trai ông này”, “con gái bà kia”. Họ, nếu có chí hướng về cơ nghiệp, cũng đa phần muốn tự kinh doanh và kinh doanh ở nước ngoài. Thống kê của Boston Consulting Group, cho thấy, số tiền Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài đã đạt mốc 450 tỷ USD trong năm 2013.
Người Trung Quốc không ưa Fuerdai, không cần thiết phải thấu hiểu suy nghĩ của thế hệ giàu có này, nhưng đối với chính phủ đó rõ ràng là vấn đề lớn. Một khi Fuerdai không màng đến “nguồn gốc của sự giàu có”, đó chính là mầm mống cho một thời kỳ suy thoái kinh tế mà Trung Quốc không muốn xảy ra.
Lớp học dạy cách tiêu tiền cho con đại gia
Một trường học dạy cậu ấm cô chiêu quản lý tiền bạc vừa được mở ra tại Thẩm Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Và theo giáo viên của trường, khóa học này không chỉ giúp các em biết cách tiêu tiền, mà còn biết kiếm tiền trong tương lai.
Học phí là 30.000 NDT (101,3 triệu đồng) mỗi năm cho ba giờ một tuần. Cả khóa kéo dài trong hai năm. Trường học hiện có hơn 40 học sinh. Tất cả đều là con cái của các triệu phú và tỷ phú, tuổi từ 7 đến 11.
Lớp học kinh doanh cho cậu ấm cô chiêu Trung Quốc. |
Trong một lớp học gồm 5 học sinh khoảng 8 tuổi đang tập trung với chủ đề đi mua sắm.
Giáo viên hỏi: "Nếu có 50 NDT, và đang ở công viên Happy Valley, các con sẽ làm gì?" Các em bé có rất nhiều câu trả lời, từ phích, nước uống, ba lô đến đá quý. Giáo viên viết tất cả lên bảng và hỏi: "Đây là danh sách của các con. Nhưng có một vài thứ không cần thiết. Đó là cái nào?" Việc này sẽ giúp các em hiểu được khái niệm lên danh sách mua sắm.
Sau đó, giáo viên tổ chức trò săn tìm kho báu. Các học sinh phải quyết định vật nào trong hộp là có giá trị, và vật nào không. Phần lớn học viên ngay lập tức loại bỏ muôi, bàn chải đánh răng, nồi và chỉ giữ lại những đồ vật như trang sức hay vàng. Giáo viên giải thích nếu bị bỏ lại trên hoang đảo, muôi, bàn chải hay nồi sẽ có giá hơn rất nhiều so với vàng. Họ muốn những cậu ấm cô chiêu này hiểu được giá trị chỉ là tương đối.
Ren Shuxiu năm nay 7 tuổi. Bố cô bé làm trong ngành ngoại thương và rất cưng chiều con gái. Ren chưa bao giờ có dưới 1.000 NDT trong ba lô. Lần đần tiên học về "túi tiền", cô bé được yêu cầu liệt kê những món đồ muốn mua trong khoảng 20 NDT. Và chỗ đồ Ren đưa ra có giá tới gần 1.000 NDT. Mẹ Ren cho biết thay đổi lớn nhất của con gái bây giờ là biết lập danh sách trước khi đi mua sắm. Bà nói: "Giờ nó làm gì cũng có kế hoạch".
Tuy nhiên, những người phản đối lớp học này cho rằng học phí là quá cao và các em cũng còn quá nhỏ để nhồi vào đầu những kiến thức như vậy.
Tang Lixin - Chủ tịch Trung tâm mua sắm Chengdu Digital Plaza cũng cho rằng ở độ tuổi này, việc dạy tài chính cá nhân cho các em "không có nhiều ý nghĩa".
Tại Trung Quốc, những khóa học dành cho người thừa kế tài sản triệu đô cũng được lập ra rất nhiều, đầu tiên là ở Ninh Ba năm 2007. Tuy nhiên, các chương trình này chỉ dành cho sinh viên đại học trở lên.
Ngọc Anh (Tổng hợp)